Từ kinh nghiệm ứng phó các đợt dịch trước, Việt Nam vẫn đang kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4. Số ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong các khu vực đã cách ly và phong tỏa.
Sau hơn 1 tháng không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ngày 27/4, Hà Nam ghi nhận một người đàn ông dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Từ đây bắt đầu chuỗi lây liên tiếp tại Hà Nam, TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Giang và Bắc Ninh, với nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau, như: liên quan chuyên gia Trung Quốc, người nhập cảnh trái phép, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và một số ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây. Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là khó khăn, phức tạp hơn, với biến chủng virus mới lây lan nhanh chóng hơn.
Ca mắc COVID-19 tại tỉnh Hà Nam (BN2899) sau khi hết thời gian cách ly tập trung trở về địa phương là nguồn lây cho 16 ca bệnh khác trên địa bàn tỉnh, 1 trường hợp ở TP.HCM, 3 ca tại Hà Nội và 2 người ở Hưng Yên. Bộ Y tế đánh giá dịch COVID-19 tại Hà Nam đã trải qua 3 chu kỳ lây nhiễm.
Tiếp đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, các ca mắc COVID-19 đầu tiên của ổ dịch này được phát hiện vào ngày 2/5, gồm 6 nhân viên tại quán bar Sunny, nơi chuyên gia Trung Quốc mắc COVID-19 đã ghé qua.
Những ngày sau đó, nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa cũng ghi nhận ca mắc liên quan ổ dịch này. Kết quả giải trình tự gene của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus lưu hành tại ổ dịch ở Vĩnh Phúc là biến chủng Ấn Độ B.1.617.2. Điều này cho thấy 2 nhóm chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc đã lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung - khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái), khiến dịch lan ra cộng đồng.
Ngày 3/5, Đà Nẵngphát hiện ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây. Người mắc COVID-19 là nhân viên bán vé khu vực Spa tại khách sạn Phú An, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Nam bệnh nhân đã lây cho 3 người tại Đà Nẵng (1), Quảng Nam (1), Đồng Nai (1).
Đến nay, từ các ổ dịch này, các ca mắc đã xuất hiện và lây lan với tốc độ nguy hiểm tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và Đà Nẵng. Dịch bệnh trong khu công nghiệp đặt ra tình huống “khẩn cấp” buộc các địa phương phải dồn lực để truy vết, xét nghiệm ngày đêm nhằm chặn đứng các chuỗi lây bệnh này.
Các chuyên gia nêu rõ, đợt dịch này có nhiều nguồn lây nhiễm: Thứ nhất, từ các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà trong quá trình cách ly chúng ta hiện quản lý chưa nghiêm. Thứ hai, trong cộng đồng cũng có các trường hợp lây nhiễm, rồi từ đó lây vào bệnh viện, từ bệnh viện lại lây lan ra cộng đồng. Thứ ba là chủng virus lần này khác hơn so với các lần trước, đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần. Nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng của Anh.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 25 bệnh nhân nhiễm biến chủng của Ấn Độ. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có thời gian lây nhiễm rất nhanh, chỉ trong 1-2 ngày các trường hợp F1 nhanh chóng thành F0, và cũng chỉ trong vài ngày, F2 trở thành F0 nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. “Với biến chủng mới, Việt Nam vẫn giữ chiến lược phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả và thực hiện xét nghiệm”- ông Phu nêu rõ.
Theo ý kiến các chuyên gia, ý thức một bộ phận người dân khi không tuân thủ các quy định cách ly phòng dịch, tình trạng nhập cảnh trái phép sẽ còn là yếu tố đe dọa tới mọi nỗ lực chống dịch của cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã khẳng định: “Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn đang phòng, chống dịch tốt. Trong bối cảnh hiện nay, không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân, sau đó là với đất nước, cộng đồng”.
Lần đầu tiên trong suốt 1,5 năm chống dịch của Việt Nam, đã có 10 cơ sở y tế phải phong tỏa/cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết chống dịch chỉ trong thời gian ngắn hơn 10 ngày. Trong đó có 2 bệnh viện lớn tuyến Trung ương phải trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 3 cơ sở của Bệnh viện K.
Tối 4/5, ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xác nhận nam bác sĩ công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu của cơ sở y tế này dương tính với SARS-CoV-2. Người này được phát hiện mắc COVID-19 khi đi công tác nước ngoài.
