Trong xã hội hiện đại, vai trò của khoa học- công nghệ ngày càng trở nên quan trọng. Ngành Y có có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt cao cả, đó là chăm sóc sức khoẻ cho con người. Vì vậy việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu về khoa học- công nghệ trong lĩnh vực Y tế cũng cần được coi trọng, đặc biệt là tại các bệnh viện- cơ sở trực tiếp làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo tổ chức WHO, bệnh viện ngoài chức năng khám chữa bệnh còn là nơi đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).  

BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM (HOSREM), Trưởng Trung tâm nghiên cứu HOPE, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức (TP HCM), một người vô cùng tâm huyết với công tác nghiên cứu khoa học trong bệnh viện, cho rằng: khái niệm “nghiên cứu khoa học” ở bệnh viện trong những năm gần đây có thay đổi về cách nhìn nhận và thực hiện so với trước đây, đặc biệt tại các bệnh viện lớn, uy tín, ở các thành phố lớn.  

Trước đây, khi y tế chưa mở cửa hoặc mới mở cửa giao lưu với các nước, chúng ta chủ yếu học hỏi để nâng cấp cơ sở vật chất, triển khai các kỹ thuật điều trị cơ bản. Khi này, các hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Y đa số gói gọn trong ngành, là chuyện nội bộ trong nước. NCKH còn sơ khai, gần như rất ít công bố quốc tế, nếu có thường là đóng góp số liệu hay thu thập số liệu cho các nghiên cứu của người nước ngoài. Các báo cáo, tổng kết nghiên cứu thường chỉ để đăng tải trên các tạp chí tiếng Việt trong nước, theo các tiêu chuẩn khác với thế giới, và báo cáo tại các hội nghị khoa học của đơn vị, của ngành, trong nước. Các hoạt động nghiên cứu trong thời gian trước đây có chất lượng không cao, chủ yếu để “thi đua” hay để bổ sung lấy bằng cấp, học vị trong nước; mang tính đối phó, chưa đáp ứng các chuẩn mực khoa học thế giới.

Trong khoảng 5-10 năm gần đây, giao lưu khoa học nhiều hơn, các bệnh viện ở Việt Nam đều đã có những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng, hệ thống tổ chức, triển khai đa số các kỹ thuật điều trị phổ biến trên thế giới. Các hợp tác quốc tế chuyển dần sang trao đổi kiến thức, học thuật, kinh nghiệm điều trị. Nhiều bác sĩ học tiến sĩ ở nước ngoài về Việt Nam làm việc, nhiều bệnh viện ở Việt Nam hợp tác NCKH có chiều sâu hơn với các nước. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở Việt Nam tiếp cận các kiến thức về phương pháp luận và cách thực hiện dự án khoa học theo các tiêu chuẩn của thế giới. Việt Nam bắt đầu có nhiều hoạt động trao đổi học thuật trên các diễn đàn khu vực và thế giới. Đồng thời quan điểm Y học thực chứng cũng từng bước được phổ biến và áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Đặc biệt, gần đây, theo xu hướng phát triển và hội nhập, Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định các nghiên cứu sinh và ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải có các bài báo đăng trên các tập san chuyên ngành theo tiêu chuấn quốc tế. Hoạt động NCKH tại các bệnh viện Việt Nam bắt đầu hội nhập, đi theo xu hướng của thế giới và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của ngành y. Ngành y Việt Nam ngày càng có nhiều tiếng nói hơn tại các diễn đàn khoa học khu vực và quốc tế. 

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV và BS Hồ Mạnh Tường.

PV: Tại sao bệnh viện cần làm nghiên cứu khoa học, thưa bác sĩ? Phải chăng là để cho bệnh viện “sang trọng”, đẳng cấp hơn?

