Không ai sinh ra đã biết nói. Một đứa trẻ cần khoảng 1 năm để cất tiếng nói đầu đời. Nhưng để thành thạo tiếng nói đó đứa trẻ cần cả đời để học hỏi và trau dồi. 

Tiếng nói là phương tiện giao tiếp giữa con người với con người. Tiếng nói giúp con người hiểu nhau hơn và hiểu chính mình hơn. Tiếng nói đóng một vai trò nhiệm màu trong sự phát triển của xã hội và tiến hóa của loài người.

Suốt 77 năm qua, hàng ngàn phóng viên, biên tập viên, cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam qua nhiều thế hệ đã không ngừng làm việc để góp phần tạo nên vẻ đẹp lung linh của tiếng nói dân tộc.

Nhạc hiệu đầu ngày trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Trời đất ơi! Muốn tiếng nói chạm vào trái tim của người nghe thì tiếng nói của người phát thanh viên phải đi từ trái tim” – NSƯT Kim Cúc – cựu phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thốt lên.

Tháng 7/1967, NSƯT Kim Cúc được tuyển về Tổ Phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình phát thanh dành cho binh lính của chính quyền Sài Gòn là chương trình đầu tiên bà thể hiện cùng NSƯT Trần Phương. Có lẽ, ít ai có thể tưởng tượng cô văn công 23 tuổi ngày ấy sẽ trở thành một giọng đọc để lại nhiều dấn ấn của Đài Tiếng nói Việt Nam sau này.

NSƯT Kim Cúc là một trong những phát thanh viên đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975 trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau khi xe tăng của QĐND Việt Nam húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.

Nhưng chuyện này phải mãi 30 năm sau, chồng bà – khi ấy là người yêu và cũng là biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam mới biết được!

Với chất giọng trầm và chắc, bà thường được giao thể hiện các bản tin tức chiến sự. Đương nhiên, chẳng có tin nào khiến bà vui như tin chiến thắng: “Cúc ơi về đọc tin chiến thắng!” – Bà reo lên, nhắc lại tiếng gọi của đồng nghiệp năm nào.

“Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc. Ngày ấy toàn dân Thủ đô phải xuống hầm trú ẩn. Tôi vẫn đạp xe ngoài đường, tay vẫn cầm tờ giấy chứng nhận phát thanh hạng A của Đài Tiếng nói Việt Nam. Phải có giấy mới được thông đường!

Mà trời đất ơi, đang đi thì xe đứt xích! Xích xe nghiến chặt vào gấu quần. Ngày ấy, có được một cái quần đen tử tế là quý lắm, hiếm lắm mà phải xé toạc để kịp về đọc tin chiến thắng” – bà say sưa kể.

Lúc về đến 39 Bà Triệu – nơi có phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam, một tay bà cầm bản tin, tay kia vẫn cầm miếng quần bị xích nghiến nát!

Bản tin kết thúc, bà đạp xe về nhà. Bà chẳng nhớ được gì ngoài chuyện chiếc xe đạp như đang bay.

Nếu ca sỹ có nhạc sỹ viết nhạc thì phát thanh viên…chỉ có tờ giấy trắng nhưng họ vẫn cần tạo ra âm nhạc. Họ tạo ra âm nhạc bằng âm điệu và cảm xúc trong giọng nói.

“Không có một loại nhạc cụ nào có khả năng thể hiện cảm xúc như giọng nói của con người đâu. Không tiếng đàn piano, không tiếng kèn trumpet,… nào thay thế được đâu.

Muốn thế, phát thanh viên phải kỳ, phải miết từng con chữ! Phải nhập tâm, nhập hồn vào văn bản. Tiếng nói phải xuất phát từ trái tim, có trầm có bổng! 

Trời đất ơi, tiếng nói phải như tiếng hát!” – bà như hát lên.

Muốn làm một phát thanh viên tốt, không thể dửng dưng với văn bản, không thể dửng dưng với nhân vật. Phải sống và hòa mình làm một cùng nhân vật rồi thể hiện tất cả những chất chứa ấy bằng giọng nói. 

“Chả thế mà chị em chúng tôi bảo nhau, cứ vào phòng thu là như lên đồng!” – bà bảo chồng ở ngoài phòng thu cũng chẳng biết, con ở ngoài cũng chẳng biết. Tiếng khóc của con cũng vào đến tai đấy nhưng chỉ dừng ở đó thôi. Vào phòng thu, chỉ còn bà và văn bản.

Thu xong, đôi lúc “hồn vẫn chưa về”. 

Sức mạnh trong tiếng nói của bà là sự truyền cảm.

