Những ngày gần đây, dư luận xã hội không khỏi xôn xao trước việc nhiều học sinh tại Đồng Tháp dù đã lên lớp 6 nhưng vẫn chưa thể đọc thông viết thạo – trình độ mà đáng ra các em phải đạt được ngay khi kết thúc lớp 1, lớp 2. Thế nhưng những học sinh này vẫn được lên lớp một cách khó hiểu. Thực tế, những năm trước, cũng không ít trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp như trên, dư luận cũng dậy sóng, bàn về vấn đề bệnh thành tích, nhưng năm này qua năm khác, như u nhọt chưa được điều trị tận gốc, ở đâu đó lại tiếp tục tái phát dưới nhiều hình thức khác nhau. Cuối cùng, người chịu tổn thương không ai khác chính là những học sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thẳng thắn nói rằng “bệnh thành tích” xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng điển hình là trong ngành giáo dục. “Bệnh thành tích không phải bây giờ mới xảy ra mà đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách, ai cũng thấy rõ vấn đề qua con số 100% học sinh lên lớp, cả lớp toàn học sinh khá giỏi, thậm chỉ giỏi cả lớp, chỉ có 1-2 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Bản chất của giáo dục là tạo điều kiện cho mỗi đứa trẻ phát triển bản thân, có đủ năng lực phẩm chất. Nếu để xuất hiện những sự giả dối, thành tích trong giáo dục, thì chính nhà trường và gia đình phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trong đó, hiệu trưởng là người đầu tiên cần đứng ra chịu trách nhiệm”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, trong trường học hiện nay đang thiếu tự chủ, dân chủ, trường học không chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, học sinh cũng không chịu trách nhiệm với chính mình, như vậy giáo dục sẽ đi đến đâu? Triết lý của giáo dục là phát triển bản thân mỗi người, để các em biết cách tự chịu trách nhiệm về chính cuộc đời mình, giáo dục phải hướng đến thay đổi nhận thức.

“Chúng ta đã trong thời kỳ bao cấp quá lâu, nên có thói quen không lo chịu trách nhiệm, mà đùn đẩy lẫn nhau. Nhà trường cần được quyền tự chủ, không thể vì bệnh thành tích mà ép 100% học sinh phải lên lớp, biến các em thành học sinh khá giỏi”, thầy Tùng Lâm nói.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, với giáo dục, cần dứt khoát xác định rằng chất lượng là sự thay đổi, tiến bộ của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên, các nhà trường cũng cần tôn trọng chính năng lực của các em và tìm cách để hỗ trợ, dìu dắt học sinh. “Quyền lợi của học sinh cần đặt lên trên hết chứ không phải thành tích của nhà trường hay giáo viên”, thầy Lâm nêu quan điểm.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, trước đây có không ít trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp, nhưng chủ yếu rơi vào vùng dân tộc thiểu số, do học sinh còn chưa quen với tiếng Kinh nên khả năng margin-top-30đọc, viết còn chậm. Ngày nay, ở những khu vực không mấy khó khăn nhưng vẫn xảy ra tình trạng trên.

“Đây là những cái sai sờ sờ mà ai cũng thấy, chúng ta cần phải xem lại để đánh giá cho chính xác. Trong thi đua, không thể chỉ dựa vào tỷ lệ học sinh lên lớp. Trước đây khi còn đi dạy, chính bản thân tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh này, lớp chỉ cần có vài học sinh lưu ban, giáo viên sẽ bị cho là không sâu sát, đôi khi thầy cô đã cố gắng hết sức, nhưng các em không học được thì cũng rất khó”, GS Phạm Tất Dong nói.

Cô H một giáo viên tiểu học tại Hải Dương cho biết, vài năm trước, lớp cô dạy có một học sinh học kém hơn những em khác. Cô H đã tìm gặp và trao đổi trực tiếp với phụ huynh của học sinh này về tình hình học tập của con. Dù lên lớp 2, nhưng con vẫn chưa đọc được chữ, chưa thuộc hết các âm, vần. Dù cô đã dành nhiều giờ  ở lại dạy thêm nhưng dường như học sinh chưa có nhiều sự tiến bộ. Vốn có tư tưởng rất tiến bộ, phụ huynh đề nghị cô H cho con được học lại 1 lớp.

Thế nhưng khi danh sách nộp về trường, cô H đã được Hiệu trưởng mời lên phòng “uống nước chè” để nhắc nhở về thành tích của lớp mình và việc thi đua, xếp hạng giáo viên sẽ bị ảnh hưởng.