BS Hồ Mạnh Tường: Ở đây, khi nói về NCKH, tôi muốn nói tới các nghiên cứu y học thực chất, theo xu hướng và quan niệm chung của thế giới về NCKH. Về bản chất, mục tiêu của NCKH trong ngành Y là tạo ra tri thức mới trong y khoa, ứng dụng vào dự phòng, khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Để công nhận kiến thức, trình độ của người làm khoa học, các trường đại học cấp bằng và bổ nhiệm các chức danh, học hàm. Để khuyến khích hoạt động NCKH, người ta vinh danh, tặng thưởng, ghi nhận, đề cao các thành tựu khoa học của cá nhân, tập thể, tổ chức...; qua đó thúc đẩy hoạt động NCKH, để tạo ra thêm nhiều tri thức mới, giúp phát triển chuyên ngành và xã hội. Vì thế, lợi ích lớn nhất và cơ bản nhất của NCKH là để tạo ra kiến thức mới, giúp bệnh viện làm tốt hơn công việc của mình. Một số biến tướng lấy thành tích, bằng cấp là mục tiêu chính của NCKH là không lành mạnh, có thể xảy ra ở nhiều nơi.

Bệnh viện được xem là cơ sở cung cấp dịch vụ y tế dựa trên nền tảng tri thức. Nghĩa là để thưc hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhân viên y tế và bệnh viện phải thường xuyên cập nhật để nâng cao kiến thức, đồng thời nghiên cứu đánh giá và cải tiến cách làm để bệnh nhân được chăm sóc an toàn và hiệu quả hơn. Bệnh viện tự nghiên cứu, phát triển những kiến thức mới sẽ áp dụng phù hợp hơn và tốt hơn trong điều kiện cụ thể của cơ sở mình, đồng thời đóng góp vào kiến thức chung của ngành.

Các bệnh viện được đánh giá là giỏi nhất về chuyên môn ở Mỹ như Mayo Clinic, Cleveland Clinic… có gần cả ngàn công bố khoa học hàng năm. Họ có cả một số tạp chí uy tín riêng của bệnh viện để công bố các đề tài khoa học. Cả hai chuỗi bệnh viện này đều thuộc khối tư nhân, nhưng đầu tư rất mạnh và hiệu quả cho NCKH, nhờ vậy họ vượt qua các BV thuộc các đại học lớn, về chuyên môn.

Muốn làm NCKH đều đặn, bệnh viện phải là một tổ chức có văn hoá học tập, cập nhật các chứng cứ y học mới một cách thường xuyên và có hệ thống. Nhờ vậy nền tảng kiến thức liên quan đến khám chữa bệnh của bác sĩ và nhân viên y tế tốt hơn. Việc nắm vững kiến thức mới và áp dụng y học thực chứng, giúp bệnh viện liên tục cập nhật các phác đồ mới theo y văn thế giới. Các phác đồ của bệnh viện ngày càng an toàn và hiệu quả hơn.

Việc tiến hành NCKH học bài bản, đúng tiêu chuẩn giúp các bác sĩ và nhân viên y tế có hiểu biết thấu đáo về các biện pháp chẩn đoán, điều trị, qua việc thường xuyên theo dõi chặc chẽ, có hệ thống, các thông số và dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân, khi tiến hành các dự án nghiên cứu. Điều này góp phần từng bước thay đổi cách thức làm việc trong bệnh viện, giúp bác sĩ và nhân viên hình thành văn hoá “quyết định” dựa trên bằng chứng. Điều này giúp các quyết định lâm sàng có tính khoa học hơn, giảm sai sót, biến chứng, do chủ quan. Hoạt động NCKH cũng giúp tốc độ cải tiến, áp dụng các phác đồ chẩn đoán, điều trị mới diễn ra nhanh hơn, khoa học hơn. Việc cập nhật phác đồ dựa trên bằng chứng khoa học, nhiều hơn là các quyết định chủ quan hay đơn thuần chạy theo doanh số.

Cùng với việc mở rộng giao lưu và hợp tác khoa học theo các qui chuẩn thế giới, việc công bố khoa học quốc tế là một cơ chế phản biện độc lập, hiệu quả, nhằm giúp chất lượng hoạt động nghiên cứu cao hơn. Cũng tương tự như khi muốn xuất khẩu sang thị trường cao cấp, thì sản phẩm phải tốt hơn, được đầu tư nhiều hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn… Gửi bản thảo nghiên cứu đến các tập san khoa học uy tín, giúp chúng ta tiếp cận và nhận được các ý kiến phản hồi, đóng góp từ các đồng nghiệp giỏi trên thế giới. Các chuyên gia phản biện của các tập san uy tín là những người thầy hữu ích. Càng công bố nhiều, phải trả lời và đáp ứng với yêu cầu của các chuyên gia trên thế giới trong cùng lãnh vực càng nhiều, nhóm nghiên cứu sẽ càng có kiến thức và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề thực hành, ở trình độ thế giới.