Một ngày sau, 14 ca dương tính mới đã được phát hiện tại nơi điều trị với số lượng bệnh nhân COVID-19 lớn nhất cả nước này. Họ là các bệnh nhân đang điều trị. Ngay lập tức, từ ngày 5/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 thực hiện cách ly y tế. Số người nhiễm virus tăng lên từng ngày khiến tình hình càng trở lên khó khăn, phức tạp hơn. Chỉ trong vài ngày, dịch bệnh lây lan khắp 26 tỉnh, thành phố.
Ba ngày sau đó, sáng 7/5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phát hiện 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân và người nhà. Trong đó, một trường hợp từng điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Toàn bộ 3 cơ sở của Bệnh viện K đều phong tỏa từ 5h30 ngày 7/5.
Ngoài ra, một số cơ sở y tế khác như: BV Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội), BV Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc); BV Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An); Bệnh viện Phổi Lạng Sơn; BV Hoàn Mỹ (TP Đà Nẵng); Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đã phải phong tỏa vì có liên quan các ca mắc COVID-19.
Theo các chuyên gia, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đà Nẵng) ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao và buộc tạm thời cách ly y tế toàn bộ bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, đợt dịch này vô cùng nghiêm trọng. Dịch Covid-19 hiện đang có cả hai mũi tấn công, từ bệnh viện tấn công ra cộng đồng và từ cộng đồng tấn công vào bệnh viện.
Ông Nhung cũng cho biết, quyết định phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời điểm trưa 5/5 là bước đi quyết liệt và hết sức cần thiết, kịp thời. Bởi, Bệnh viện này là thành trì chống dịch và có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, phòng chống dịch Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, chưa bao giờ có nhiều bệnh viện phải phong tỏa, cách ly như trong đợt dịch lần này. Đợt dịch COVID-19 thứ 4 mới chỉ bùng phát khoảng nửa tháng, nhưng con số ca mắc đã bằng 1/6 số ca bệnh từ đầu mùa dịch tới nay.
“Đợt dịch này đã ảnh hưởng rất lớn đến khu vực các bệnh viện. Đặc biệt có hai bệnh viện là “thành trì” trong điều trị COVID-19 và điều trị ung thư đã bị dịch tấn công. Dịch đã tấn công vào thẳng các cơ sở đầu não, lan rộng ra các tỉnh, rất phức tạp”- PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.
Ngay sau đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện gửi danh sách người đến khám, chữa bệnh từ ngày 15/4 về các địa phương để thực hiện truy vết, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm theo các yêu cầu.
Nhờ tăng cường xét nghiệm và truy vết F1, các ổ dịch được khoanh vùng, cách ly như tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), Bắc Ninh (xã Mão Điền, Thuận Thành)...
Theo PGS Trần Đắc Phu, phần lớn các ca bệnh được công bố trong thời những ngày gần đây đều là trong các khu cách ly, đã được kiểm soát. Mặc dù vừa qua, đỉnh điểm có ngày Bộ Y tế công bố số ca mắc cao kỷ lục, với 125 bệnh nhân COVID-19 (trong ngày 12/5). Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, không vì thế mà người dân hoang mang, lo lắng. Điều đó, chứng tỏ phần nào năng lực xét nghiệm của nước ta đã được nâng lên rất nhiều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện.
Vì vậy, sau khi họp với các chuyên gia, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc COVID-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên. Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.
Hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7/2020). “Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong 1 tháng qua, bằng 2 phương thức xét nghiệm: Kháng nguyên và kháng thể; chuyển từ thế “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Diễn biến dịch tại Việt Nam hiện nay là số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, tuy nhiên, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, mầm bệnh đã có trong cộng đồng và có thể có những “ổ bệnh lẩn khuất”, do vậy, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (“Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế”) có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.
“Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược “phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả” của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”, ông Phu khuyến cáo.
Bên cạnh việc quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung lên ít nhất 21 ngày thay vì 14 ngày như trước đây. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc giám sát và theo dõi sức khỏe người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung, cần được thực hiện chặt chẽ.
Các địa phương nhanh chóng nâng cao tần suất xét nghiệm (có thể lên 4-5 lần) trong quá trình cách ly, đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh bài học cần lưu ý là lây nhiễm trong bệnh viện. Đây sẽ là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm nên nguy cơ rất cao.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao, triển khai biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế./.