Chỉ một thời gian ngắn sau khi mở màn tấn công Ukraine, Nga đã vấp phải một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm cô lập và cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Sau nhiều tuần Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt đó, Tổng thống Putin tuyên bố phương Tây đang phát động “chiến tranh kinh tế” và để đáp lại, Nga bắt đầu sử dụng một số loại vũ khí tài chính của riêng mình.

Mới đây Tổng thống Putin cảnh báo rằng các nước “không thân thiện” khi mua khí đốt của Nga cần khởi động thanh toán bằng đồng rúp của Nga thay vì đồng đô la Mỹ (USD) hay đồng euro của EU.

Đòn đánh này của Nga không phải là chuyện đùa. Tính gộp lại, các nước châu Âu mua 40% khí đốt của Nga, chi trả tới 800 triệu USD mỗi ngày. Động thái mới của Nga thực sự chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, châu Âu đã phản ứng lại theo kiểu thách thức, dù rằng sự thách thức đó có thể mềm đi vì những lợi ích cục bộ nào đó.

Động thái mới của Nga nằm trong cuộc chiến lâu dài hơn nhiều mà Nga đang tiến hành để chống lại đồng USD – một đồng tiền được dùng để giao dịch dầu khí.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, các lệnh trừng phạt để đáp trả động thái đó của Nga đã làm lộ rõ một trở ngại lớn đối với Nga khi họ tìm cách đối đầu phương Tây - đó là thế thượng phong của phương Tây trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Kể từ đó, Nga đã thực hiện các bước đi để giảm việc phụ thuộc vào đồng USD, dự báo chính xác hình thức trừng phạt diện rộng mới được áp dụng gần đây lên Nga. Theo một ước tính, lượng hàng xuất khẩu Nga tính theo USD giảm từ 80% năm 2014 xuống còn một nửa vào thời điểm này.

Cùng thời kỳ, ngân hàng trung ương Nga giảm một nửa dự trữ USD, chuyển sang đồng euro, đồng nhân dân tệ, và cả các ngoại tệ khác nữa. Vào năm 2019, Nga nắm 1/4 trong tổng dự trữ nhân dân tệ của thế giới.

Nhưng việc hạ bệ đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới không phải là điều có thể dễ dàng xảy ra trong một sớm một chiều, và không thể thực hiện riêng lẻ tại một nước. Do đó, trận chiến dài lâu của Nga chống lại đồng USD sẽ thiên về một cuộc nổi dậy hơn là một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự.

Trong cuộc nổi dậy này, Nga có một nước ủng hộ chính, đó là Trung Quốc.

Trong nhiều năm, cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách “cai” dần đồng USD trong nỗ lực “phi đô la hóa”. Hai nước đã có một bước đi lớn theo hướng đó vào năm 2019, khi họ nhất trí tiến hành mọi hoạt động thương mại song phương bằng đồng nội tệ tương ứng của hai nước.

Tổn hại nhanh chóng xảy ra với nền kinh tế Nga có thể đã khiến Trung Quốc phân vân liệu mình có thể chịu đựng các lệnh trừng phạt tương tự.

Video của Global News về Tổng thống Nga Putin tuyên bố chuyển thanh toán khí đốt (cho các nước “không thân thiện” với Nga) sang đồng rúp để đáp trả các động thái trừng phạt của phương Tây.

Tưởng tượng ra một thế giới hậu USD thì dễ hơn nhiều so với tự tạo ra một thế giới như thế, đặc biệt là đối với Trung Quốc – đất nước được cho là không chỉ tìm cách thay thế đồng USD với tư cách là tiền tệ dự trữ của thế giới, mà còn muốn soán ngôi siêu cường của Mỹ.

Trong lịch sử hiện đại, thực sự mới có một vụ soán ngôi tiền tệ, khi đồng tiền của Anh đã bị đồng tiền của Mỹ vượt mặt sau Thế chiến II. Khi đó Anh bị nợ nần sau 2 cuộc thế chiến trong quãng 4 thập kỷ. Để đồng nhân dân tệ vượt qua đồng USD thì cần có một sự thay đổi tương tự.

Bắc Kinh có cách tiếp cận khác đối với vị trí siêu cường. Khác với Nga, khi tiến tới một thế giới hậu USD, Trung Quốc vẫn gắn với một hệ thống thương mại toàn cầu do phương Tây xây dựng.

Ngoài ra còn cần phải dành nhiều thời gian để thuyết phục các nước khác làm theo. Việc chuyển sang một thế giới hậu USD chỉ xảy ra khi có đông đảo quốc gia lựa chọn một đồng tiền khác. Hiện nay ít nước quan tâm đến ý tưởng này. Đa số thương mại toàn cầu vẫn được thực hiện áp đảo bằng đồng USD, euro hoặc đồng bảng Anh.

Nói tóm lại, việc chuyển đổi từ một đồng tiền toàn cầu sang một đồng tiền thay thế là điều khó khả thi. Điều khả thi hơn là chuyển dần dần sang một hệ thống tài chính đa cực, mà trong đó các ngoại tệ khác như euro và nhân dân tệ cũng như vàng hoặc một đồng tiền số nào đó mới được tạo ra và được nhà nước hậu thuẫn đóng vai trò của mình.

Chính khả năng này khiến quốc gia nắm giữ đồng tiền dự trữ của thế giới phải suy xét cẩn trọng. Đối với Washington, các lệnh trừng phạt mở rộng chống lại Nga có thể gia tăng sức nặng cho chính đồng euro – điều mà người châu Âu sẽ hoan nghênh. Mỹ sẽ phải điều tiết việc trừng phạt Nga sao cho không tạo ra động lực cho sự phổ biến của các đồng tiền đối thủ khác.

Bằng việc sử dụng đồng rúp làm vũ khí, có lẽ Nga vẫn chưa có khả năng chia tách liên minh xuyên Đại Tây Dương (giữa Mỹ và EU). Nhưng triển vọng về một vai trò lớn hơn cho đồng euro có thể lôi cuốn các nước châu Âu./.

Xem thêm:

o Doanh nghiệp vũ khí Mỹ thu lợi lớn từ cuộc chiến Nga-Ukraine và sự lo ngại Trung Quốc

o Hé lộ nguyên nhân sâu xa Trung Quốc khó bỏ rơi Nga trong khủng hoảng Ukraine

o Nga liên thủ với Ấn Độ về tiền tệ để phản công trừng phạt của Mỹ

o Bị trừng phạt do tấn công Ukraine, Nga sẽ dùng máy bay gì thay thế Boeing và Airbus?

Thứ Tư, 12:02, 06/04/2022