Suốt 4 năm qua, quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, câu hỏi lớn nhất đặt ra với cả hai bên là: Chiến lược về Trung Quốc của ông Biden sẽ giống hoặc khác với người tiền nhiệm như thế nào? Và liệu tân tổng thống Mỹ có hội tụ đủ sức mạnh để kiềm chế Bắc Kinh hay không?
Ba tuần sau khi nhậm chức, ông Biden có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ phải chứng kiến “sự cạnh tranh khắc nghiệt” với Washington nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên sẽ rơi vào tình huống xung đột. Ông Biden bày tỏ hàng loạt quan ngại liên quan đến các hoạt động thương mại của Trung Quốc, vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và tình hình Hong Kong, Đài Loan. Hai bên cũng thảo luận về những nỗ lực chống đại dịch Covid-19 và hàng loạt thách thức chung liên quan đến an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Giống người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden đã đưa ra những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng ông cam kết sẽ theo đuổi một cách tiếp cận khác biệt, có sự nhất quán trong tuyên bố và hành động, căn cứ vào trật tự dựa trên luật lệ và dân chủ.
Dù theo đuổi lập trường cứng rắn nhưng chính quyền Biden đã bắt đầu việc xem xét, điều chỉnh chính sách về Trung Quốc, để tránh tư duy tổng bằng không và cân bằng giữa cạnh tranh với hợp tác. Theo giới phân tích, chính sách của ông Biden là sự dung hòa giữa chính sách của cựu tổng thống Trump coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu và chính sách của cựu tổng thống Obama chú trọng nhiều hơn đến hợp tác với Bắc Kinh.
Về kinh tế và thương mại, chính quyền Biden quan tâm đến tăng cường năng lực cạnh tranh và đổi mới các nghành công nghiệp trong nước. Giống như hai người tiền nhiệm Donald Trump và Obama, ông Biden cũng đặc biệt lo ngại về các hoạt động thương mại và chính sách công nghiệp của Trung Quốc.
Dưới thời Trump, Washington đã dán nhãn Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Báo cáo có tiêu đề “Tiếp cận chiến lược của Mỹ đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2020” của Nhà Trắng nêu rõ: “Trung Quốc không thực thi đúng các cam kết về cải cách kinh tế, theo đuổi các chính sách bảo hộ, có các hành vi gây hại đến công ty, người lao động Mỹ, bóp méo các thị trường toàn cầu, vi phạm các chuẩn mực quốc tế, gây ô nhiễm môi trường”.
Để giải quyết những lo ngại này, cựu Tổng thống Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại kéo dài, ủng hộ phương châm tách rời hai nền kinh tế, cấm chuyển giao công nghệ, đưa một loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, thắt chặt kiểm soát lĩnh vực xuất khẩu của nước này, hối thúc các công ty Mỹ và châu Âu rời Trung Quốc.
Sau khi ông Trump rời nhiệm sở, những lo ngại nói trên vẫn chưa chấm dứt và khó khăn chuyển sang người kế nhiệm. Mặc dù chỉ trích các biện pháp của người tiền nhiệm, Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ không hành động ngay lập tức để loại bỏ mức thuế 25% mà Mỹ đã áp đặt với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
“Tôi muốn đảm bảo rằng, chúng ta sẽ chiến đấu hết mình bằng cách tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, mạng 5G trong nước, nhằm tạo ra nhiều đòn bẩy hơn để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc, thay vì liên tục phàn nàn về nước này”, ông Biden nói.
Nhiều nhà phân tích đánh giá, suy cho cùng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump và chính sách “Cạnh tranh khắc nghiệt” của ông Biden về cơ bản không khác nhau. Tổng thống Biden và nhóm cố vấn của ông đã kế thừa quan điểm cứng rắn của chính phủ tiền nhiệm, chẳng hạn như thực hiện biện pháp “chia tách” khi đối phó với tham vọng về công nghiệp, chuyển giao công nghệ và chiến lược của Trung Quốc. Các lệnh cấm hiện tại của Mỹ đối với các công ty công nghệ Huawei, ZET và Xiaomi và ứng dụng Tiktok của Trung Quốc vẫn được duy trì thậm chí có thể siết chặt hơn. Điều này báo biệu ông Biden nhiều khả năng hướng tới một cuộc “Chiến tranh Lạnh về công nghệ” để khắc chế các công ty của Trung Quốc.
Bà Gina Raimondo, người được Tổng thống Biden đề cử giữ vị trí Bộ trưởng Thương mại tuyên bố: “Tôi sẽ sử dụng bộ công cụ ở mức tối đa để bảo vệ người Mỹ và mạng liên lạc của chúng ta khỏi sự can thiệp của Trung Quốc hoặc bất cứ tác nhân nào”.
