NSƯT Bùi Như Lai đã thốt lên tại buổi họp báo “Dưới bóng cây rực rỡ” rằng, trong những năm qua, chưa bao giờ anh thấy phim truyền hình Việt có sự chuyển mình rực rỡ đến thế. Quả thực, kể từ sau dấu mốc của các “bom tấn” “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Về nhà đi con”, hàng loạt các phim Việt nối tiếp nhau ra mắt và nhanh chóng hút khán giả.

Do có lợi thế về bối cảnh, sản xuất, chi phí, phương thức phát hành… so với phim điện ảnh, phim truyền hình Việt nhanh chóng phục hồi sau 2 năm Covid-19. Nhiều bộ phim truyền hình nở rộ với các đề tài phong phú về nông thôn, tình yêu, gia đình, hình sự, nông thôn…, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Dòng phim chính luận có thể kể đến "Vợ quan", "Bão ngầm", "Đấu trí”, “Hành trình công lý”…; chủ đề tình cảm gia đình có: "Lối nhỏ vào đời", "Gara hạnh phúc", "Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ", "Thông gia ngõ hẹp", "Anh có phải đàn ông không", "Nơi ngọn gió dừng chân", “Mẹ rơm”… Đề tài người mẹ cũng được khán giả quan tâm như "Thương ngày nắng về", "Giấc mơ của mẹ", “Đừng làm mẹ cáu”…

Một điều bất ngờ trong năm 2022 là những phim truyền hình Việt có kịch bản ngoại đã không còn thắng thế như các năm trước. Những bộ phim có đề tài thuần Việt, nhẹ nhàng, tươi sáng, tích cực, thậm chí dàn diễn viên chính cũng không phải là những cái tên “hot” nhất lại bất ngờ có lượng rating cao, được khán giả quan tâm hơn là những bộ phim có kịch bản Việt hoá lắm drama, ly kỳ. Có thể kể đến “Gara hạnh phúc” là câu chuyện kể về những cuộc đời không may mắn và hành trình vượt qua khó khăn để tìm kiếm hạnh phúc, gìn giữ bản ngã của mỗi người. Có số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng mỗi nhân vật trong phim “Ga-ra hạnh phúc” đều mong muốn và nỗ lực để cuộc sống tốt đẹp hơn. Hay “Lối về miền hoa” là câu chuyện nhóm bạn trẻ lớn lên ở một làng hoa ven đô và hành trình trưởng thành của họ. Bên cạnh tình yêu, tình bạn, câu chuyện lập nghiệp của những người trẻ còn có những tình tiết thú vị về tình cảm gia đình, làng xóm… “Phố trong làng” với diễn xuất chân thật và tinh tế của Duy Hưng và Thanh Hương, là câu chuyện đầy thú vị về đời sống của người dân xã vùng ven đô, bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phát triển, hiện đại hoá. Nhiều phim lên sóng tạo nên sự cạnh tranh trong việc thu hút khán giả xem phim, song rõ ràng những bộ phim gần gũi, chứa đựng hơi thở cuộc sống mới chiếm ưu thế trong cuộc chiến rating.

Ngoài ra, một hướng đi mới trong bối cảnh khan hiếm kịch bản hay, lạ, mới là nhiều phim khai thác kịch bản từ sân khấu, như các phim “Duyên kiếp”, “Rồi ba mươi năm sau”… Vượt qua sự khác biệt giữa sân khấu và phim ảnh như đài từ, tình tiết, thể hiện tâm lý nhân vật, bối cảnh…, các biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất nỗ lực mang đến một sự lựa chọn mới mẻ cho khán giả. Ngoài ra, các bộ phim lấy bối cảnh xưa gần đây cũng có sự thay đổi, làm mới mình nên được khán giả đón nhận, đặc biệt là khán giả Nam bộ.

Tuy nhiên, mặc dù các bộ phim liên tiếp nối sóng song không có một đại diện phim truyền hình Việt nào trong năm 2022 gây được tiếng vang lớn, vượt qua cái bóng của “Về nhà đi con” hay “Sống chung với mẹ chồng”. Thậm chí, nhiều phim Việt gây thất vọng bởi tình tiết ngô nghê, kịch bản nhàm chán, cái kết phi lý, dễ đoán bởi biên kịch và đạo diễn thường chọn giải pháp an toàn. “Hành trình công lý” gặp phản ứng của khán giả bởi các tình tiết thiếu chặt chẽ, phi lý thậm chí ngô nghê về nghề luật sư, kiểm sát viên… Hay “Thông gia ngõ hẹp” có kịch bản yếu, tình tiết rời rạc, xa rời đời thường. Nhiều bộ phim rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột" nguyên nhân một phần do biên kịch cố tình kéo dài tình tiết, song đến lúc kết thúc thì chóng vánh khiến khán giả hụt hẫng, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Điều đó cho thấy mấu chốt của phim truyền hình nước nhà vẫn là kịch bản, mặc dù chúng ta đã có công nghệ làm phim tiệm cận với thế giới, diễn viên có nội lực diễn xuất tốt. Thậm chí, diễn viên Bình An tỏ ra bi quan khi cho rằng, đến năm sau chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hết kịch bản.

Để phim truyền hình Việt tránh đi theo lối mòn bằng kịch bản đơn điệu, nhà làm phim cần mạnh dạn thử sức với những mảng đề tài mới. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ với VOV, nhiều biên kịch không đủ kiến thức (bao gồm sự hiểu biết và trải nghiệm, quan sát…) để tự tìm ra những câu chuyện hay, gần gũi đời sống. Thiếu biên kịch giỏi cũng là vấn nạn chung của truyền hình nói riêng và phim truyện nói chung. Điều này liên quan đến công tác đào tạo đội ngũ cho biên kịch và thù lao cho nghề biên kịch, đặc biệt những người mới vào nghề. “Mặc dù Việt Nam là đất nước còn rất nhiều vấn đề xã hội đầy mâu thuẫn, có thể là mảnh đất phì nhiêu cho những người tìm truyện, nhưng rõ ràng khả năng tiếp cận cuộc sống của các biên kịch trẻ - những người đang thực sự hiện diện trong trận địa này - chưa thật mạnh mẽ và phong phú. Điều đó dẫn đến việc các kịch bản do chúng ta tự lên ý tưởng, tự xây dựng kịch bản không có được sức thuyết phục cần thiết do nó vẫn hời hợt, xa rời cuộc sống”, bà nhận định.

Nhìn chung, tuy có sự nỗ lực song phim truyền hình Việt 2022 thiếu sự bùng nổ, gây dấu ấn mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi các biên kịch, đạo diễn và ekip cần nỗ lực hơn nữa để tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn riêng cho các tác phẩm, trong bối cảnh cạnh tranh các loại hình giải trí và công chúng đã ngày càng khó tính và gắt gao hơn./.

Thứ Bảy, 06:30, 07/01/2023