Liên Xô đã phải trả giá đắt để giành thắng lợi trước phát xít Đức trong xung đột vũ trang khủng khiếp nhất lịch sử loài người. Hơn 27 triệu công dân Liên Xô đã hy sinh trong cuộc chiến này. Không chỉ vậy, lãnh thổ rộng lớn từ vùng Baltic cho đến Biển Đen đã bị tàn phá.

Nước Đức Quốc xã cố gắng thu hút nhân lực và vật lực từ gần như toàn bộ châu Âu để tiến đánh Liên Xô. Binh lính Italy, Romania, Hungary và Phần Lan cũng như các đơn vị quân sự đến từ Tây Ban Nha, Slovakia, Croatia; tình nguyện viên ở các nước bị Đức chiếm đóng như Pháp, Benelux và Scandinavia... đã cùng với quân đội phát xít Đức chiến đấu chống lại Hồng quân Liên Xô.

Đã có những thời điểm trong cuộc chiến tranh này, Liên Xô đứng bên bờ thất bại. Vào mùa thu năm 1941, quân Đức đã đến cửa ngõ thủ đô Moscow. Mùa hè năm 1942, chúng đã tiến sát tới khả năng tước bỏ hoàn toàn “nguồn sinh khí của chiến tranh” của Liên Xô, đó là dầu mỏ. Chỉ sau khi giành thắng lợi trong trận chiến Stalingrad, Liên Xô mới có thể dễ thở hơn. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phải tiếp tục trải qua hai năm rưỡi giao chiến đẫm máu.

Lúc 4h ngày 22/6/1941, các lực lượng Đức Quốc xã vượt qua biên giới Liên Xô trong “Chiến dịch Barbarossa” để tiến vào 3 thành phố chính của Liên Xô: Moscow, Leningrad và Kiev. Quân Đức gần như hoàn toàn giành được yếu tố bất ngờ cấp chiến thuật và chiến dịch.

Ngày 22/6/1941, phát xít Đức bắt đầu “Chiến dịch Barbarossa” tấn công Liên Xô (Ảnh Getty Image)

Quân đội Liên Xô khi đó đối diện một loạt vấn đề nan giải: Thiếu liên lạc vô tuyến điện giữa các đơn vị, khâu tổ chức tham mưu, chỉ huy và kiểm soát yếu kém, sự phối hợp giữa các nhóm nhỏ cũng yếu và thiếu kinh nghiệm tác chiến. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân đội Xô viết cũng mắc phải một số sai lầm. Tất cả đã dẫn tới các thất bại nặng nề của Hồng quân.

Hồng quân Liên Xô gặp nhiều thất bại nặng nề ở giai đoạn đầu cuộc chiến (Ảnh Getty Image)

Dù các binh sĩ Liên Xô kháng cự dữ dội, quân đội phát xít Đức vẫn giành được một số thắng lợi. Vào ngày 24/6, Vilnius rơi vào tay Đức. Ngày 28/6, Minsk thất thủ. Ngày 1/7, Đức chiếm được Riga; ngày 8/9, Đức bao vây hoàn toàn Leningrad. Ngày 15/9, Đức hình thành thế bao vây một lượng lớn quân Liên Xô ở quanh Kiev. Dường như không có gì có thể cản ngăn việc Đức chiếm thủ đô Moscow. Tuy nhiên, khi tiến đánh Moscow, quân Đức đã đại bại và bị đẩy lùi ra xa.

Nhờ vào cuộc phản công quy mô lớn bất ngờ ở ngoại ô Moscow, quân dân Liên Xô đã đánh bật được kẻ thù ra khỏi thủ đô tới vài trăm Km. Ban lãnh đạo chính trị của Liên Xô quyết định rằng đã đến lúc giành quyền chủ động trong cuộc chiến. Tuy nhiên, những sự kiện sau đó cho thấy, tình hình vẫn chưa chín muồi cho mục tiêu đánh đuổi hoàn toàn quân Đức.

Quân dân Liên Xô đã đánh bật được kẻ thù ra khỏi thủ đô tới vài trăm kilomet (Ảnh Getty Image)

Thu - Đông năm 1942, Hồng quân nỗ lực tiến công dọc theo toàn bộ tiền tuyến nhưng do lực lượng bị căng mỏng, họ chỉ thu được những thành công hạn chế. Dù quân Đức buộc phải bỏ nhiều vị trí, chúng vẫn giữ được một đầu cầu quan trọng ở khu vực Rzhev mà từ đó chúng có thể tiếp tục tạo ra mối đe dọa cho Moscow. Lực lượng phát xít đã đẩy lui các nỗ lực của Hồng quân phá vây cho Leningrad, đồng thời vẫn bám chắc phần lớn bán đảo Crimea.

