COC thực chất được phát triển từ DOC và do đó khi hướng đến COC, trước hết cần đánh giá hiệu lực, hiệu quả của DOC ra sao sau 20 năm được ký kết?

DOC là một cam kết chính trị, đưa ra nguyên tắc các bên tự kiềm chế, hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm và một số quy định khác. Tuy nhiên, trong 20 năm thực hiện, DOC đã không ngăn cản được các bên tăng cường củng cố chỗ đứng của mình trên Biển Đông, thậm chí là mở rộng, xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi cạn nửa nổi nửa chìm và cho rằng các bãi đó có vùng biển riêng. Những hành động này đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Ngay cả trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường, đo đạc thủy văn, nghiên cứu khoa học..., các nước tham gia DOC cũng không thực hiện được điều gì, ngoại trừ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Dự án này có mời các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, nhưng phải dừng lại một thời gian dài vì nhiều yếu tố.

Bình luận về “sứ mệnh” của DOC, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam nhận định với VOV.VN: “Có thể thấy, DOC chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình khi chưa thể ngăn cản các hành vi làm phức tạp tình hình. Thậm chí, tình hình hiện nay còn diễn biến phức tạp hơn trước khi có DOC. Chúng ta có thể thấy điều này qua nhiều vụ đâm va tàu cá, phá đảo san hô để xây dựng căn cứ, vi phạm luật môi trường và không có các dự án nghiên cứu khoa học chung".

Kể từ năm 2002, nhiều sự cố đã xảy ra trên Biển Đông khiến hiệu quả của DOC bị nghi ngờ. Các sự cố đáng chú ý nhất bao gồm cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines; cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 giữa Trung Quốc và Việt Nam; và việc Trung Quốc bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế, xây và quân sự hóa 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Các sự cố ít nghiêm trọng nhưng không kém phần đáng lo ngại khác liên quan đến các vụ Trung Quốc liên tục quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hoặc tấn công bạo lực ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Do đó, việc xây dựng một COC thực chất và hiệu quả đã trở thành mục tiêu mà các quốc gia khác trong khu vực hướng đến.

“Nguyện vọng của các nước là muốn một COC khắc phục những hạn chế của DOC. Nghĩa là nó phải có hiệu quả và hiệu quả ấy phải nhìn thấy được. Muốn hiệu quả, chúng ta phải có một cơ chế kiểm tra kiểm soát. Đây là điều đã thiếu ở DOC”, Đại sứ Thao nhận định.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chỉ rõ, vướng mắc lớn nhất giữa ASEAN và Trung Quốc là hai bên đang “đồng sàng dị mộng”. Thứ nhất, các nước ASEAN muốn có những đề xuất quy định cụ thể, trong khi Trung Quốc chỉ muốn đưa ra những nguyên tắc chung. Thứ hai là phạm vi áp dụng của COC, Trung Quốc chỉ muốn áp dụng ở Trường Sa, trong khi Việt Nam muốn áp dụng ở cả Trường Sa và Hoàng Sa; Philippines muốn bãi cạn Scarborough được đưa vào bộ quy tắc nhưng Trung Quốc thì không đồng ý. Thứ ba, khác biệt về hiệu lực và hiệu quả. ASEAN mong muốn có cơ chế để kiểm tra và có sự ràng buộc, tức là có một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý. Trung Quốc thì không muốn như vậy.

Bên cạnh đó, các đề xuất chi tiết để kiểm soát hành vi thái quá của các bên ở Biển Đông bị bác bỏ khi Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông vẫn đang được kiểm soát và luôn duy trì 2 đề xuất mới: Hoạt động thăm dò và phát triển dầu khí trong các vùng nước tranh chấp chỉ có thể được các quốc gia ven Biển Đông thực hiện mà không có sự hợp tác của các công ty nước ngoài khu vực; Các bên thành viên COC không được tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự với nước ngoài trừ khi các quốc gia hữu quan được thông báo và không phản đối.

Đề xuất này của Trung Quốc rõ ràng không tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán trên biển của các nước ở Biển Đông khi buộc các nước chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” trên chính vùng biển của các nước này, chấp nhận sự triển khai lực lượng quân sự và hiện diện của các công ty Trung Quốc trong mọi lĩnh vực hoạt động biển ở Biển Đông, đồng thời qua đó giảm bớt ảnh hưởng của các nước ngoài khu vực và phủ nhận diễn tập quân sự của các nước trong khu vực với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Giới quan sát đánh giá, để có thể đạt được bước đột phá giải quyết vấn đề hiện nay ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận rằng không có cái gọi là “quyền lịch sử” theo UNCLOS mà nước này là một bên tham gia ký kết. Cần nhớ rằng UNCLOS đã được giới thiệu năm 1982 và được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Trung Quốc cũng đã tự nguyện chấp nhận UNCLOS vào năm 1996 mà không có bất kỳ áp lực nào từ các thế lực bên ngoài.

Cũng cần phải lưu ý thêm rằng ASEAN bao gồm 10 nước nhưng chỉ có 4 nước tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông. Lợi ích của ASEAN nói chung ở Biển Đông là hòa bình và ổn định. Nhưng mức độ ASEAN có chung tiếng nói thì lại khác biệt giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Đó cũng là một thách thức trong đàm phán COC giữa ASEAN với Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia trả lời phỏng vấn của VOV.VN nhấn mạnh, các cuộc đàm phán về COC là giữa 11 bên, cụ thể ở đây là giữa Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên của ASEAN. Các bên phải đạt được sự đồng thuận. Trở ngại lớn nhất đối với các cuộc đàm phán hiện tại, ngoài Covid-19 khiến các cuộc gặp trực tiếp trở nên khó khăn, là các hành động gây hấn diễn ra hàng ngày của Trung Quốc. Điều này không đáp ứng được tinh thần và ý định của các quốc gia ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 8/2021, trong chuyến công du đến Phnom Penh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết ông hy vọng COC có thể được ký vào năm 2022 khi Campuchia là chủ tịch ASEAN. Nhiều người chắc chắn sẽ đặt câu hỏi, tại sao Trung Quốc lại sốt sắng với COC đến vậy, dù trước đây nước này thường phớt lờ các lời kêu gọi của ASEAN ngồi vào bàn đàm phán?.

Giáo sư Thayer cho rằng: “Có hai yếu tố đã góp phần vào sự thay đổi trong cách tiếp cận của Trung Quốc. Đó là việc ASEAN củng cố sự thống nhất sau “sự cố” xảy ra ở Phnom Penh năm 2012 và quyết định đơn phương của Philippines trong việc tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc muốn sớm có được COC không đồng nghĩa với việc nước này đã nhận thức được vấn đề, thay đổi thái độ theo hướng tích cực hơn mà phía sau là những tính toán sâu xa của Bắc Kinh./.

Thực hiện: Hùng Cường, Hoàng Lê, Kiều Anh

Thứ Tư, 06:20, 26/01/2022