PV: Trở lại màn ảnh rộng với “Tiệc trăng máu”, Hứa Vĩ Văn không còn là một chàng “soái ca” đẹp trai, lịch lãm mà đã là một người chồng, người cha. Nhân vật này có quá lạ lẫm với anh?

Hứa Vĩ Văn: Tôi chưa bao giờ nhận danh xưng ấy và cũng hơn 3 năm nay, tôi đã chứng minh cho khán giả hiểu rõ công việc làm diễn viên hơn khi phải đóng nhiều loại vai khác nhau. Danh xưng ấy đã không còn phù hợp và chỉ là món quà 5 năm trước mà khán giả dành tặng cho tôi sau phim “Em là bà nội của anh”. Hiện tại, tôi đã bước qua tuổi trung niên nên các vai diễn có chiều sâu và đứng tuổi sẽ có nhiều tâm tư hơn.

Nhân vật Quang trong “Tiệc trăng máu” đánh dấu sự thay đổi của tôi với hình tượng một người đàn ông trung niên, đúng với tuổi của tôi. Bản thân tôi thấy tôi đang trải nghiệm một giai đoạn mới. Những vai diễn trẻ trung trước đó đã qua rồi.

Với nhân vật Quang, tôi cảm thấy dễ chịu, không phải gồng mình, không sợ xấu, không áp lực khán giả cứ bắt mình phải đẹp. Mình là đàn ông trung niên 40 tuổi, có vợ con rồi thì mình cứ như thế thôi. Tôi cảm thấy thả mình trôi dễ hơn. Nếu mình có xấu đi, có già đi cũng không sao.

PV: “Tiệc trăng máu” là bộ phim remake nhiều nhất trên thế giới, êkíp làm phim có gặp áp lực không thể vượt qua cái bóng của các phiên bản quá thành công trước đó?

Hứa Vĩ Văn: Cũng như chiếc điện thoại iPhone, các phiên bản càng mới chắc chắn sẽ có những thứ tốt hơn. Nói như vậy cũng có nghĩa là bộ phim phiên bản Việt sẽ có ưu điểm mà các nước khác đã làm thành công để tích góp lại. Tất nhiên không phải bản remake nào cũng dễ dàng thành công, đến nay Việt Nam cũng chỉ có duy nhất 3 bộ phim remake thành công và được khán giả đón nhận. Làm reamake cũng như làm một bộ phim mới, không hề dễ dàng. Sau tất cả cũng là sự nhận định của khán giả xem phim.

7 diễn viên chúng tôi dưới sự hỗ trợ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh đã có một khoảng thời gian rất dài để cùng ngồi lại với nhau, trò chuyện, xem xét những phiên bản đó, cùng phân tích để làm sao khi về Việt Nam, khán giả xem sẽ thấy đây là món ăn Việt Nam chứ không phải món Pháp, món Ý, hay món Hàn Quốc…

PV: “Tiệc trăng máu” quy tụ dàn diễn viên toàn sao như “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Đức Thịnh, Kaity Nguyễn. Anh có lo ngại mình bị lép vế?

Hứa Vĩ Văn: Khi tất cả chúng tôi được mời vào dự án này, hầu hết mọi người đều háo hức và hứng thú vì đã biết về nhau, về quá trình của nhau, về tâm tư làm nghề. Chúng tôi chung một chí hướng là có tâm với công việc và toàn những người được trong giới quý trọng nên không có chuyện chèn ép hay lép vế, ganh đua ai hơn ai. Ở đây là sự đồng tâm toàn ý cho bộ phim và các nhân vật. Khi chúng tôi tập luyện cũng vậy, chỉ cần một người thoát khỏi đường dây là gãy cả đoạn diễn đó. Chính vì thế, chúng tôi quý trọng tính đồng đội và tập thể để giờ đây mới có một bộ phim tốt gửi đến khán giả.

PV: Ít ai sống được bằng thù lao nghề diễn viên mà còn phải lăn lộn ở nhiều mảng khác, vừa để kiếm tiền, vừa để tạo danh tiếng, như tham gia gameshow… Anh thì ít xuất hiện hơn. Tiền cát xê vẫn giúp anh sống tốt?

Hứa Vĩ Văn: Ai cũng cần phải có quá trình nên không thể so sánh người này với người khác. Thù lao nghệ sĩ là điều tế nhị và tất nhiên, lương văn phòng cũng phải khác nhau cho những vị trí từ thấp đến cao. Bạn muốn có vị trí cao để có lương cao thì bạn phải thật sự giỏi. Đó là điều tất yếu, không ai trả cho bạn mức thu nhập không tương xứng. Không ai trả cho bạn lương cao đủ sống mà năng lực và kinh nghiệm bạn không có. Nghệ sĩ cũng vậy, ai cũng phải đi lên từ những bậc thang thấp nhất. Để có danh tiếng và tiền bạc tương xứng, chắc chắn bạn phải có một quá trình và ở mức độ nào đó chứ!

PV: Anh từng chia sẻ con đường đi đến thành công của mình khá dài, từng trải qua nhiều thất bại, nhưng đến bây giờ anh vẫn tiếp tục bước đi trên con đường đó và đã có được chỗ đứng nhất định trong nghề. Động lực nào giúp anh vượt qua được những khó khăn?

