Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sinh năm 1970, là 1 trong 10 cá nhân được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô năm 2020. Ông cũng là đại diện duy nhất của ngành y tế có mặt trong danh sách này.

Ông Cấp cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đóng góp rất to lớn trong việc khống chế thành công dịch Covid-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch tại miền Bắc.

Khi được hỏi về cảm xúc của mình khi là 1 trong 10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020, BS Nguyễn Trung Cấp, chỉ cười và trước sau luôn tỏ vẻ khiêm tốn. Bởi theo BS Cấp, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, tất cả các nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò đều rất xuất sắc, họ đã hy sinh rất nhiều. BS Cấp cũng chia sẻ, ông chỉ là 1 trong số những nhân viên y tế xuất sắc đó và may mắn hơn, ông là người đại diện cho họ được vinh danh trong dịp này.

“Công việc thường ngày và vai trò của nghề nghiệp chúng tôi luôn phải điều trị bệnh nhân, phải chống dịch, xử lý những bệnh nhân nặng và phức tạp. Như những đồng nghiệp khác, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và may mắn được xã hội ghi nhận”- BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Gắn bó với chuyên ngành hồi sức cấp cứu từ năm 1995, 25 năm qua, BS Nguyễn Trung Cấp luôn đảm nhiệm công việc khám, cấp cứu, chẩn đoán điều trị những bệnh nhân nặng, có những diễn biến nguy kịch, phức tạp. Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, khi về công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiệm vụ của ông vừa là bác sĩ hồi sức cấp cứu chuyên ngành truyền nhiễm, một mặt đảm bảo việc cấp cứu chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân nặng và phức tạp; Đồng thời ông còn đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo chống dịch. Mặc dù ở cương vị nào, BS Nguyễn Trung Cấp cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Được biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, BS Nguyễn Trung Cấp đã tham gia tích cực trong việc khám, phân loại và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm SASR-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ông cũng đã trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân dương tính, trong đó gần 20 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Ông là người trực tiếp nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho thầy thuốc khi thao tác trong môi trường ô nhiễm. Đồng thời, ông đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong chiến lược điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.

BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, trên thế giới, dịch Covid-19 đã làm hơn 1 triệu bệnh nhân tử vong, trong số đó có không ít cán bộ, nhân viên y tế. Bởi vậy, theo BS Cấp, khi đối mặt với dịch bệnh, các nhân viên y tế luôn xác định nằm trong nguy cơ lây nhiễm rất cao, buộc họ phải tìm cách vượt qua, cố gắng tuân thủ các quy định về bảo đảm phòng hộ an toàn cho chính bản thân mình để tránh bị lây nhiễm chéo.

BS Cấp chia sẻ, một trong những giai đoạn vô cùng nguy hiểm đối với đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là chuyến bay đi đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo trở về, trong đó có 129 người nhiễm Covid-19. Trong chuyến đi này, bệnh viện đã cử một tổ y tế gồm 4 người. Với hành trình trên máy bay vô cùng dài, hơn 30 giờ đồng hồ nên nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế là điều không thể tránh khỏi. Đến thời điểm công bố toàn bộ đoàn đi về từ đội ngũ y tế, tổ bay đều khỏe mạnh, không ai bị lây nhiễm thì tất cả mọi người mới dám vui mừng và những nỗ lực của mình đã đạt tới 1 thành công và cảm thấy thực sự hài lòng. 

“Trong chuyến đi này đòi hỏi các bước chuẩn bị phải rất lâu. Từ khi có dịch bệnh vào Việt Nam, chúng tôi đã phải luôn luôn tìm cách cải tiến, đổi mới về các phương tiện, trang thiết bị phòng hộ, các biện pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt chống lây nhiễm trên máy bay điều mà chúng tôi chưa từng phải đối mặt bao giờ nên bước chuẩn bị tốn nhiều thời gian. Đây là chuyến đi kết tinh tất cả những cố gắng từ trước, từ những tính toán, bước chuẩn bị đến kinh nghiệm, quan điểm, kiến thức về bệnh lý”- BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Kể về giai đoạn đoạn đầu khi mới tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ Vũ Hán trở về, BS Cấp và các đồng nghiệp đã không khỏi trăn trở, ngày đêm lo lắng khi gặp phải những khó khăn rất lớn trong quá trình điều trị cho người bệnh. Bởi khi đó, Covid-19 vẫn là một bệnh lý mới nên các hiểu biết chung về bệnh này ở trên thế giới không có nhiều ngoài một số kinh nghiệm từ Vũ Hán. Vì vậy, thời gian đó, các quan điểm điều trị, kỹ thuật, chiến lược đều căn cứ vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như Mers-CoV, SARS, Cúm.