NCKH tốt giúp các nhóm nghiên cứu và bệnh viện có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp thế giới tại các diễn đàn khoa học lớn. Các nhóm nghiên cứu và nhân viên y tế của bệnh viện sẽ có thêm cơ hội để học hỏi nhiều điều và trưởng thành nhanh về chuyên môn, học thuật, theo xu hướng chung của thế giới.

Bệnh viện làm NCKH tốt thì về lâu dài sẽ là bệnh viện điều trị tốt và an toàn; bác sĩ và nhân viên y tế sẽ có kiến thức chuyên môn vững và kinh nghiệm thực hành lâm sàng tốt. Các cải tiến ở bệnh viện diễn ra thường xuyên và có chất lượng. Người bệnh và xã hội sẽ được hưởng lợi.

Bệnh viện làm NCKH tốt, công bố khoa học có giá trị, sẽ đóng góp vào tri thức y học thế giới. Qua đó, bệnh viện sẽ nâng cao uy tín chuyên môn, được đánh giá cao, công nhận và tôn trọng bởi đồng nghiệp trên thế giới. Nhờ đó, NCKH mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển bệnh viện.

Nói chung, có thể kể rất nhiều lợi ích to lớn và lâu dài của NCKH trong bệnh viện, nếu làm NCKH bài bản, khoa học, theo qui chuẩn chung của thế giới. NCKH không đơn thuần là để lấy bằng cấp học vị, là phong trào thi đua, được cộng thêm điểm chất lượng, để sử dụng ngân sách, hoặc để trang điểm thêm cho cá nhân bác sĩ hay bệnh viện…

Tóm lại, NCKH trong bệnh viện là cách mà bệnh viện liên tục học tập, cải thiện và phát triển để giỏi hơn, cung cấp dịch vụ hiệu quả và an toàn hơn; đồng thời tăng uy tín về học thuật và chuyên môn của bệnh viện trên thế giới.

PV: Tuy vậy, bình thường ở bệnh viện, công việc chữa bệnh cũng đã vô cùng bận rộn và mệt mỏi, làm sao có thể tổ chức nghiên cứu khoa học cho tốt đây? Làm sao tránh được tâm lý của người tham gia cảm thấy… như thêm một gánh nặng?

BS Hồ Mạnh Tường: Từ trước đến nay, chúng ta chỉ tập trung đảm bảo công việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân hàng ngày; chủ yếu áp dụng một cách chủ quan, thiếu khoa học, dựa trên những kiến thức du nhập thiếu hệ thống từ nước ngoài. Bây giờ chúng ta muốn bắt đầu bước sang một chu kỳ phát triển mới, chủ động học tập và tạo ra những kiến thức mới để áp dụng và đóng góp tri thức cho cộng đồng y khoa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho cho hệ thống, cho nhân sự, cho các điều kiện để học và làm NCKH trong bệnh viện.

Theo tôi, với các bệnh viện lớn, uy tín, ở các thành phố lớn hay các bệnh viện thuộc trường đại học, NCKH phải là một mảng hoạt động chính của bệnh viện, có ngân sách đầy đủ và được tổ chức lại. Cần tăng số lượng bác sĩ và nhân viên y tế để giảm bớt các công việc hiện tại, nhờ đó họ có thêm thời gian học tập và tham gia NCKH. Có đội ngũ chuyên trách cho hoạt động NCKH, được đào tạo và tạo điều kiện làm việc. Đồng thời phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp cho những cán bộ nhân viên tham gia NCKH, tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị.

