Kế hoạch phản công của Ukraine vẫn là một bí mật nhưng một số điều có thể nhận thấy rõ từ việc đánh giá số lượng vũ khí mà mỗi bên sở hữu cũng như khả năng của quân đội trên chiến trường gần đây. Cả hai bên đều cố gắng đạt được thành quả và đang tiêu hao đạn dược với mức độ chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới.
Mặc dù được huấn luyện và nhận được các trang thiết bị quân sự từ phương Tây nhưng Ukraine sẽ không thể tiến hành cuộc tấn công theo cách của NATO bởi không có bên nào kiểm soát được không phận Ukraine.
Ukraine chỉ có số lượng hạn chế máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công sẵn sàng triển khai, cũng như cần phải bảo vệ chúng vì thế nước này không thể liều lĩnh sử dụng các phương tiện này để tấn công quân đội Nga, vốn có sự chuẩn bị từ trước.
Thay vào đó, các chiến lược gia cho rằng Ukraine có lẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn hoặc nhiều cuộc tấn công nhỏ sử dụng các vũ khí tầm xa chính xác phóng từ mặt đất, trong đó có tên lửa và pháo, với đa số phương tiện chiến đấu trong số đó được phương Tây hỗ trợ. Các hệ thống pháo phản lực HIMARS và hệ thống phóng tên lửa di động M270 của Mỹ cũng như các khẩu lựu pháo có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 80km.
Anh đã cam kết hỗ trợ 14 xe tăng Challenger 2, ít nhất 22 xe tăng Leopard do Đức sản xuất cũng đang đến tay Ukraine từ Ba Lan và Na Uy với nhiều phương tiện và vũ khí hơn dự kiến sẽ sớm đến từ các quốc gia khác, trong đó có Đức.
Mỹ đã cam kết hỗ trợ Kiev xe tăng M1 Abrams nhưng phải tới cuối năm nay chúng mới được chuyển cho Ukraine.
Việc Ukraine có bao nhiêu xe tăng thời Liên Xô hiện vẫn chưa rõ. Trong khi nhiều xe tăng cũ của Ukraine thiếu lớp bọc thép như xe tăng phương Tây hoặc khả năng nhắm trúng mục tiêu và khai hỏa khi đang di chuyển thì một số xe tăng đã được Ukraine hoặc các đối tác nâng cấp với những thiết bị hiện đại như thiết bị nhìn đêm, máy tính xác định mục tiêu và các thiết bị liên lạc đảm bảo.
Bên cạnh xe tăng, Ukraine cũng nhận được hàng chục xe chiến đấu bọc thép như AMX-10 từ Pháp và Bradley từ Mỹ. Xe Bradley mang súng máy cỡ lớn có thể phóng 300 viên đạn mỗi phút và phá hủy xe tăng T-72 từ khoảng cách hơn 1km. Phương tiện này cũng có thể mang tên lửa chống tăng TOW phá hủy mục tiêu cách xa hơn 3km.
Bên cạnh các phương tiện được trang bị pháo hoặc súng máy trên, Ukraine có thể triển khai các xe chở quân nhân bọc thép như Stryker do Mỹ cung cấp.
John Spencer – chuyên gia về tác chiến đô thị thuộc Diễn đàn Chính sách Madison – một think tank tại New York nhận định, việc đạt được một số tiến triển hiện nay trước khi các vũ khí khác như xe tăng Abrams đến nơi có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ của phương Tây cho Kiev. Ông cho rằng, cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine với sự góp mặt của xe tăng Leopard và Bradley phải đạt được một số thành quả quân sự.
Liệu Ukraine sẽ tấn công quân đội Nga ở những vị trí nào hiện vẫn chưa rõ. Ông Spencer dự đoán, Kiev có thể sẽ linh động, tìm kiếm những điểm yếu trong phòng tuyến của Nga và giữ lại các lực lượng tấn công để có thể triển khai ở những nơi khác. Theo ông, chiến lược này đã giúp Ukraine giành lại hàng nghìn km lãnh thổ ở khu vực Kharkiv thuộc phía Đông Bắc vào mùa thu năm ngoái sau nhiều tháng gửi đi tín hiệu về kế hoạch tấn công Kherson ở phía Nam.
Phillips O’Brien – Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland đánh giá, Kiev có thể sẽ chia cắt các hành lang trên đất liền mà Nga thiết lập dọc phía Đông Nam Ukraine bằng cách tiến quân từ Zaporizhzhia theo hướng Melitopol và Biển Azov. Nếu chiến dịch này thành công, Kiev có thể chia đôi các lực lượng của Nga và cắt đứt tuyến cung cấp hậu cần cho quân đội nước này ở phía Tây theo hướng Bán đảo Crimea.
Moscow, dự đoán trước về cuộc tấn công của Ukraine, đã dành nhiều tháng để tăng cường các hệ thống phòng thủ ở khu vực Zaporizhzhia – nơi mà một số nhà phân tích cho rằng có thể là mục tiêu tấn công của Ukraine.
Ông O’Brien cho rằng các đợt vận chuyển vũ khí từ phương Tây có thể gây sức ép khiến Ukraine tiến hành một cuộc tấn công mà không có khả năng cần thiết để thành công – đặc biệt là các vũ khí tầm xa nhằm chia cắt các tuyến hậu cần của Nga. Từ cuối năm ngoái, Ukraine đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300km.
Chính quyền Tổng thống Biden, hiện cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 32 tỷ USD vũ khí và hỗ trợ an ninh, đã từ chối đề nghị trên của Kiev do lo ngại Ukraine có thể sử dụng vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga và dẫn tới cuộc xung đột với phương Tây.