- Bà ơi, thế trong những phát thanh viên ngày ấy, bà thích giọng ai nhất?

- Ông Trần Phương. Chao ôi, cái giọng của ông ấy đẹp lắm. Con gái mà nghe thì chỉ có đổ hết!

Phát thanh viên của Đài quốc gia mà tình cảm còn lông bông thì không thể nào đọc tốt được.

Làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam khi mới 23 tuổi (1/1/1957), tên tuổi NSƯT Trần Phương gắn liền với chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Ông là một trong 4 giọng đọc miền Nam đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. NSƯT Trần Phương cũng là người thể hiện Hiệp định Paris trên sóng phát thanh vào năm 1973 tại Côn Minh, Trung Quốc. “Trời ơi, nhớ lắm chứ! Xúc động lắm chứ!” – Ông nhớ lại bản Hiệp định chấm dứt gần 20 năm chiến tranh chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Lúc ấy là 9:00 tối.

Ông cho rằng một phát thanh viên giỏi phải có bản lĩnh chính trị ở trong giọng nói. Bản lĩnh chính trị ở đây không phải một thứ gì cao siêu hay xa vời gì đâu, đó chính là tình yêu nước. 

“Anh phải dứt khoát yêu quê hương đất nước, yêu chế độ mà anh đang sống thì giọng anh mới chững chạc được. Nếu không, anh chỉ đọc khơi khơi, câu chữ chỉ ở trên không khí thôi, không đi vào lòng người được. Mà người nghe họ biết chứ!

Họ biết giọng đọc của anh không có tình cảm để họ ghé vào, để họ tin tưởng” –NSƯT Trần Phương nhấn mạnh.

Lòng yêu nước của phát thanh viên không thể cho có và hời hợt. Lòng yêu nước của họ phải hơn người bình thường, “phải chân thành và sâu nặng” thì tiếng nói mới toát ra sức nặng. Phát thanh viên là nghệ sỹ nhưng cũng là chiến sỹ.

Có bản lĩnh chính trị rồi, phát thanh viên cần có trình độ văn hóa, vốn sống và một tâm hồn đẹp nữa. Đó là bản lĩnh sống.

“Bởi đó là những yếu tố quyết định tới trình độ cảm nhận văn bản của một người phát thanh viên. Hiểu được mới đọc được, mới xúc cảm và thu phục người nghe được.

Cái mà mình không hiểu thì không thể nào mình đọc khúc chiết được, đọc hay được. Còn nếu mình hiểu, mình thú vị chỗ đó rồi thì mình đọc lên, người nghe cũng thú vị cùng mình” – NSƯT Trần Phương cho rằng hiểu biết và cảm xúc của phát thanh viên không chỉ là yếu tố cá nhân. Đó là hiểu biết và cảm xúc của giọng đọc, của tiếng nói.

Tiếng nói này kết nối, đồng điệu và ảnh hưởng trực tiếp tới hiểu biết và cảm xúc của người nghe.

Đêm nào nghe chú đọc, cháu thấy ngày thống nhất gần lắm rồi.

“Năm đó có một cô du kích ở Trà Vinh viết thư cho tôi. Cô ấy viết: “Đêm nào nghe chú đọc, cháu thấy ngày thống nhất gần lắm rồi” – giọng ông gằn lên không kìm được xúc động.

“Như vậy là thấy được vai trò của Đài, của tiếng nói trong đời sống tình cảm, trong niềm tin của đồng bào miền Nam suốt những năm kháng chiến” – NSƯT dịu giọng: “Đó là những điều quý giá nhất đối với một phát thanh viên”.

Trước khi được tuyển dụng vào Tổ Phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Trần Phương từng có hai năm chiến đấu trên chiến trường. Có lẽ bởi vậy mà giọng đọc của ông có một sức lay động đặc biệt tới các chiến sỹ, đồng bào đang chiến đấu tại miền Nam. Ông đã lấy vốn sống, trải nghiệm của mình để tạo ra sức nặng trong giọng đọc Trần Phương suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.

Sau 55 năm, hôm nay một lần nữa hai người xướng lại lời dẫn của chương trình huyền thoại năm nào…qua điện thoại.

Lời xướng chương trình cho binh lính của chính quyền Sài Gòn do NSƯT Kim Cúc và Trần Phương thể hiện.

“Bác ơi, bác à! Là những ngôn ngữ không loại hình báo chí nào có, ngoài phát thanh. Đây là những sợi dây vô hình để kéo thính giả lại” – phóng viên Kiều Thanh Phượng tin rằng chân thật, gần gũi là một trong những thế mạnh đặc biệt mà tiếng nói có thể truyền tải.

