“Đưa tiếng nói của người Tày, người Nùng lên sóng quốc gia” - chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn truyền tải thông tin thiết thực, gần gũi trong đời sống thường ngày đến với bà con, gửi gắm tâm tư nguyện vọng, tiếng nói của dân tộc Tày - Nùng đến với Đảng, Nhà nước và cộng đồng 54 dân tộc anh em. Chương trình tiếng Tày - Nùng  của VOV sau hơn một năm phát sóng đã trở nên quen thuộc với cộng đồng Tày- Nùng trong cả nước. Đây là thứ tiếng dân tộc thiểu số thứ 13 của VOV đến thời điểm này...

“Nẩy lẻ tỉ khay heng Tày - Nùng Đài Cằm phuối Việt Nam”... 8 giờ sáng, tiếng cô phát thanh viên vang lên từ chiếc đài nhỏ: “Đây là chương trình tiếng Tày - Nùng của Đài Tiếng nói Việt Nam”. Cứ đến giờ này là ông Nông Văn Đô (TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) lại bật sẵn radio và ngồi bên ấm trà mạn để đón nghe chương trình. Nhiều hôm, ông rủ cả hàng xóm sang nhà nghe chương trình, rồi cùng bàn luận rôm rả.

“Mỗi sáng thức dậy nghe tiếng dân tộc mình trên sóng quốc gia, tôi vui lắm. Tin tức, thông tin về Bắc Kạn, Đài vẫn nói hàng ngày, rồi xem tivi nữa, nhưng giờ nghe bằng tiếng Tày của Đài Tiếng nói Việt Nam mình thấy khác hẳn, cảm giác gần gũi lắm. 30 phút chương trình trôi qua nhanh quá”, ông Đô tâm sự.

Không chỉ cập nhật hàng ngày mọi thông tin thiết thực liên quan đến đời sống dân sinh, chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng còn phục vụ thính giả nhiều chuyên mục, bài viết, những tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc của cộng đồng dân tộc Tày - Nùng và 54 dân tộc anh em, giới thiệu tới bà con những kinh nghiệm, cách làm hay, những tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất, gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống bình dị hàng ngày... Là một thính giả thường xuyên nghe chương trình, bà Triệu Thị Sim (xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ: "Bà con Tày - Nùng thích nghe chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, muốn nghe tiếng Tày để tiếng Tày không bị mất đi. Tôi rất mong những bài then cổ được phát nhiều hơn nữa để không bị mai một và thế hệ trẻ bây giờ có thể học được". Còn bà Lưu Thị Tiệp (xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: "Bà con đi làm đồng về mệt, được nghe những bài hát then, sli, lượn cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều. Mong là chương trình sẽ có thêm thời lượng phát sóng các làn điệu này nhiều hơn nữa".

Sau thời gian phát sóng thử nghiệm (kể từ ngày 18/3/2020), ngày 31/12/2020, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra Quyết định phát sóng chính thức Chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng. Từ khi lên sóng quốc gia, chương trình luôn được thính giả đón nhận nhiệt thành. Không chỉ qua radio, nhờ nền tảng website, ứng dụng di động phát trực tiếp và đăng tải trên mạng xã hội, chương trình ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn. Người nghe ở khắp các vùng miền trên cả nước và nước ngoài dễ dàng theo dõi, chia sẻ từng bản tin, chuyên mục trong các nhóm cộng đồng Tày - Nùng, thu hút hàng nghìn lượt bàn luận, góp ý sôi nổi từ nội dung đến cách nói, cách phát âm sao cho chuẩn, cho phù hợp để bà con dễ đón nhận.