Tương tự, thầy T một giáo viên ở Hà Nội cũng cho rằng, việc học sinh ngồi nhầm lớp đã trở thành một vấn nạn và là “nỗi khổ” của chính giáo viên. Bản thân thầy cô cũng bị đưa vào thế khó khi để các em lên lớp cũng không được mà lưu ban cũng không xong.

“Việc học sinh lưu ban ít nhiều ảnh hưởng đến tiêu chí trường chuẩn mà hiệu trưởng nào cũng phấn đấu để đạt trường chuẩn, hơn nữa vẫn có sự so sánh trường này với trường khác, nên giáo viên chịu rất nhiều áp lực, dù muốn hay không thầy cô chủ nhiệm cũng phải “dắt tay” các em lên lớp. Có những khi kết quả của các em quá kém, giáo viên muốn cho ở lại nhưng ban giám hiệu lại có ý chỉ đạo thì thầy cô cũng đành phải nghe theo mà đánh giá tốt lên. Giáo viên ngày nay quả thực không có quyền hành gì trong tay, bao gồm cả việc giáo dục đúng nghĩa, quyết định cho học sinh học lại hay không, dù xuất phát từ chính lợi ích, chất lượng học tập của các em. Tôi tin rằng ở địa phương nào cũng sẽ có học sinh ngồi nhầm lớp nếu như thanh kiểm tra quyết liệt”, thầy T nói.

Giáo viên này cũng cho biết, không ít lần kiểm tra, đánh giá trên lớp, kết quả học tập của học sinh chưa tốt, giáo viên bộ môn vẫn nhận được những chỉ đạo, gợi ý từ cấp trên để cho các em thi lại, hoặc chí ít là ra đề dễ hơn, ôn rất sát để kết quả được cao như chuẩn đề ra.

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng: “Bản thân thành tích không có bệnh, ở đây là căn bệnh không trung thực, giả dối, những người đứng đầu muốn lấy thành tích của trường, địa phương để đánh bóng tên tuổi, chạy đua trường chuẩn, trường chất lượng cao.

Trong khi đó, mọi việc nhà trường làm cần tạo ra chất lượng giáo dục, cơ hội cho người học. Trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ đã phân cấp cho các Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT, phải thấy rằng trách nhiệm của người đứng đầu tại các địa phương rất quan trọng trong việc đưa các chính sách giáo dục đi vào thực tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rất rõ: “Ở Việt Nam thường đưa ra trách nhiệm của tập thể, nhưng trách nhiệm của người đứng đầu lại không rõ ràng”. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm, không phải việc gì cũng đổ tại Trung ương”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Nhìn nhận thực tế, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, hiện nay chất lượng của giáo dục được đo đạc bằng kết quả đánh giá của giáo viên. Nếu “sản phẩm đầu ra” được đánh giá cao, chứng tỏ việc dạy và học của nhà trường và giáo viên tốt, ngược lại, nếu chất lượng kém, giáo viên sẽ phải giải trình. Cũng bởi vậy mà nảy sinh câu chuyện “lạm phát điểm” vừa để chiều lòng phụ huynh, vừa đẹp lòng lãnh đạo. Thậm chí những giáo viên muốn chính trực, công tậm cho điểm đúng thực chất, làm nghiêm chấm chặt lại không được lãnh đạo, học sinh và cả phụ huynh yêu mến, thậm chí thành thù ghét.

Chuyên gia này cho rằng, trong tương lai cần có những cơ quan khảo thí độc lập để đánh giá học sinh, giáo viên chỉ có vai trò dạy học, hỗ trợ, dìu dắt những học sinh yếu kém cải thiện.

TS Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh giáo dục là lĩnh vực rất phức tạp, trong đó giải quyết vấn đề bệnh thành tích lại càng khó hơn nữa. Song giải pháp trước mắt là cần ban hành những tiêu chuẩn cụ thể về trường lớp, thi đua mang tính thực tế, lấy học sinh làm trung tâm. Đặc biệt cần quy rõ trách nhiệm giải trình của tập thể giáo viên, ban giám hiệu trong chất lượng giáo dục.

“Trong giáo dục, trách nhiệm lương tâm của giáo viên phải cao nhất. Nhưng hiện nay chính các thầy cô cũng đang chịu nhiều sức ép từ xã hội, từ phụ huynh, từ các phong trào thi đua. Cần có những cách làm sao để giáo viên thực hiện đúng sứ mệnh trồng người của mình. Địa phương nào quan tâm tới giáo dục tương lai sẽ giàu có, đất nước nào đầu tư cho giáo dục tương lai sẽ thịnh vượng”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh./.

Bài: Nguyễn Trang| Trình bày: Thiên Bình

Thứ Sáu, 07:00, 23/04/2021