Hứa Vĩ Văn: Mỗi người có những cách khác nhau, riêng tôi cũng mất khá nhiều thời gian chứ không phải ngày một, ngày hai. Điều thôi thúc tôi đứng lên mỗi khi thất bại chắc hẳn là lòng đam mê và yêu nghề của mình. Chỉ có niềm tin yêu cho phim ảnh mới giúp tôi không bỏ cuộc và đi tiếp.

PV: Đạo diễn Charlie Nguyễn từng nói điện ảnh Việt đang cực kỳ thiếu nam diễn viên đóng chính. Mỗi lần, đạo diễn tìm nam diễn viên đóng chính ở lứa tuổi 25-30 vất vả vô cùng. Anh thấy sao?

Hứa Vĩ Văn: Anh Charlie nói có ý đúng nhưng ở góc nhìn của một nhà sản xuất và đạo diễn. Đứng ở khía cạnh diễn viên, tôi muốn bổ sung thêm là thật ra không thiếu mà chỉ là thiếu cơ hội để “đãi cát tìm vàng”. Có nhiều người tài năng nhưng cơ hội là không có và không đến được với nhiều nhà sản xuất với nhiều lý do khách quan. Lứa U30 chỉ có Kiều Minh Tuấn lên hạng sao nhờ “Em chưa 18” bất ngờ ăn khách và kỷ lục doanh thu phim. Trước đó, Tuấn cũng chật vật đóng vai phụ và phim truyền hình rất lâu. Cho nên cũng khó nói nếu như không có vai và có phim hợp vai vào thời điểm đó.

PV: Trong số dàn diễn viên nam của điện ảnh Việt Nam hiện tại, anh đánh giá cao ai?

Hứa Vĩ Văn: Kiều Minh Tuấn là một diễn viên xuất chúng, có tài bẩm sinh. Trước khi tiếp xúc với Tuấn, tôi có theo dõi Tuấn qua một số dự án mà cậu ấy tham gia. Tôi cảm thấy: “Ôi thằng quỷ này, sao nó còn trẻ mà nó chững chạc vậy trời!”. Vai nào Tuấn cũng đóng được. Hồng Ánh từng nói trong một buổi phỏng vấn từ cách đây rất lâu rằng nghề diễn viên của chúng tôi, 90% là tài năng, 10% là lao động, trau dồi. Nếu như không có tài năng thì không thể nào làm diễn viên được. Kiều Minh Tuấn là tài năng đặc biệt, một trường hợp hiếm có trong lứa diễn viên nam hiện tại.

Trong lứa diễn viên nam 8X như Kiều Minh Tuấn, nhiều người có ngoại hình đẹp, nhưng lại không chú trọng trau dồi diễn xuất, kỹ năng sống. Tuấn được cái hơn nhiều diễn viên khác ở vốn sống, trải nghiệm, tư duy diễn xuất. Còn nếu không có những thứ đó thì không thể làm được gì hết, cờ đến tay cũng không phất được.

PV: Anh đã có chỗ đứng vững chắc trong nghề, sự nghiệp ổn định. Nhưng cuộc sống của anh vắng bóng một người tri kỷ bên cạnh?

Hứa Vĩ Văn: Ông bà ta hay nói duyên là không cưỡng cầu, vạn sự tùy duyên. Quan trọng là chúng ta đang cảm thấy thế nào mới là quan trọng. Hiện tại, tôi cảm thấy an yên mỗi ngày, chỉ cần người thân xung quanh bình an là tôi vui rồi.

Điều quan trọng nhất với tôi lúc này không phải là chuyện yêu đương, mà là gia đình. Tôi phải lo cho 2 đứa con nhỏ của em trai vừa mới mất. Mẹ tôi cũng vừa bị liệt, cần người chăm sóc. Tôi phải gánh vác nhiều thứ lắm. Có những ngày, tôi chỉ ngủ có vài tiếng. Ngoài gia đình thì tôi còn công việc và công ty riêng nữa.

PV: Sao anh không thử mở lòng để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình?

Hứa Vĩ Văn: Tôi có nghĩ đến chuyện lập gia đình chứ, nhưng với hoàn cảnh tôi đang trải qua, những việc tôi đang phải gánh vác quá nhiều, điều đó để làm gì? Cuộc đời tôi nhiều mất mát và đau thương, chỉ còn ở đây một mình. Bên nội tôi không còn ai ở Việt Nam, mọi người đã định cư ở nước ngoài từ hơn 30 năm trước. Ngoại trừ bố tôi, anh trai và em trai đã mất thì họ hàng đều ở nước ngoài. Giờ chỉ mong mẹ tôi vẫn khỏe được lúc nào hay lúc đấy và chăm hai đứa nhỏ, một bé lớn vừa vào lớp 1.

Sau bao sóng gió, tôi giờ thấy an nhiên tự tại, các vết thương trong tâm hồn cũng dần hồi phục, nhưng những vết hằn sẹo luôn cho tôi ghi nhớ trách nhiệm mình phải làm gì khi được chọn ở lại.

PV: Cảm ơn anh./.


Thứ Sáu, 06:00, 30/10/2020