Cuộc phản công của Hồng quân ở khu vực Kharkov (Ảnh Getty Image)

Cuộc phản công của Hồng quân ở khu vực Kharkov vào tháng 5 năm đó đã kết thúc trong thảm họa: Khoảng 200.000 binh lính Xô viết bị giam trong “túi vây” khổng lồ. Chính nhờ thất bại này của Hồng quân mà chiến tranh chớp nhoáng của Đức ở miền Nam Liên Xô như có thêm cơ hội.

Trong trận chiến Stalingrad, Hồng quân cố gắng chuyển thất bại cận kề thành thắng lợi vang dội. Tại đó, họ không chỉ phá hủy một đội hình quân sự lớn của Đức mà còn gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Italy, Romania và Hungary - đồng minh của Đức Quốc xã.

Clip của HistoryAtWar ghi cảnh “bão lửa” của trận chiến Kursk

Chịu áp lực của Liên Xô, quân Đức rút khỏi bờ sông Volga và khỏi vùng Kavkaz (giã từ vĩnh viễn giấc mộng dầu mỏ Liên Xô), và từ bỏ khúc lồi Rzhev, do đó không còn khả năng đe dọa trực tiếp thủ đô Moscow. Ngoài ra, Hồng quân còn tận dụng tình hình để phá vỡ vòng vây của Đức ở thành phố Leningrad.

Sau khi mặt trận Xô-Đức ổn định vào mùa xuân, các bên bắt đầu chuẩn bị cho cuộc quyết chiến ở vòng cung Kursk. Cuộc tiến công mang tên “Chiến dịch Citadel” vào mùa hè ở đó là nỗ lực cuối cùng của trùm phát xít Hitler nhằm giành lại quyền chủ động trong cuộc chiến ở mặt trận phía Đông.

Sau chiến thắng ở Kursk, không gì có thể chặn được bước tiến của binh sĩ Xô viết. Vào đầu năm 1944, họ giải vây Leningrad. Đến mùa xuân, họ hoàn thành việc giải phóng Crimea và gần như toàn bộ hữu ngạn Ukraine (tức phần đất Ukraine ở bờ Tây của sông Dnieper). Ngày 26/3 năm đó, Hồng quân tiến đến biên giới quốc gia giữa Liên Xô và Romania.

Mùa hè năm 1944, Hồng quân đã phô diễn với quân đội phát xít Đức điều mà họ đã học được từ bài học cay đắng năm 1941. Giờ đây Hồng quân có khả năng sử dụng hiệu quả chiến lược đánh chớp nhoáng.

Vào ngày 23/6/1944, gần đúng 3 năm sau khi Đức bắt đầu xâm lược Liên Xô, Hồng quân mở chiến dịch Byelorussian (còn gọi là chiến dịch Bagration).

Chỉ trong 2 tháng, Hồng quân đã tiến nhanh 550-600km về phía Tây, tiêu diệt 17 sư đoàn Đức, giải phóng toàn bộ lãnh thổ Byelorussia (nay là Belarus), cũng như một bộ phận đáng kể của miền Đông Ba Lan. Tổng cộng, ước tính tổn thất của Đức là khoảng nửa triệu quân.

Đầu năm cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ 2 (1945), Hồng quân tiến hành tác chiến đô thị ở Budapest và chuẩn bị cho việc giải phóng Warsaw và một cuộc tấn công ở Đông Phổ. Bất chấp bị tổn thất nặng nề trong chiến trận vào năm 1944, Đức vẫn duy trì được năng lực tác chiến tương đối cao. Dù mất các vùng công nghiệp quan trọng và gần hết các đồng minh chủ chốt, quân Đức vẫn sẵn sàng chiến đấu đến cùng.

Trong cuộc tiến công Vistula-Oder vào đầu tháng 2/1945, các binh sĩ thuộc phương diện quân Byelorussian dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov đã tới được những nơi dẫn vào Berlin, chỉ cách thủ đô của Đệ tam Đế chế có 70km.

Trong lúc Liên Xô chuẩn bị cho đòn tấn công quyết liệt vào thành phố Berlin, phía Đức cũng mở cuộc tấn công quy mô lớn cuối cùng.

Khoảng 400.000 binh sĩ Đức và Hungary tham gia “Chiến dịch mùa Xuân Thức giấc” ở các khu vực hồ Balaton và Velence vào tháng 3/1945, nhưng chúng cũng chỉ lấn sâu được vài chục kilomet vào phòng tuyến Hồng quân. Sau khi cuộc tấn công của Đức sụp đổ, cánh cửa tới Vienna đã mở toang cho Hồng quân./.

Xem thêm:

» Phương Tây từng lên kế hoạch đè bẹp Liên Xô ngay sau Thế chiến II

» 10 đòn sấm sét của Hồng quân giúp giải phóng gần như toàn bộ Liên Xô khỏi Đức Quốc xã

» Chiến dịch Barbarossa (Đức tấn công Liên Xô) - chiến dịch xâm lược lớn nhất trong lịch sử

» Hồng quân thất bại lớn trong trận Kharkov 2, phát xít Đức thẳng tiến tới Stalingrad

Thứ Tư, 06:15, 24/05/2023