Ông Hà Vũ Thụ (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) nhận xét: "Chương trình hay, nhiều người rất thích nghe. Nhưng có một số từ mới tôi chưa biết, như gần đây chương trình có đoạn "tìm được 7 bộ hài cốt liệt sỹ ở Vị Xuyên, Hà Giang" nhiều người vẫn chưa hiểu được nên cần được cải tiến để người nghe hiểu hơn". Chị Nông Thị Tuyết (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) vui vẻ kể, nhờ có chương trình, nhiều bạn trẻ sống ở vùng ít người Tày, người Nùng từng quên bớt vốn ngôn ngữ dân tộc, giờ đã cùng nhau học thêm tiếng Tày cổ, tìm về các làn điệu dân ca, dân vũ, những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Trong 54 dân tộc anh em ở nước ta, người Tày và Nùng có dân số đông nhất trong các tộc người thiểu số, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh khu vực Đông Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang,... một bộ phận sống ở Quảng Ninh, Bắc Giang và di cư vào phía Nam ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Người Tày - Nùng có bản sắc văn hóa, phong tục, tín ngưỡng đặc sắc với nền dân ca dân nhạc dân vũ đa dạng, kho tàng truyện cổ và nhiều di sản văn hóa đồ sộ, phong phú khác, trong đó tiêu biểu phải kể đến Nghi lễ thực hành Then đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2017, trong Hội thảo khoa học quốc gia về phát thanh tiếng dân tộc thiểu số do VOV tổ chức, nhiều chuyên gia đã nêu bật sự cần thiết cần phải có Chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng. Nguyên Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Đài Tiếng nói Việt Nam đã rất cố gắng sản xuất và phát sóng 12 tiếng dân tộc. Lần này, thứ tiếng 13 là Tày - Nùng. Quyết định sản xuất và phát sóng chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng nhằm đưa tiếng nói của bà con các dân tộc Tày - Nùng trên sóng quốc gia. Đây cũng là trách nhiệm của Đài Quốc gia trong giới thiệu, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, nhất là ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống kinh tế, xã hội của dân tộc Tày và dân tộc Nùng, đồng thời phục vụ hoạt động quốc phòng an ninh. Qua đó, không chỉ có người dân tộc Tày và Nùng mà kể cả các dân tộc khác cũng sẽ biết thêm, biết sâu hơn, rõ hơn, đầy đủ hơn về 2 thành viên trong 54 thành viên các dân tộc anh em”.

Với vị thế và trách nhiệm của một Đài quốc gia, dựa trên cơ sở đặc thù về văn hóa, địa bàn sinh sống, sự tương đồng nhất định về ngôn ngữ của người Tày, người Nùng, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã giao cho Ban Dân tộc (VOV4) tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học, phối hợp với Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc (VOV Đông Bắc) xây dựng và thực hiện Đề án "Sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng" tại khu vực Đông Bắc.

Phương ngữ vùng tam giác Tràng Định (Lạng Sơn) - Thạch An (Cao Bằng) - Na Rì (Bắc Kạn) được chọn để sử dụng trong chương trình, bởi đây là trung tâm quần cư của người Tày - Nùng và có ngôn ngữ được đánh giá là chuẩn nhất, đại diện cho tiếng Tày - Nùng trong cả nước. VOV cũng tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của thính giả là người dân tộc Tày - Nùng, phối hợp với một số Đài PT-TH các tỉnh trong khu vực để xây dựng chương trình, chuyên đề đặc sắc, phù hợp với văn hóa, thói quen, đời sống của bà con.

Sau hơn 2 năm tâm huyết ấp ủ, VOV đã xây dựng và triển khai thành công Đề án "Sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng" tại khu vực Đông Bắc với kết cấu chương trình đa dạng, các chuyên mục phong phú, gần gũi, thiết thực đối với đồng bào dân tộc Tày - Nùng, như chuyên mục Đồng hành cùng nhà nông, Chính sách mới, Văn hóa các dân tộc anh em, Cây thuộc quanh ta, Ca nhạc theo yêu cầu... Đồng thời, Đài đầu tư cơ sở vật chất, studio, thiết bị sản xuất, phát sóng hiện đại; tuyển dụng, đào tạo nhân lực là người dân tộc Tày - Nùng có kỹ năng "4 trong 1" (đọc thông, viết thạo tiếng Tày - Nùng; kỹ năng biên tập, biên dịch; kỹ năng dàn dựng chương trình; kỹ năng đọc, nói trên sóng phát thanh).

Ngày 18/3/2020, chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng đầu tiên đã lên sóng thử nghiệm, trở thành chương trình tiếng dân tộc thiểu số thứ 13 của VOV. Ông Bế Ngọc Thuấn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đánh giá: "Bắc Kạn hiện có 54% dân số là người Tày. Đây là chương trình bổ ích, ý nghĩa với đồng bào. Chương trình là kênh thông tin góp phần bảo tồn tiếng nói, giá trị văn hóa và giúp chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách dân tộc đến bà con được thuận lợi hơn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, động viên bà con thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ tăng cường sự phối hợp với chương trình, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân vùng cao".

Chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng trên làn sóng quốc gia hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, từ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VOV đến sự vào cuộc tâm huyết trách nhiệm của các đơn vị liên quan, tạo dựng các điều kiện kỹ thuật sản xuất và phát sóng tối ưu nhất. Êkip làm việc nhanh chóng bắt nhịp được với mục tiêu của chương trình. Ông Ma Đình Việt, nguyên Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Bắc Kạn, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, chuyên gia tư vấn, hiệu đính cho chương trình nhận xét"Mặc dù tuổi đời còn trẻ những kỹ năng năng dịch, đọc của các bạn biên dịch, biên tập tiếng Tày - Nùng tương đối tốt và ngày càng tiến bộ hơn. Từ chương trình thử nghiệm đầu tiên đến nay, nhiều bản tin, bài viết tôi không còn phải chỉnh sửa nhiều, ngữ điệu đọc và phát âm trên sóng dần hoàn thiện hơn".

Ông Tạ Đức Toàn - Trưởng Ban Dân tộc VOV4  đánh giá: "Mặc dù là đội ngũ mới, các bạn thực hiện chương trình chưa nhiều kinh nghiệm nhưng lại có điểm xuất phát tốt, có đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tâm huyết với phát thanh tiếng dân tộc. Cùng với đó, chương trình cần phát triển đội ngũ phóng viên chuyên sâu, để những người con Tày - Nùng trở về với bản làng, đi và viết cho chương trình. Tôi tin rằng qua một thời gian ngắn trau dồi, rèn luyện, các bạn sẽ có những kỹ năng nhất định để luôn vững vàng trên làn sóng Quốc gia".

Xác định việc sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu được giao, VOV Đông Bắc định hướng sản xuất chương trình từng bước bắt kịp xu hướng phát thanh hiện đại, nội dung chương trình nói dễ hiểu, nghe dễ nhớ, gần gũi, thiết thực gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bà con. Cùng với phương thức phủ sóng FM truyền thống, những người làm chương trình còn đặc biệt chú trọng tăng cường quảng bá, giới thiệu các chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng trên các phương tiện truyền thông khác để thính giả dễ dàng tiếp cận.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Cơ quan thường trú VOV tại khu vực Đông Bắc cho biết: "Trên tinh thần luôn luôn lắng nghe, tiếp thu cầu thị và điều chỉnh tích cực, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp, phản hồi của thính giả, đặc biệt là các chuyên gia, thính giả người dân tộc Tày - Nùng để chúng tôi từng bước hoàn chỉnh chương trình phù hợp nhất, hấp dẫn nhất và thiết thực nhất phục vụ đồng bào. Sau khi được phép phát sóng chính thức, sau khi hội đủ các yếu tố chúng tôi cũng sẽ mở rộng thêm các chương trình phát thanh trực tiếp, đặc biệt là chương trình chuyên đề ca nhạc vào cuối tuần để tăng tính tương tác với thính giả, đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí của người Tày, người Nùng trong cả nước".

Bên cạnh nâng cao chất lượng đội ngũ phát thanh viên, biên tập viên, biên dịch viên, chất lượng nội dung của chương trình cũng được tập trung phát triển theo hướng bám sát đời sống qua những vấn đề nóng hổi, cấp thiết, để tiếng nói và tâm tư nguyện vọng của bà con Tày - Nùng được nối dài đến với Đảng và Nhà nước. Ngay khi mới lên sóng thử nghiệm, các biên tập viên - biên dịch phát thanh viên tiếng Tày - Nùng của VOV Đông Bắc đã tham dự và đoạt giải Vàng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2020.

Từ rừng núi Cao Bằng hùng vĩ tới những thung lũng lúa vàng ở Lạng Sơn, từ mặt gương hồ Ba Bể đến biên giới Bình Liêu bạt ngàn hoa sở, từ những bản làng có người Tày, người Nùng ở Tây Nguyên, ở Đông Nam bộ đến những người con Tày - Nùng xa quê hương, chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng sẽ là nhịp cầu để đồng bào thêm gần, thêm yêu tiếng nói mộc mạc, tiếng đàn tính tẩu, điệu hát then da diết, để rồi cùng nhau gìn giữ, cùng nhau phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc mình.

“Pjom bái pỉ noọng đạ xày tỉnh. Slương điếp pjạc pỉ noọng dú nẩy vạ chập tẻo khảu bại pày lăng!”. Câu nói “Cảm ơn bà con và các bạn đã chú ý theo dõi chương trình. Xin chào và hẹn gặp lại!” cứ vang lên mỗi ngày như thế trên làn sóng phát thanh quốc gia./.


Thứ Sáu, 06:00, 18/06/2021