Nếu không làm được những điều trên, thì NCKH trong bệnh viện sẽ vẫn tiếp tục là một hoạt động phong trào, bên lề, hoặc chỉ dựa vào nỗ lực một vài cá nhân, mang tính ngắn hạn, không bền vững. Hoạt động NCKH không có nền tảng, không bền vững và không đóng góp được vào sự phát triển của bệnh viện về lâu dài. Ngành y Việt Nam vẫn tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và thế giới.

BV Mỹ Đức nhận giải Alexandre Yersin- giải thưởng của Hội Y khoa Thụy Sỹ.

PV: Theo bác sĩ, điều kiện cần và đủ để bệnh viện tiến hành nghiên cứu khoa học, là gì?

BS Hồ Mạnh Tường: Điều kiện cần là bệnh viện phải có một chiến lược rõ ràng và dài hạn, thống nhất cao trong ban lãnh đạo bệnh viện, cho hoạt động NCKH. Có kế hoạch đầu tư nghiêm túc, lâu dài, về con người, hệ thống và cơ sở vật chất cho hoạt động NCKH. Không xem NCKH là hoạt động thời vụ, phong trào, ngắn hạn.

Điều kiện đủ là việc triển khai các chiến lược và hoạt động NCKH phải liên tục, lâu dài, được sự tham gia và đồng thuận của các bộ, nhân viên trong bệnh viện. Nhân viên y tế ở các bộ phận cần hiểu, được đào tạo và tham gia tích cực hoạt động NCKH khi được phân công. Y học thực chứng cần được phổ biến và áp dụng thường xuyên trong thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Đây là những nền tảng quan trọng cho triển khai NCKH hiệu quả và bền vững ở bệnh viện.

Cần biết, đầu tư cho NCKH là khó khăn và lâu dài ở các bệnh viện hiện nay ở Việt Nam do thiếu nền tảng cơ bản. Tuy nhiên, kết quả của NCKH lên hoạt động của bệnh viện không thấy được liền, nó chỉ có sau một thời gian hệ thống hoạt động NCKH đã được đầu tư, đi vào hoạt động hiệu quả. Nhưng sau đó, nếu thành công, thì hiệu quả ngày càng thể hiện rõ và bệnh viện sẽ có những bước tiến nhanh hơn. Theo tôi, nếu tìm được cách làm hiệu quả, chúng ta có thể mất khoảng 3-5 năm đầu, để triển khai xây dựng hệ thống và văn hoá NCKH trong bệnh viện.

Các giáo sư nước ngoài đến thăm LABO Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức và họp bàn ý tưởng về NCKH

PV: Xin ông giới thiệu về kinh nghiệm thực tế nghiên cứu khoa học ở nơi ông đang làm việc và lãnh đạo việc nghiên cứu khoa học? Lĩnh vực này đã thu được hiệu quả gì?

BS Hồ Mạnh Tường: Từ đầu, chúng tôi đã xác định, để có thể phát triển bền vững, lâu dài, NCKH phải là một hoạt động quan trọng, thường xuyên trong bệnh viện. Toàn bộ nhân viên trong bệnh viện cũng phải hiểu rằng NCKH là một hoạt động không thể thiếu trong bệnh viện và tích cực tham gia khi có điều kiện và cơ hội.

Chúng tôi bắt đầu từ những dự án nhỏ, ít tốn kém, từng bước xây dựng qui trình làm việc, tổ chức hệ thống hoạt động NCKH trong bệnh viện. Tranh thủ hợp tác, học hỏi từ các đồng nghiệp, chuyên gia trên thế giới để tìm cách phát triển hoạt động NCKH trong bệnh viện.

Gần 10 năm nỗ lực, chúng tôi đã có những bước tiến quan trọng, dù còn rất nhiều việc phải làm và con đường phát triển NCKH trong bệnh viện vẫn còn rất dài trước mắt. Chúng tôi đã bước đầu xây dựng được văn hoá thường xuyên học tập và làm việc theo y học thực chứng. Hầu hết các bác sĩ đều học tập và tham gia các dự án học thuật và NCKH. Chúng tôi thành lập được một đơn vị chuyên trách về nghiên cứu khoa học có biên chế ổn định và hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn cho việc triển khai có hệ thống, các hoạt động NCKH trong bệnh viện. Phác đồ điều trị của bệnh viện được cập nhật liên tục theo các bằng chứng khoa học mới, theo hướng an toàn và hiệu quả hơn.

