Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Cơ chế này phản ánh và giải quyết các mối quan hệ cốt lõi của xã hội Việt Nam và ngày càng được hoàn thiện. Đây là một cơ chế, giải quyết ba mối quan hệ chính trị cơ bản nhất ở Việt Nam hiện nay, đó là quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhằm giải quyết những vấn đề bản chất nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng. Có thể nói đây là vấn đề của mọi vấn đề. Để cho cơ chế này hoạt động tốt, có hiệu quả, yêu cầu đặt ra là vừa tạo ra động lực cho từng nhân tố và phối hợp nhịp nhàng giữa ba nhân tố; vừa kiểm soát quyền lực trong từng nhân tố nói riêng và kiểm soát lẫn nhau trong tổng thể nói chung.
Kiểm soát quyền lực là mấu chốt của công tác phòng chống tham nhũng. Ngày 30 tháng 6 năm 2022, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Trên thực tế, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Giữa các kỳ Đại hội, Đảng, Nhà nước không ngừng kiện toàn khung kiểm soát quyền lực bằng các nghị quyết về công tác cán bộ, quy trình kiểm tra, giám sát trong bổ nhiệm cán bộ, quản lý chi tiêu công… Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đối tượng áp dụng là tổ chức (gồm cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị), cá nhân có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán. Quy định này rất trúng và kịp thời.
Một đất nước muốn phát triển được thì phải biết tập hợp trí tuệ của cả quốc gia. Muốn kiến tạo, phát triển cần thu hút người tài vào hệ thống công vụ. Trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn: Làm gì cũng phải đúng vai, thuộc bài. Ở vị trí nào cũng phải hiểu rõ và làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình. Và những người làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, dám đấu tranh với những biểu hiện sai trái, đương đầu với nhóm lợi ích tiêu cực để làm tốt công việc của mình thì phải được bảo vệ. Hiểu rộng ra, nếu cái sai không bị trừng phạt, cái đúng không được bảo vệ thì sẽ có người sẵn sàng làm sai để hưởng lợi và không sẵn sàng vì lợi ích tập thể mà đương đầu với cam go, thử thách.
Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là công cụ để góp phần kiểm soát quyền lực. Cùng với đó Đảng có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng chống tiêu cực, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp vi phạm phải xử lý kỷ luật. Vì thế nhiều cán bộ đã xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm không dám quyết, dẫn đến đùn đẩy việc, trách nhiệm lên cấp trên hoặc chờ ý kiến của tập thể, trong khi việc đó thuộc quyền hạn, trách nhiệm của mình. Tâm lý ấy sẽ dẫn đến sự trì trệ của cả hệ thống công vụ. Từ thực tiễn này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu dự thảo quy định của Bộ Chính trị về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2023 của Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, khuyến khích cán bộ làm việc có lợi cho nước cho dân.
Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 73/2023/NĐ-CP, quy định cụ thể về việc khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định của chính phủ nêu cụ thể thế nào là cán bộ năng động sáng tạo; khuyến khích bằng vật chất và tinh thần như thế nào; bảo vệ cán bộ có những phẩm chất ấy như thế nào. Đây là cơ chế, chính sách quy định của Nhà nước, đảng viên và quần chúng đều chấp hành.
Những ngày đầu năm 2024, Quốc hội đã họp phiên bất thường quyết định 4 nội dung quan trọng gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số cơ chế chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung về tài chính ngân sách. Về Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là dự án luật lớn có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Nội dung dự án luật đã được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, qua nhiều vòng nhiều bước. Trong thực tế cuộc sống, Luật Đất đai điều chỉnh rất nhiều các hoạt động kinh tế - xã hội, liên quan đến mọi tổ chức, cá nhân. Các vấn đề phức tạp liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu hồi đất, cách tính giá đất diễn ra ở tất cả các địa phương trong cả nước. Gần 70% các khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai. Vì thế dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã phải chỉnh lý nhiều lần và lùi thời gian thông qua với sự cân nhắc, thận trọng. Sau khi được tiếp thu chỉnh lý, dự thảo luật này đã thể chế hóa các quan điểm nội dung của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đất đai, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật. Sau 4 phiên thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội, 8 phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một lần lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua ngày 18/1/2024.
Thực tế cuộc sống cũng đặt ra nhiều vấn đề với Luật Các tổ chức tín dụng. Việc mua trái phiếu hay sổ tiết kiệm biến thành các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã kéo theo sự bức xúc, mất lòng tin của người dân vào các tổ chức tín dụng. Tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng thương mại là tình trạng sở hữu chéo, sự chi phối hay thao túng, mối quan hệ nhằng nhịt giữa các cổ đông. Người dân mong đợi dự thảo Luật được nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, minh bạch và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Nhìn vào những nội dung Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này, có thể thấy đây là những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.
Một hoạt động quan trọng khác trước thềm xuân, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam. Tại đối thoại, Thủ tướng khẳng định chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế để phát triển nhanh và bền vững. Để thúc đẩy quá trình này, ưu tiên của quốc gia là: tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng trong đó ưu tiên phát triển ngành năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, và công nghiệp bán dẫn.
Cùng với những tín hiệu vui ấy, những quyết sách và định hướng được Trung ương thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 trong các lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đã lan tỏa sức sống mới, quyết tâm mới, tầm nhìn mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhớ lại cách đây 3 năm, cũng những ngày đầu Xuân, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra một điểm nhấn quan trọng, đó là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Khát vọng này được cụ thể hoá bằng những mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 và tầm nhìn trong những thập kỷ tiếp theo. Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam thuộc nền văn hóa Đông Á. Năm nay là năm Giáp Thìn. Theo quan niệm truyền thống, con Rồng biểu trưng cho sức mạnh, uy quyền, phú quý và thịnh vượng. Trước thềm xuân Giáp Thìn, những hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, những xác quyết về nhiều vấn đề căn cơ, chiến lược đang tạo ra một khí thế mới khơi dậy khát vọng đất nước hóa rồng.
Tác giả: Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Trình bày: Kiều Anh