Chưa bao giờ chúng ta xử lý tham nhũng mạnh như những năm gần đây. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, có 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp phải xử lý hình sự, thậm chí án chồng án.
Năm 2023, chỉ tính ở cấp tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng đã khởi tố 763 vụ án/2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm trước). Đồng nghĩa với đó là hàng loạt cán bộ phải hầu tòa. Riêng đại án Việt Á đã có đến 3 cựu Ủy viên Trung ương Đảng trong số 38 bị cáo mà chủ yếu là cựu quan chức. Đối tượng bị phạt tù cao nhất là Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á 29 năm tù; cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long 18 năm tù giam…
Cũng vì lợi dụng chính sách phòng, chống đại dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước để hưởng lợi, 54 bị cáo phải hầu tòa vì liên quan nhiều sai phạm khi tổ chức các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước; trong đó 3 bị cáo bị phạt tù chung thân, 1 cựu thứ trưởng 14 năm tù giam.
Ngược thời gian và nhìn ra một số vụ án lớn khác, cho thấy có nhiều bị cáo từng là cán bộ cấp cao, thậm chí là cấp chiến lược, bộ trưởng, bí thư thành ủy, hay chủ tịch tỉnh, thành phố, hoặc tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang, như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang,… từng có những đóng góp nhất định cho địa phương, đơn vị, là niềm tự hào của dòng họ, gia đình. Nhưng khi bước lên bục khai báo trước tòa, dù họ có thật sự nhận ra sai phạm của mình, có ăn năn hối cải thế nào đi chăng nữa, cũng không thể cứu vãn được danh dự bản thân, bởi chính bàn tay nhũng chàm của họ đã tước nó đi rồi. Có người, trước tòa, chỉ mong sao được sớm trở về với cuộc sống đời thường để "không phải là con ma khi còn ngồi tù"; có người khi cha mất cũng không được về nhìn mặt lần cuối vì còn phải chấp hành án tù. Thật chua chát! Quả là "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", như dân ta từng nói.
Trở lại 2 đại án gần đây xảy ra trong đại dịch Coid-19, cho thấy tham nhũng ngày càng phức tạp; đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ đáng báo động đến mức nào. Giữa lúc cả nước gồng mình lên chống dịch như chống giặc; có ngày, hàng trăm người chết vì dịch bệnh, để lại bao nỗi đau thương, mất mát cho gia đình, xã hội nhưng các quan chức này lại bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt ấy để vụ lợi. Còn đâu là tình người. Vậy mà trước tòa (vụ chuyến bay giải cứu), bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao vẫn cho rằng bản thân chưa bao giờ có suy nghĩ vụ lợi. Trong khi cáo trạng khẳng định có tới 32 lần nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng nhưng bị cáo Lan đáp: "Hiện trong gia đình bị cáo không còn một đồng"; cũng không nhớ chi tiêu số tiền đó vào đâu.
Tại phiên tòa xét xử đại án Việt Á (Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á) không ít bị can hồn nhiên nói, không hề vòi vĩnh, gợi ý; hay khi cầm tiền rồi cũng "không nghĩ nhiều" vì đó là "chia sẻ lợi nhuận" do kinh doanh hiệu quả. Thậm chí là không biết có tiền trong túi quà nên để ở phòng làm việc, sau đó mới biết và khi chuyển cơ quan thì đem tiền về để ở gara ô tô gia đình nhưng sau không thấy nữa? Các bị cáo có biết số tiền đó lấy từ đâu ra không? Theo cáo trạng, một kit test của Việt Á chỉ có giá 143.000 đồng, gồm tất cả chi phí kèm theo 5% lợi nhuận, nhưng có sự "giúp sức" của các quan chức mà nó được bán với giá 470.000 đồng/test. Số tiền chênh lệch ấy, Nhà nước và người dân phải gánh chịu cả.
Trước tòa, lại thêm một lần nữa các cựu quan chức đánh mất chính mình, vì quanh co chối tội, kể lể thành tích, liệt kê bằng khen, giấy khen... Điển hình như Hoàng Văn Hưng, bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Suốt phiên sơ thẩm, cựu điều tra viên này một mực kêu oan và đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hưng tỏ ra giảo hoạt, đưa ra các lập luận chối tội nhận tiền vì ngạo mạn tin rằng, không có bằng chứng thì không thể buộc tội. Ngay sau phiên sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng còn đệ đơn kháng cáo nhưng trước khi diễn ra phiên phúc thẩm thì bị cáo quay ngoắt 180 độ, nhận tội và xin được khoan hồng.
Dân ta có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Với bản chất nhân văn và dựa vào những tình tiết được giảm nhẹ, tòa phúc thẩm đã giảm án từ chung thân xuống phạt tù 20 năm cho bị cáo Hưng. Song sự hối hận muộn mằn ấy có gột rửa được vết nhơ cho lương tâm trong sáng; có lấy lại được danh dự và niềm tin? Chắc chắn là khó!
Hầu hết các bị cáo là cựu quan chức đều được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và chính trị, được trọng dụng, am hiểu sự đời, nếu còn chút tự trọng chắc chắn không thể không hối hận. Những ngày phải hầu tòa rồi cũng qua đi, nhưng không gì có thể khỏa lấp được nỗi ê chề mà họ phải đối mặt với công lý, với những hệ lụy xã hội, đặc biệt là người thân, gia đình mà họ gây ra. Đó là tòa án lương tâm mà không bị cáo nào có thể trốn tránh.
Khi nói lời sau cùng (trong vụ án Việt Á), bị cáo Nguyễn Thanh Long ân hận, xót xa: "Bị cáo có lỗi với gia đình, với đồng nghiệp, có lỗi với nhân viên ngành y tế. Bị cáo xin được gửi lời xin lỗi đến tất cả. Bị cáo thành thật xin lỗi". Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong vụ “chuyến bay giải cứu”, cũng cay đắng, ngậm ngùi: "Bị cáo vô cùng hối hận, mong tòa xem xét toàn diện cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng. Cả đời bị cáo tận tụy, cống hiến. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, gia đình và bạn bè".
Trong hàng loạt vụ án gần đây thì đại án Việt Á là điển hình về tham nhũng có hệ thống, móc ngoặc nhau để trục lợi, khi bị phát hiện thì tìm cách móc nối chạy tội, trong đó có nhiều cựu quan chức các cơ quan Trung ương, địa phương, các ngành liên quan. Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn này và một số đơn vị liên quan.
Rõ ràng là tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, cả trong các cơ quan nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; cá biệt như một Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD.
Trong cuộc sống, thật khó tránh khỏi có lúc sai lầm nhưng nếu không phải do tư túi thì luôn được đánh giá một cách công tâm. Bằng chứng là trong vụ Việt Á, cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã được tòa miễn trách nhiệm hình sự. Đừng đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế. Mọi việc suy đến cùng vẫn là do cán bộ hư hỏng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Đây là cái gốc dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Việc cựu quan chức hầu tòa không chỉ là bài học đắt giá cho họ mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có "máu tham hễ thấy hơi đồng là mê". Ước gì, sau mỗi vụ án đưa ra xét xử, từng cán bộ, nhất là người có chức quyền, nhìn vào đó mà ngẫm lại mình để sống sao cho thật sự trong sạch, liêm khiết, tránh được vết xe đổ của đồng chí mình. Là cán bộ, đảng viên, hãy để nằm lòng chia sẻ chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"
Tác giả: Bắc Văn
Trình bày: Quỳnh Trang