“Giai đoạn đầu điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng chiến lược, phương án điều trị trên cơ sở hiểu biết về những bệnh lý tương tự khi áp sang bệnh lý này không phải lúc nào cũng đúng, đòi hỏi mình luôn phải theo sát bệnh nhân, phải tìm ra vấn đề thực sự của bệnh nhân để điều trị cho đúng. Sau 1 thời gian, với một lượng bệnh nhân, chúng tôi cũng đã dần có những kinh nghiệm, dần hiểu biết về bệnh lý này và các nghiên cứu trên thế giới dần sáng tỏ, từ đó việc chẩn đoán điều trị mới rõ ràng hơn”- BS Cấp cho biết.

Trong giai đoạn đầu của dịch, may mắn đối với đội ngũ nhân viên y tế là số ca mắc Covid-19 chỉ tập trung vào những bệnh nhân từ Vũ Hán trở về, nên số người bệnh cần phải điều trị còn ít. Tuy nhiên, sau đó lượng bệnh nhân nhiều hơn thì những khó khăn trong việc điều trị đối với bệnh lý này ấy vẫn không dừng lại, đòi hỏi các chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch phải thay đổi chiến lược điều trị.

“Nếu áp theo kiến thức cũ của cúm, SARS, bệnh nhân đó phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO. Tuy nhiên khi chúng tôi vào thăm khám bệnh nhân, xem xét trực tiếp cho bệnh nhân thì quyết định hoàn toàn có thể can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập. Quyết định đó cũng đòi hỏi hơi liều và can đảm một chút bởi nếu đối chiếu với sách vở, với bệnh lý tương tự như vậy, mình làm như thế có vẻ chưa đúng nhưng đối với trực tiếp cá thể bệnh nhân, đó là quyết định đúng. Bệnh nhân sau 1 thời gian chăm sóc tích cực và kiên định với chiến lược điều trị của mình, bệnh nhân cũng không cần phải thở máy, không cần phải chạy ECMO. Rất mừng, sau này các nghiên cứu, quan điểm khác trên thế giới cũng có nhiều tác giả ủng hộ quan điểm tương tự như của chúng tôi”- BS Cấp cho hay.

BS Nguyễn Trung Cấp cũng chia sẻ, điều may mắn là trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không có quá nhiều bệnh nhân và các ca bệnh cũng không quá nặng. Vì vậy, ông và các đồng nghiệp có 1 khoảng thời gian để xem xét, sửa đổi, thay đổi kế hoạch, chiến lược điều trị và xây dựng bản kế hoạch hoàn chỉnh hơn. Khi sang đến giai đoạn sau, bệnh nhân ồ ạt xuất hiện hoặc có nhiều bệnh nhân nặng thì bản kế hoạch cũng khá hoàn chỉnh nên việc vận hành, điều trị cho bệnh nhân cũng trơn tru, thuận lợi hơn. Do đó, khi được cử vào chi viện tại Huế, chính ông đã là người truyền đạt lại những kinh nghiệm để giúp đồng nghiệp tránh gặp những loay hoay như thời gian đầu ông và đồng nghiệp của mình gặp phải.

“Khi vào Huế, thời gian đầu, chứng kiến số bệnh nhân Covid-19 tiến triển nặng nhanh, tử vong hàng ngày nên ít nhiều đã khiến nhân viên y tế tại đây chùn bước, suy sụp bởi những nỗ lực cứu chữa bệnh nhân của họ đã không được đền đáp. Khi đó vai trò của mình vào đó là phải thổi luồng gió mới, làm mọi người tự tin, thấy rằng bệnh lý này hoàn toàn có điều trị được và bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị thành công, kể cả những người có bệnh lý nền nặng. Đó là những việc trong giai đoạn đầu mà chúng tôi có thể làm được”- BS Cấp nói.

BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ, truyền nhiễm và hồi sức là 2 chuyên ngành vô cùng vất vả và gian khổ, riêng ngành truyền nhiễm còn có sự nguy hiểm. Bản thân ông cũng không thể ngờ rằng mình lại có cơ hội “ngẫu nhiên” với 2 ngành này đến vậy. Theo ông, làm bác sĩ hồi sức trong ngành truyền nhiễm, mọi khó khăn còn nhân lên gấp đôi. Nhưng với ông và các đồng nghiệp, sự tiến triển tốt của bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh khó qua khỏi chính là niềm vui nho nhỏ mỗi ngày, là động lực để họ phấn đấu.

 “Có thể với những người tỷ phú kiếm được vài tỷ họ mới vui hay người nông dân có thể kiếm thêm được bữa gạo cũng đã là vui. Tất cả mọi ngành nghề đều như thế, khi chúng ta có thành công trong công việc của mình thì đó là niềm vui. Niềm vui nho nhỏ hàng ngày của các bác sĩ, của tôi là chữa khỏi bệnh cho các bệnh nhân”- BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ./.

Bài: Thy Hạt | Ảnh, thiết kế: Hà Phương



Thứ Bảy, 06:44, 03/10/2020