Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tham gia hoạt động GGHB ở các Phái bộ của LHQ, sĩ quan quân đội Việt Nam còn tham gia hoạt động ở các cấp độ cao hơn tại trụ sở của LHQ ở New York


Sau 8 năm tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ), hơn 500 người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh gìn giữ hoà bình, an ninh và phát triển của LHQ. Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai được 513 quân nhân đến 3 phái bộ và trụ sở LHQ, bao gồm 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC), 1 đội công binh và 76 lượt sĩ quan theo hình thức cá nhân.

Nhìn lại những đóng góp của Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ trong năm 2022, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

PV: Đại tá có thể khái quát những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ trong năm 2022?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Gìn giữ hòa bình được Liên Hợp Quốc xác định là một hoạt động giúp các quốc gia bị tàn phá do xung đột để tạo ra điều kiện hòa bình, ổn định và tái thiết. Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ; góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các nước lớn, các nước ở các khu vực khác nhau; đề cao hơn nữa uy tín của lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh (QP, AN).

Trong những năm qua, Việt Nam đã cử lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tham gia hoạt động GGHB LHQ đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, góp phần ngăn ngừa xung đột, giữ vững hòa bình, an ninh quốc tế, nâng cao sự hiểu biết, tạo dựng và củng cố lòng tin với quân đội các nước.

Nhìn lại năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ và sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, Cục GGHB Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mình, trong đó nổi bật là các hoạt động, gồm:

Cục GGHB Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022

Thứ nhất, chúng ta đã triển khai Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 4 thay thế BVDC 2 số 3 tại phái bộ Công hòa Nam - Sudan vào tháng 4/2022 và lần đầu tiên triển khai lực lượng công binh tham gia hoạt động GGHB LHQ ở Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) vào tháng 6/2022 với quân số 184 đồng chí và gần 2.000 tấn trang thiết bị;

Thứ hai, tổ chức tuyển chọn, huấn luyện cho các nhân sự cử thay thế các vị trí theo hình thức cá nhân và hình thức đơn vị (gồm: BVDC 2.5, đang tập trung tại BV quân y 175 và Đội Công binh số 2 đang tập trung tại Cục GGHB Việt Nam). Công tác chuẩn bị nhân sự cho lực lượng tham gia GGHB LHQ liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân nên công tác tuyển chọn đòi hỏi phải làm rất kỹ từ phẩm chất đạo đức đến sức khỏe, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác... để đáp ứng yêu cầu rất cao của LHQ;

Tình huống giả định chống bạo loạn củađội Công binh số 1 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Thứ ba, tổ chức các hoạt động đối ngoại như:chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á-Thái Bình Dương với vai trò là Chủ tịch vào đầu tháng 6/2022, với sự tham gia của 18 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế; lần đầu tiên cử lực lượng lớn (48 đồng chí) tham gia diễn tập song phương về GGHB tại Ấn Độ; đồng chủ trì nhóm chuyên gia về GGHB LHQ với Nhật Bản trong khuôn khổ Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tổ chức các hoạt động hợp tác chuẩn bị cho Diễn tập GGHB LHQ, dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào năm 2023, với sự tham gia của 18 quốc gia và các tổ chức quốc tế; phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế Phụ nữ với hoạt động GGHB LHQ...

Thứ tư, huấn luyện tiền triển khai tham gia GGHB LHQ cho 17 lượt sĩ quan công an; trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ Văn phòng thường trực GGHB LHQ của Bộ Công an triển khai 4 lượt sĩ quan đầu tiên sang Phái bộ GGHB LHQ ở Nam – Sudan và trụ sở LHQ.

PV: Như Đại tá vừa chia sẻ, 2022 là năm đầu tiên Việt Nam cử lực lượng công binh tham gia hoạt động GGHB LHQ với quân số 184 người. Công tác chuẩn bị được thực hiện ra sao để tuyển chọn nhân sự không chỉ có chuyên môn, sức khỏe mà phải đảm bảo cả ngoại ngữ?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Khi ra nước ngoài công tác, ngoại ngữ là rất quan trọng. Đặc biệt để thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng GGHB LHQ, đòi hỏi các quân nhân, đặc biệt là sĩ quan phải rất thạo ngoại ngữ, không chỉ giao tiếp mà phải thuần thục tiếng Anh chuyên ngành. Đây không chỉ là yêu cầu từ phía LHQ, mà quân đội Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mỗi quân nhân tham gia nhiệm vụ này đều phải đáp ứng tốt yêu cầu. Nhận thức được điều đó, trong công tác chuẩn bị, ngoài việc huấn luyện bổ sung các kiến thức về quân sự, chuyên môn, GGHB... Cục GGHB đã tham mưu, tổ chức huấn luyện tiếng Anh từ rất sớm, trước khi các quân nhân tập trung về Cục GGHB. Công tác tuyển chọn, kiểm tra đầu vào được tổ chức nghiêm túc, đồng thời phân loại, tổ chức lớp phù hợp với từng đối tượng; tổ chức thi để đánh giá theo từng đợt.

