Tất cả các dự án nói trên đều có điểm chung là năng lực nhà thầu yếu kém dẫn đến việc đang thi công thì dự án phải dừng, “tiến thoái lưỡng nan”.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, những dự án với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng như Ethanol Phú Thọ, Gang thép Thái Nguyên, Sài Gòn One Tower... trở thành điểm nhấn trên báo chí do nhiều lãnh đạo phải hầu tòa. Có thể kể đến những cái tên phải đứng trên bục bị cáo vì những vụ án này như: ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch Công ty Thép Việt Nam...
Những dự án này đều có điểm chung là trên giấy thì rất “mỹ miều”. Được xác định là “quả đấm thép” của nền kinh tế như Ethanol Phú Thọ, Gang thép Thái Nguyên, hay “điểm nhấn của trung tâm TP HCM” như Sài Gòn One Tower. Nhưng trong quá trình thực hiện, do năng lực nhà thầu, đội vốn dẫn đến việc dự án phải dừng. Những khối tài sản nghìn tỷ đồng thành đống sắt vụn, hoang hóa
Ở vụ án Ethanol Phú Thọ, cáo trạng của Viện kiểm sát xác định số tiền thiệt hại là 543 tỷ đồng. Nhưng giống như cách nói của thẩm phán chủ tọa phiên tòa – ông Vũ Quang Huy thì “thực tế con số thiệt hại lớn hơn rất nhiều”.
Hay như vụ án Gang thép Thái Nguyên, con số thiệt hại được xác định là 830 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng những con số này chỉ là tiền lãi phát sinh, chi phí đầu tư do các dự án chậm tiến độ. Còn giá trị thực tế của những khối tài sản nghìn tỷ đang “đắp chiếu” chưa được tính vào thiệt hại của vụ án.
Tại báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cuối năm 2020, 12 dự án của ngành Công thương đang ôm nợ 63.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 26.300 tỷ đồng. Trong đó, có 6 dự án đã được chuyển sang giai đoạn điều tra, xét xử hoặc được đề nghị điều tra gồm: Ethanol Phú Thọ, Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi, đạm Ninh Bình, Ethanol Bình Phước...
Gang thép Thái Nguyên: Hơn 2.000 tỷ đồng đã giải ngân đang ở đâu? (Ảnh Dân Việt)
Điểm chung của hai dự án đã bị đưa ra xét xử (Ethanol Phú Thọ và Gang thép Thái Nguyên), đó là đều vướng mắc ở hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công). Tiếng là hợp đồng trọn gói từ A đến Z nhưng những hợp đồng này qua các nhà thầu yếu kém, thiếu năng lực đã trở thành những món nợ khổng lồ. Dù đã điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng nhưng sau nhiều năm vẫn không thể hoàn thành.
Điển hình như giai đoạn 2 của dự án Gang thép Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) ký hợp đồng với nhà thầu MCC (Trung Quốc) gói thầu EPC với vốn ban đầu 3.834 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 8.104 tỷ đồng. Nhưng trải qua 14 năm, dự án vẫn không thể hoàn thành và hiện đang trong tình trạng “đắp chiếu”.
Dự án Ethanol Phú Thọ, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí PVB (chủ đầu tư dự án ethanol Phú Thọ) ký hợp đồng EPC với liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T và đã rót vào đây 1.467 tỷ đồng. Dự án khởi công từ 2009 và đến năm 2013 thì liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T đơn phương ngừng thi công mà chưa thể hoàn thành bất kì hạng mục nào. Đến nay, dư nợ cả lãi lẫn gốc phát sinh từ dự án Ethanol Phú Thọ là hơn 1.000 tỷ đồng.
Tất cả các dự án nói trên đều có điểm chung là năng lực nhà thầu yếu kém dẫn đến việc đang thi công thì dự án phải dừng, “tiến thoái lưỡng nan”. Cuối cùng, dự án không mang lại hiệu quả kinh tế, chỉ mang về một khối nợ khổng lồ.
Khi Hội đồng xét xử vụ án Gang thép Thái Nguyên hỏi bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt Nam) “Có sự nể nang nào với nhà thầu Trung Quốc không?” Bị cáo Tinh đã im lặng không trả lời. Ở vụ án Ethanol Phú Thọ thì nhiều bị cáo cho rằng, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo để giao chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu.
Những dẫn chứng trên đây đủ để dư luận hoài nghi về việc: Có hay không sự móc ngoặc giữa chủ thầu yếu kém, không đủ năng lực với người có chức có quyền, dẫn đến việc nhiều đại dự án làm dang dở, gây thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
Trả lời phỏng vấn VOV.VN, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho biết: “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở yếu tố con người. Không phải ngẫu nhiên mà bị cáo đứng tại phiên tòa nói rằng nhà thầu A, nhà thầu B là do ông này, ông kia có chức có quyền giới thiệu. Giới thiệu ở đây thực ra là bắt ép, cho các công ty này trúng thầu, hoặc được xét thầu để làm dự án công trình đó”.
“Việc quản lý trong khâu đấu thầu, chỉ định thầu hiện nay có câu chuyện tiêu cực trong đó. Để trúng được thầu thì phải có phần trăm để “bôi trơn”, cộng với năng lực của nhà thầu không đủ nhưng vẫn tham gia. Khi anh trúng thầu rồi thì không đủ năng lực để làm cho hoàn chỉnh.”
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh như vậy đồng thời cho rằng, khi không đủ năng lực để làm thì những nhà thầu này thường có hai cách: Một là ép chủ đầu tư phải tăng vốn, hoặc không ép được tăng vốn thì dẫn đến chuyện bỏ dở công trình, gây thất thoát cho Nhà nước.
“Sự chi phối của yếu tố con người vào việc quản lý tài sản công là có thật. Cho nên câu chuyện các dự án dang dở như vậy, kết cục là con số không nhỏ các vị có chức có quyền phải ra hầu tòa” – Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho biết.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, vấn đề đấu thầu hiện nay vẫn còn nằm ở “một góc tối”, có sự chi phối của lợi ích nhóm. “Ví dụ ở một tập đoàn, ông A là sếp trưởng giới thiệu công ty A, ông B là sếp phó giới thiệu công ty B. Điều này dẫn đến bộ phận xét thầu buộc phải có những tác động, để những công ty khác khó có thể cạnh tranh được. Bản thân bộ phận xét thầu phải chịu sức ép từ cấp trên, nên dẫn đến câu chuyện đấu thầu hiện nay khó minh bạch được.”
Để khắc phục tình trạng này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu liêm chính, công minh thì mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.
“Ngược lại, người đứng đầu mà không liêm chính thì thôi chấm hết. Họ không thiếu gì cách để đạt được mục đích. Cho nên, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng. Bên cạnh đấy là yếu tố kiểm tra, giám sát, không để sự việc đã rồi thì mới phát hiện ra”. – Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh./.