Qua 14 kỳ tổ chức, Liên hoan phát thanh toàn quốc luôn có sự đổi mới trong tổ chức cũng như cách chấm giải. Điều đó cho thấy sự vận động, phát triển của phát thanh và dự báo những xu hướng phát thanh trong tương lai.

Có rất nhiều ý kiến bàn luận về vai trò và sứ mệnh của phát thanh trong xã hội, song mỗi loại hình báo chí đều có vai trò nhất định, có công chúng nhất định và không có loại hình nào có thể loại trừ loại hình nào.

Phát thanh trên thế giới xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20 và không phải ngẫu nhiên UNESCO chọn ngày 13/2 hằng năm là Ngày Phát thanh thế giới. Một số lĩnh vực truyền thông khác không có ngày kỷ niệm riêng như phát thanh, như vậy có thể khẳng định vị thế, vai trò của phát thanh trong xã hội.

Nhìn chung, chất lượng của các tác phẩm dự thi năm nay đều được đầu tư nhiều công sức, chất xám, nhất là về kỹ thuật dàn dựng, công nghệ sản xuất chương trình, thể hiện khá rõ xu thế chuyển đổi số của phát thanh Việt Nam.

Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ của ngành phát thanh Việt Nam, nhằm phát hiện, tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của những người làm báo phát thanh cả nước.

Đài tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần đầu tiên vào năm 1994 và lần này, Liên hoan thứ 15, được tổ chức tại TP.HCM. Đây cũng là lần thứ 2 liên hoan được tổ chức tại TP.HCM sau kỳ liên hoan năm 1995.

Qua mỗi kỳ liên hoan phát thanh, ban tổ chức, lãnh đạo Đài TNVN đều tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm trên mọi phương diện, về khâu tổ chức, thể loại tham dự, chất lượng các chương trình. Các kỳ sau đều có sự tiếp thu kinh nghiệm của kỳ trước và tiếp thu đóng góp của các đài địa phương, các đơn vị tham gia để hoàn thiện hơn, để mỗi kỳ liên hoan đều có dấu ấn về chất lượng, về công tác tổ chức, về độ chuyên nghiệp, để làm sao mỗi kỳ liên hoan thực sự là ngày hội của những người làm phát thanh cả nước.

Ngay sau khi phát động Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 tác phẩm dự thi của các cơ quan báo chí phát thanh trong cả nước (bao gồm cả thi Giọng vàng, Kỹ thuật dàn dựng và Ứng dụng nền tảng số).

Nhấn mạnh chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên”, nhà báo Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội, phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt trong cách thức sản xuất chương trình, cách tiếp cận thính giả...

“Phát thanh phải đảm bảo được độ tin cậy, gần gũi, là người bạn tâm tình với thính giả, do vậy, phải đổi mới từ phương thức sản xuất chương trình, cách thức tiếp cận thính giả và đổi mới cả về mặt công nghệ để làm sao những sản phẩm của phát thanh đến công chúng một cách đơn giản nhất, dễ nhất và gần gũi. Hội đồng sơ khảo đã chọn được 203 tác phẩm vào chung khảo, cùng với 31 chương trình phát thanh trực tiếp. Qua đánh giá của Hội đồng sơ khảo, năm nay, các chương trình được đầu tư dàn dựng công phu, từ việc tìm tòi chủ đề, trong đó rất nhiều tác phẩm có tính sáng tạo. Năm nay, các đơn vị thực hiện theo xu thế chuyển đổi số, các đài địa phương đã ứng dụng công nghệ số vào trong sản xuất chương trình, đặc biệt là các chương trình phát thanh trực tiếp”, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Từ phải qua: Các Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng, Ngô Minh Hiển, Phạm Mạnh Hùng, Vũ Hải Quang

Năm nay, Liên hoan phát thanh toàn quốc tiếp nhận một số thể loại mới lần đầu dự thi như kịch truyền thanh ngắn hay đáng chú ý là có hơn 30 tác phẩm ở thể loại phát thanh trực tiếp - vốn là thể loại khó nhưng rất có sức hút với thính giả.

Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng đánh giá, các tác phẩm dự thi năm nay đã được đầu tư nhiều công sức, công nghệ. Nhiều tác phẩm có nội dung hay, sáng tạo, phản ánh các vấn đề đời sống xã hội, trong đó thể hiện rõ nhất cuộc chiến chống COVID-19 và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.

Đặc biệt, với chương trình phát thanh trực tiếp vốn luôn có sức hút, sức hấp dẫn với công chúng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng khẳng định, đây là xu thế chung của phát thanh thế giới và cũng như phát thanh Việt Nam, thể hiện từ người dẫn chương trình, từ công nghệ kỹ thuật, lựa chọn chủ đề, đến việc lựa chọn khách mời.

Một chương trình phát thanh trực tiếp theo thời lượng quy định 30 phút, nhưng để tổ chức, chuẩn bị phải mất khoảng 2 giờ.

“Lần đầu tiên đưa chương trình phát thanh trực tiếp vào Liên hoan phát thanh toàn quốc, chúng tôi đã rất bất ngờ, nhận được nhiều sự quan tâm. Địa điểm chấm thi chương trình phát thanh trực tiếp không còn chỗ trống. Phản ánh sức thu hút rất lớn. Sau mỗi chương trình, đều có những đánh giá nhận xét, những chia sẻ, trao đổi của các đơn vị tham gia ngay tại chỗ để rút kinh nghiệm cho các chương trình lần sau”, ông Trần Minh Hùng nói.

Với thể loại kịch truyền thanh ngắn, Phó Tổng Giám đốc Trần Minh Hùng cho biết, thính giả đã quen với các chương trình câu chuyện truyền thanh, kịch truyền thanh 30 phút hoặc dài hơn. Với nhiều đài, câu chuyện truyền thanh tối thứ bảy đã trở thành thương hiệu. Khi chuẩn bị cho Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, Ban tổ chức đã gửi phiếu khảo sát đến các đài địa phương và có khoảng 40 đơn vị đề xuất đưa kịch truyền thanh ngắn vào dự thi.

“Ban tổ chức đã nhận được 40 tác phẩm kịch truyền thanh ngắn từ 5-7 phút. Chương trình phát thanh này phù hợp với đặc điểm văn hóa, đặc điểm sinh hoạt của người Nam bộ. Tôi cho rằng, đây là một thể loại hay và rất ấn tượng trong kỳ liên hoàn này”, nhà báo Trần Minh Hùng nhấn  mạnh.

Cũng theo Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, qua mỗi kỳ liên hoan, số lượng và chất lượng tác phẩm đều được đầu tư công phu. Điều đó khẳng định, phát thanh vẫn luôn là phương tiện truyền thông đạt độ tin cậy trong xã hội, là một sản phẩm báo chí gần gũi và thân thiện nhất với công chúng.

Với riêng Đài TNVN, được thành lập ngày 7/9/1945 và đến nay, sau gần 77 năm, Đài TNVN vẫn là một kênh thông tin hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ, Nhà nước với người dân.

Đài TNVN, hằng ngày, hằng tuần đều có sự thay đổi để đáp ứng được ngày càng cao nhu cầu của nhân dân.

“Tôi cho rằng, mỗi phương tiện truyền thông đều có đặc điểm riêng, có đối tượng công chúng riêng và Đài TNVN chắc chắn sẽ tiếp tục có sự phát triển trong tương lai. Sự phát triển này sẽ tốt hơn và thu hút công chúng được nhiều hơn, đồng thời khẳng định được vai trò là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của đất nước”, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng khẳng định./.


Thứ Bảy, 06:42, 30/07/2022