Tuy nhiên, Mykola Bielieskov, học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia có trụ sở tại Kiev cho rằng cuộc giao tranh kéo dài ở Bakhmut đã làm tiêu hao lực lượng của Nga và có thể cho Ukraine cơ hội để đạt được tiến triển.
“Hiện nay, một cánh cửa cơ hội có lẽ mở ra cho Ukraine để thực hiện một cuộc tấn công trước khi Nga tiến hành đợt huy động lực lượng tiếp theo”, chuyên gia này đánh giá. Dù vậy, ông cho rằng cả hai bên đều đối mặt với cùng một vấn đề sau một năm giao tranh, đó là duy trì nhịp độ chiến đấu khi việc huy động các nguồn lực trở nên khó khăn hơn.
Căng thẳng giữa các nước phương Tây về cuộc phản công của Ukraine trong năm nay giống như một ngọn lửa âm ỉ ngày càng cháy lớn. Hiện chưa rõ khi nào cuộc tấn công sẽ diễn ra hoặc nó sẽ diễn ra ở đâu nhưng phương Tây hy vọng đây sẽ là cuộc phản công quyết định, đảo chiều xung đột theo hướng có lợi cho Kiev.
Cùng với những kỳ vọng gia tăng thì các mối lo ngại cũng lớn dần. Nga đã có nhiều tháng để củng cố các vị trí phòng thủ, đồng thời đặt cược rằng, nếu Nga có thể làm thất bại kế hoạch tấn công của Ukraine trong năm 2023 thì sự ủng hộ của phương Tây cho Kiev vào năm tới sẽ giảm dần, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã cận kề.
Ngoài ra, Ukraine cũng đối mặt với những tính toán chiến lược khó khăn. Nước này có lẽ chỉ còn một cơ hội duy nhất để thể hiện giá trị của các vũ khí mà Kiev nhận được từ phương Tây, cũng như chứng minh rằng họ có khả năng chiến thắng.
Phát biểu tại Ba Lan vào tuần trước, Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel - cựu Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO cảnh báo cuộc phản công của Ukraine "nên diễn ra trong một vài tháng tới. Cánh cửa cơ hội đang mở ra vào năm nay nhưng sau mùa đông tới, sẽ cực kỳ khó khăn để phương Tây duy trì mức độ hỗ trợ hiện tại".
Bất chấp việc là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây cam kết ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và từ lâu đã chỉ trích ảnh hưởng của Nga ở châu Âu, ông Pavel cảnh báo về "sự mệt mỏi ở các quốc gia cung cấp hỗ trợ" nếu Ukraine không thể đạt được thành quả đáng kể trong năm 2023.
"Tôi nghĩ Ukraine chỉ có một cơ hội duy nhất để tiến hành một cuộc phản công lớn. Nếu nước này tiến hành phản công và thất bại, sẽ cực kỳ khó khăn để nhận được hỗ trợ cho cuộc tấn công tiếp theo", ông Pavel cho hay.
Khả năng duy trì chiến đấu của Ukraine phụ thuộc vào toàn bộ diễn biến chính trị của phương Tây. Tiếng nói hoài nghi trong đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng về nhu cầu tiếp tục duy trì sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Các ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã chỉ trích các đợt vận chuyển vũ khí cho Ukraine, thậm chí cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine không phải là lợi ích cốt lõi của Mỹ. Một cuộc phản công thất bại sẽ chỉ khiến các thành viên khác trong đảng Cộng hòa đang có lập trường ủng hộ Ukraine đảo ngược quyết định khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.
Nếu phản công thất bại, Ukraine cũng phải đối mặt với những mối lo ngại thực tế ngay trước mắt bởi nhiều phương tiện quân sự được cung cấp cho Kiev không dễ thay thế.
Giữa bối cảnh những cuộc giao tranh dữ dội nhất sắp diễn ra, các đợt vận chuyển vũ khí quan trọng cho Kiev không thể sớm diễn ra. Tổng thống Séc đã chỉ ra rằng các máy bay chiến đấu sẽ chưa thể hoạt động ở Ukraine cho tới năm 2024 ngay cả khi việc cung cấp được nhất trí ngay hôm nay.
Cuộc tranh luận về chiến đấu cơ hiện đại là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự do dự của phương Tây có thể phá hủy nỗ lực phản công của Ukraine. Để chiếm ưu thế trong giai đoạn giao tranh quan trọng năm nay, một thỏa thuận về việc cung cấp chiến đấu cơ phương Tây lẽ ra phải được thông qua cách đây vài tháng. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra với xe tăng chiến đấu và đạn dược. Trong khi Ukraine khẩn khoản kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm đạn dược thì các nhà sản xuất vũ khí vẫn đang chờ đợi các đơn đặt hàng để tăng cường sản xuất.
Ngày 25/3, Tổng thống Ukraine Zelensky đã thẳng thắn tuyên bố Kiev chưa thể tiến hành phản công cho đến khi phương Tây cung cấp thêm vũ khí. Ông Zelensky cho biết ông cần thêm xe tăng và các hệ thống phóng tên lửa trước khi điều động quân đội tới tiền tuyến. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, ông Zelensky cho biết tình hình ở phía Đông Ukraine "không tốt" do thiếu đạn dược. "Chúng tôi đang chờ đạn dược từ các đối tác", ông Zelensky nói. Khi được hỏi liệu khi nào cuộc phản công có thể bắt đầu, nhà lãnh đạo Ukraine đã trả lời rằng: "Chúng tôi chưa thể bắt đầu. Chúng tôi không thể cử các binh lính dũng cảm của mình tới tiền tuyến mà không có xe tăng, pháo và tên lửa tầm xa"./.
Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp) - Ảnh: Reuters