"Bác ơi, bác à"

Ngày 1/10/2007, phóng viên Kiều Thanh Phượng bắt đầu làm việc tại Ban Văn hóa Xã hội (VOV2) thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy chị mới 24 tuổi. Sau 15 năm công tác, hiện tại Kiều Thanh Phượng là một trong số nhiều giọng đọc ở VOV2 đã tạo nên thương hiệu cho chương trình Chuyện thầm kín.

“Chuyện thầm kín là một phong cách rất riêng” – Chuyện thầm kín với Thanh Phượng là những câu chuyện rất tâm tình, rất tự sự. Chất tâm tình không chỉ xuất hiện trong nội dung của chương trình hay lối hành văn của người viết mà còn được thể hiện trong giọng nói người dẫn.

Phóng viên Kiều Thanh Phượng

“Hạ một tông giọng với thính giả cũng là một cách để mình gần với họ hơn. Mình đưa đẩy, thay đổi cách xưng hô để người nghe, người tham gia chương trình có cảm giác đang nói chuyện với một người thân trong gia đình.

“Bác ơi, bác à” là những ngôn ngữ không loại hình báo chí nào có, ngoài phát thanh. Đây là sợi dây vô hình kéo thính giả lại, để họ cảm thấy mình đang được trò chuyện với một người rất hiểu mình, đang đón đợi mình” – Chị cho rằng đó là những câu nói mang tính giao lưu, giao đãi rất đời thường nhưng cần thiết trong một chương trình phát thanh.

Chính điều khác biệt này tạo ra sự gắn kết, kết nối tính chân thật trong giọng nói, tạo ra thế mạnh đặc biệt của các chương trình phát thanh: Sự chân thật.

Sự chân thật này được xây dựng từ nhiều cá tính khác nhau.

Nếu như phát thanh viên có một chất giọng trời phú thì cá tính của giọng đọc là sự khác biệt của các phóng viên, biên tập viên. Họ phải tự thể hiện tác phẩm của mình bằng cá tính của mình.

Cá tính của giọng đọc là thứ có sẵn nhưng cũng phải được rèn giũa và định hình qua thời gian. Cá tính giọng đọc cũng gắn liền với phong cách viết của mỗi người.

“Có những người viết câu ngắn thì giọng đọc trên sóng cũng rất thủng thẳng. Và ngược lại”. Thanh Phượng cho rằng chính sự khác nhau trong cá tính của các giọng đọc khiến cho khán giả thích thú và có ấn tượng với những giọng đọc đặc biệt.

 “Anh Phạm Trung Tuyến của VOV Giao thông là một người như thế. Giọng anh rất khàn, cột hơi cũng không khỏe. Nhưng khi chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi lên sóng những số đầu tiên, nhiều thính giả đã rất mê…không, phải nói là say đắm chất giọng của anh Tuyến!

Đó là một chất giọng trìu mến, chỉ nghe thấy thôi người ta đã thấy sự sẻ chia, sự chân thành trong đó rồi” - chị cất giọng thủ thỉ.

Cá tính giọng đọc cũng giống như cá tính con người là phần bản năng sinh ra đã có nhưng cũng cần thời gian rèn luyện và ổn định, cá tính trong giọng đọc đó mới trở thành phong cách.

- Thế còn cá tính trong giọng đọc của chị thì sao?

- Thủ thỉ, nhẹ nhàng.

Vào một ngày nắng đổ lửa, phóng viên Nguyễn Huy Hoàng - kênh VOVGT nhảy lên cabin một xe container đang xếp hàng mòn mỏi vì tắc đường. Anh bật micro, nối cầu, lập tức thực hiện một chương trình phát sóng trực tiếp trong chiếc cabin chật hẹp. Số hotline VOVGT liên tục đổ chuông, fanpage liên tục cập nhập bình luận mới. Chương trình ấy đã trở thành một hiện tượng.

“Sự kết nối ở đây không đơn thuần là sự kết nối giữa phóng viên và tài xế trong carbin nữa vượt lên trở thành kết nối từ các tài xế khác khắp các điểm cầu trên cả nước” – anh Hoàng nói.

Nguyễn Huy Hoàng bắt đầu làm việc tại kênh VOV GT ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2009). Năm đó, anh mới 25 tuổi. “Một thằng Hoàng không còn máu lửa như những năm 20 tuổi, nhưng luôn muốn đưa hơi thở cuộc sống vào trong tác phẩm của mình” - anh Hoàng ở độ tuổi gần 40 nói./.


Chỉ đạo sản xuất: Ngô Thiệu Phong

Nội dung: Thi Uyên

Trình bày: Hà Phương

Thứ Tư, 06:53, 07/09/2022