Cùng chung quan điểm này, ông Biden cho rằng: “Khi các công nghệ mới định hình lại nền kinh tế và xã hội của chúng ta thì chúng ta cần phải đảm bảo những cỗ máy tiến bộ này bị ràng buộc bởi luật pháp, đạo đức và tránh một cuộc chạy đua xuống đáy – nơi các quy tắc của thời đại kỹ thuật số do Nga và Trung Quốc viết nên”. Khuyến khích các đồng minh của Mỹ thiết lập các tiêu chuẩn chung về công nghệ được coi là ưu tiên lớn trong việc gia tăng đòn bẩy của chính quyền Biden trước Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền Biden chưa nêu rõ lập trường về kinh tế đối với Trung Quốc, nhưng theo giới phân tích, cách tiếp cận theo hướng hợp tác về thương mại và công nghiệp chỉ được thực hiện khi các lợi ích của Mỹ được bảo vệ và tối đa hóa.
Trong lĩnh vực quốc phòng, ông Biden có kế hoạch tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Trump nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng về mặt quân sự của Trung Quốc. Điểm khác biệt ở đây là chính phủ mới có kế hoạch củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực, trong đó có nhóm “Bộ Tứ kim cương” để đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Và có lẽ nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ kiềm chế hơn khi thực thi các hành động quân sự.
Tổng thống Biden đã thể hiện những dấu hiệu sẽ củng cố các cam kết của chính phủ tiền nhiệm. Chỉ hai tuần sau khi nhậm chức, chính quyền Biden đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên ở Biển Đông và điều tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan. Tiếp đến ngày 9/2, Hải quân Mỹ điều hai tàu sân bay tập trận ở Biển Đông - dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính quyền mới trong việc duy trì “lập trường cứng rắn” với Bắc Kinh.
Mỹ điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tới Biển Đông tập trận hồi đầu tháng 2/2021. Nguồn: Japan Times.
Chưa hết, chỉ vài giờ trước cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Biden đã thông báo thành lập lực lượng đặc trách Trung Quốc trực thuộc Bộ Quốc phòng để xây dựng một chính sách toàn diện về Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, chính trị, quân sự, nhằm đảm bảo “nước Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong tương lai”.
Một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận của tân Tổng thống Biden là đề cao các giá trị dân chủ và tự do như một phần của “cuộc cạnh tranh khắc nghiệt” với Trung Quốc. Joe Biden và các cố vấn của ông đã hối thúc các đồng minh châu Âu và châu Á theo đuổi lập trường chung, nhằm lên án cách xử lý của Bắc Kinh đối với các vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan. Lập trường cứng rắn này đã được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định lại trên trang Twitter sau cuộc điện đàm với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì.
"Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ các giá trị dân chủ của chúng tôi và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng các hệ thống quốc tế", ông Antony Blinken nêu rõ.
Điểm thứ hai là Tổng thống Biden muốn tìm cách quay trở lại chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, như biến đổi khí hậu và dịch Covid-19. Ông Biden thể hiện sự sẵn sàng hợp tác đa phương như một cách để bù đắp sự thiếu hụt lớn nhất trong di sản của người tiền nhiệm.
Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đặc phái viên khí hậu của Mỹ, ông John Kerry nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu trọng tâm của ông là hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu, nhưng sự hợp tác này là mang tính độc lập và không thể được dùng để nới lỏng biện pháp trừng phạt với Trung Quốc.
Theo giới phân tích, quan hệ Mỹ -Trung là sự song hành giữa đối đầu và hợp tác, vì thế chính quyền Tổng thống Biden có lẽ phải cẩn trọng trong từng đường đi nước bước để khiến chính sách với Trung Quốc không nghiêng quá về một thái cực. Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế chính tại Financial Times, lưu ý rằng “kiềm chế Trung Quốc không phải là một phương án khả thi” và kiểu cạnh tranh khắc nghiệt thiên về tăng trừng phạt với Trung Quốc có thể không mang lại hiệu quả. Khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng gia tăng, sẽ khó cho Mỹ để thuyết phục các quốc gia khác, kể cả đồng minh đứng về nước này chống lại Bắc Kinh.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở tại Anh, Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Báo cáo cũng nhấn mạnh, cuộc cạnh tranh kinh tế và quyền lực mềm giữa hai cường quốc ngày càng gay gắt hơn, đại dịch Covid-19 đã và đang đẩy cuộc cạnh tranh theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Đây không phải là sự cạnh tranh đơn thuần giữa hai nền kinh tế độc lập, giữa hai hệ tư tưởng chính trị hay các phe phái quân sự mà là sự cạnh tranh để giành vị thế dẫn đầu trên toàn cầu và Mỹ có lẽ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giành thắng lợi trước Trung Quốc./.