Công bố của nhóm nghiên cứu BV Mỹ Đức và cộng sự trên tạp chí NEJM

Hiện nay, mỗi năm chúng tôi có hơn 15 bài báo công bố kết quả các dự án NCKH của bệnh viện trên các tập san chuyên ngành uy tín, trong đó có một số dự án hợp tác quốc tế. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của bệnh viện cũng có nhiều công bố trong các tập san quốc tế nhỏ hơn và tạp chí chuyên ngành trong nước. Mỗi năm chúng tôi tham gia và được mời báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm, tại nhiều hội nghị khoa học khu vực và thế giới (như: Hội nghị thường niên Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ (ASRM), Hội nghị thường niên Hội Sinh sản và phôi học người Châu Âu (ESHRE), Hội nghị thường niên Hội sinh sản Châu Á - TBD (ASPIRE), Hội nghị Liên đoàn Sinh sản và vô sinh thế giới (IFFS), Hội nghị Hội IVF thế giới (ISIVF)…)

Các hoạt động này giúp các nhóm nghiên cứu của bệnh viện phát triển nhanh và tạo được uy tín của y học Việt Nam trong khu vực và thế giới. Bệnh viện chúng tôi cũng được nhìn nhận và đánh giá cao trong khu vực trong những năm gần đây. Chúng tôi ngày càng có nhiều hợp tác với các bệnh viện và trường đại học trên thế giới (ví dụ có thể kể tới: Đại học Adelaide, ĐH Monash (Australia), ĐH Tự do Brussel (VUB- Bỉ), ĐH Harvard, ĐH Pensylvania (Mỹ)… trong hoạt động NCKH và triển khai các kỹ thuật, phương pháp mới trong y khoa để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng bắt đầu nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân nước ngoài từ nhiều nước trên thế giới được giới thiệu đến Việt Nam điều trị bệnh và đào tạo cho các đồng nghiệp nước ngoài từ Mỹ, Đan Mạch, Australia, Singapore, indonesia, Malaysia, Philippines…

PGS. TS. BS. Vương Thị Ngọc Lan cùng công trình nghiên cứu tại BV Mỹ Đức nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

PV: Lợi ích của việc nghiên cứu khoa học đối với một cá nhân trong ngành y tham gia nghiên cứu khoa học là gì, thưa bác sĩ?

BS Hồ Mạnh Tường: Người tham gia NCKH trong bệnh viện, đa số là các bác sĩ, sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn, bên cạnh viện khám và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu hệ thống NCKH được tổ chức tốt, các bác sĩ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.

Tham gia học tập và làm NCKH, nhà nghiên cứu sẽ tích luỹ được một nền tảng kiến thức vững chắc, hiểu biết sâu sắc về chuyên môn trong lãnh vực mình đang hoạt động. Kinh nghiệm thực hành được tích luỹ và đúc kết có hệ thống hơn, các bác sĩ sẽ tiến nhanh hơn về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Bác sĩ và nhân viên y tế có thể phát triển tư duy khoa học tốt hơn. Tất cả các điều trên giúp bác sĩ và nhân viên y tế có thể chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, giúp được nhiều người hơn.

Khi làm NKCH và công bố khoa học quốc tế, bao gồm đăng bài báo và báo cáo khoa học tại hội nghị/hội thảo, nhà nghiên cứu có cơ hội giao lưu, học hỏi với nhiều đồng nghiệp chuyên gia trên thế giới. Qua đó có thêm cơ hội học tập và hợp tác với đồng nghiệp các nơi. Đồng thời, tham gia NCKH chất lượng giúp nâng cao uy tín chuyên môn của cá nhân trong cộng đồng y khoa trong và ngoài nước. Những điều này cũng rất quan trọng đối với cá nhân trong việc phát triển về bằng cấp, học hàm, chức danh khoa học về lâu dài trong sự nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này./.


Thứ Năm, 14:42, 12/05/2022