Lực lượng công binh tham gia hoạt động GGHB LHQ với quân số 184 người

PV: Bước đầu đội công binh của ta triển khai sang Phái bộ UNISFA được LHQ đánh giá ra sao, thưa Đại tá?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Đội Công binh của Việt Nam tuy mới sang Phái bộ GGHB LHQ được 6 tháng, nhưng bước đầu đã nhận được những đánh giá tích cực. Tháng 10 vừa qua, Đoàn Tổ công tác liên ngành về Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ làm trưởng đoàn đã thăm, kiểm tra Đội Công bị số 1 tại Phái bộ UNISFA, Thủ trưởng và Đoàn công tác đã đánh giá cao sự cố gắng và mức độ hoàn thành của Đội Công binh số 1; quan chức LHQ và người dân tại Phái bộ cũng đã có nhiều lời khen ngợi đối với Đội Công binh.

Các phương tiện cơ giới của lực lượng công binh được đưa tới khu vực đơn vị đóng quân

Thời gian qua, lực lượng công binh Việt Nam không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của LHQ, còn chủ động tham gia giúp dân ở khu vực đơn vị đóng quân. Đặc điểm của địa bàn đó là vùng trũng, nên thường bị ngập vào mùa mưa, đường sá lầy lội, người dân phải chịu đựng tình cảnh này trong nhiều năm. Sự xuất hiện của chiến sĩ công binh Việt Nam đã giúp người dân nơi đây thoát khỏi những con đường lầy lội, các cháu học sinh có được sân trường khô ráo để vui chơi. Đặc biệt, đội công binh của ta khi triển khai sang Phái bộ tiếp quản cơ sở đã xuống cấp trầm trọng. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, anh em đã biến phân khu đó thành một nơi ai cũng muốn đến, khang trang và quy củ. Các bạn rất thích đến doanh trại của ta, thậm chí đánh giá phân khu của lực lượng công binh Việt Nam đẹp nhất ở Abyei.

PV: Có thể thấy, các sỹ quan của Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ GGHB đều được đánh giá rất cao, không chỉ hoàn thành tốt mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Kết quả đó nói lên điều gì, thưa Đại tá?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Quân nhân Việt Nam hôm nay luôn kế thừa và phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, lực lượng GGHB chúng tôi cũng vậy, khi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ LHQ, chúng tôi đều xác định, thứ nhất là phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn mọi mặt; thứ hai là những sứ giả tuyên truyền hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam hữu nghị, yêu chuộng hòa bình, tích cưc giúp đỡ người dân nước sở tại vơi bớt một phần khó khăn. Đây chính là nét đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như của các lực lượng vũ trang Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

PV: Phó Tổng Thư ký LHQ khi đánh giá về sự tham gia hoạt động GGHB của Việt Nam có nói rằng kết quả đó cho thấy cam kết của chúng ta ngày càng cao đối với sứ mệnh GGHB. Để có được kết quả đó là nỗ lực đóng góp của rất nhiều cá nhân, đơn vị và có được những nỗ lực đó không hề dễ dàng?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Để có được kết quả nêu trên, trước tiên phải nói đến là sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, và sự vào cuộc nhiệt tình trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đơn vị liên quan trong và ngoài Quân đội, được thể hiện bằng những thành tựu chủ yếu, đó là:

Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách, tuyên truyền

Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật, chủ yếu là:

Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, được Bộ Chính trị thông qua ngày 23/12/ 2012;

Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/12/2013;

Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi)

Nghị định số 162 ngày 14/12/2016 của Chính phủ về Quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ. Thông tư số 156, ngày 28/6/2017 của Bộ Quốc phòng về Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 162 của Chính phủ;

Bộ Quốc phòng đã ra Thông tư 171, ngày 19/12/2018 về việc Quy định về quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành đối với lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng GGHB LHQ..

Về thành lập hệ thống cơ quan tham mưu, triển khai thực hiện

Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, hệ thống các cơ quan tham mưu, giúp việc đã được hình thành đồng bộ và hoạt động hiệu quả. Từ “Tổ công tác liên ngành”, “Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng” về tham gia hoạt động GGHB LHQ thành lập năm 2014, đến “Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam” năm 2014 và “Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam” năm 2017…

Về tổ chức triển khai lực lượng tại Phái bộ GGHB LHQ

Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã thành lập hệ thống cơ quan tham mưu, điều hành, tổ chức triển khai thành công 513 lượt người, trong đó có 76 lượt vị trí cá nhân, 01 Đội Công binh và 04 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2; thành lập Bệnh viện DC cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 chuẩn bị thay thế cho các thê đội trước. Trong đó có 21 nữ quân nhân tham gia Đội Công binh số 1, 45 nữ quân nhân tham gia tại 4 thê đội BVDC cấp 2 và 9 quân nhân tham gia ở hình thức cá nhân.

Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã thành lập hệ thống cơ quan tham mưu, điều hành, tổ chức triển khai thành công 513 lượt người

Lực lượng của ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; tạo ấn tượng tốt với nước sở tại và bạn bè quốc tế; uy tín ngày càng nâng lên; được dư luận quốc tế, LHQ đánh giá cao; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình ủng hộ.

PV: Năm 2022 lần đầu tiên ta cử sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu và sĩ quan công an thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ. Chúng ta đã có sự chuẩn bị ra sao cho những bước tiến mới này?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Việc chúng ta cử sĩ quan tham gia Trung tâm huấn luyện của Liên minh châu Âu (gọi tắt là EUTM) xuất phát từ thỏa thuận khung giữa Việt Nam và EU về tham gia hoạt động giải quyết khủng hoảng. Trong thỏa thuận đó chúng ta cam kết sẽ cử sĩ quan tham gia.

Để chuẩn bị cho hoạt động này, Bộ Quốc phòng đã chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn đối với sĩ quan tham gia do EU yêu cầu, ngoài các kiến thức quân sự, khả năng về huấn luyện đào tạo, các sĩ quan phải có 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, đặc biệt là tiếng Pháp (do Cộng hòa Trung Phi là địa bàn nói tiếng Pháp), Trung tâm Huấn luyện của EU tại CH Trung Phi có nhiệm vụ cố vấn huấn luyện cho các sĩ quan, quân nhân của quốc gia sở tại. Vì thế, đối với các ứng viên tham gia EUTM cũng phải được tuyển chọn kỹ càng như lực lượng GGHB, cũng phải tổ chức các khóa huấn luyện tiền triển khai và cử đi tham gia các khóa huấn luyện do Liên minh châu Âu tổ chức để bổ sung kiến thức cần thiết.

Đến thời điểm này, các sĩ quan của Việt Nam đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và lên đường sang Trung tâm huấn luyện của Liên minh châu Âu ở CH Trung Phi ngày 20/12 vừa rồi.

Năm 2022, Bộ Công an đã gửi các sĩ quan công an sang Bộ Quốc phòng để tham gia các khóa huấn luyện tiền triển khai tham gia hoạt động GGHB LHQ (Trong đó: đợt I là 7 sĩ quan; đợt II là 10 sĩ quan). Trong 7 sĩ quan đã tốt nghiệp vào tháng 8 vừa qua, hiện 4 sĩ quan đã triển khai tham gia hoạt động GGHB LHQ ở hình thức cá nhân, lĩnh vực Cảnh sát (trong đó 1 sĩ quan triển khai tại trụ sở LHQ và 3 sĩ quan ở Phái bộ UNMISS tại Nam – Sudan.

Việt Nam lần đầu cử 4 sĩ quan công an tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc

Việc hợp tác, hỗ trợ huấn luyện đã tạo sự gắn kết rất tốt giữa cơ quan thường trực về GGHB LHQ của Bộ Công an với Cục GGHB Việt Nam, cũng như hai lực lượng. Trong quá trình huấn luyện, các học viên đã được trang bị các kiến thức cơ bản về tham gia hoạt động GGHB LHQ, đồng thời là dịp để học hỏi kinh nghiệm công tác tại phái bộ của các sĩ quan quân đội. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Cục GGHB đã có những hỗ trợ quan trọng để các sĩ quan công an triển khai sang Phái bộ được thuận lợi nhất. Gần đây nhất, các sĩ quan công an đầu tiên tham gia hoạt động GGHB LHQ đã nhận được sự hỗ trợ từ các sĩ quan quân đội ngay khi đặt chân đến Nam – Sudan hay New York, Hoa Kỳ.

PV: Năm 2023, Cục GGHB Việt Nam có kế hoạch gì đáng chú ý, thưa Đại tá?

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hưng: Năm 2023 chúng tôi có nhiều nhiệm vụ quan trọng, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên là quản lý, chỉ huy, bảo đảm mọi mặt cho các lực lượng ngoài địa bàn gồm cả hình thức cá nhân và hình thức đơn vị, thì còn một số nhiệm vụ lớn như:

Chuẩn bị các thê đội BVDC cấp 2 số 5,6 và Đội công binh số 2,3 để sẵn sàng thay thế trong thời gian tới;

Tổ chức hai cuộc diễn tập, bao gồm: cuộc diễn tâp song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ (Vinbax 2023) và cuộc diễn tập GGHB LHQ trong khuôn khổ ADMM+, với sự tham gia của 18 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức 2 cuộc diễn tập này, có thể nói thách thức khá lớn, nhưng chúng tôi tin tưởng dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan liên quan, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Chủ Nhật, 06:00, 01/01/2023