Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp điện ảnh thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng với thiệt hại nặng nề. Các chủ rạp, nhà phát hành phim lớn như AMC, Cinemark,…lao đao khi phải đóng cửa, không có nguồn thu, thậm chí nhiều nơi phải tuyên bố phá sản. Các bộ phim kinh phí lớn của Hollywood liên tiếp dời lại vào cuối năm, hoặc thậm chí lùi sang năm 2021.

Tuy nhiên, 2 bộ phim bom tấn lớn nhất trong năm vẫn trụ vững là “Mulan” của Disney và “Tenet” của Warner Bros. Hai bộ phim với hai chiến lược phát hành cùng tầm nhìn cạnh tranh khác biệt có thể quyết định số phận tương lai ngành công nghiệp điện ảnh thế giới.

Nhiều chuyên gia dự đoán, kể cả khi kiểm soát đại dịch Covid-19 thì ngành điện ảnh cũng mất thời gian rất dài để phục hồi như ban đầu. Tại một số quốc gia, các rạp chiếu đã dần mở cửa trở lại nhưng việc trở lại kinh doanh bình thường vẫn là vấn đề nan giải.

Tâm lý nghi ngại, thói quen thưởng thức thay đổi, cùng với đó là sự vắng bóng những tựa phim hấp dẫn đã hạn chế khách đến rạp xem phim. Trạng thái bất định này càng kéo dài, vị thế của phim chiếu rạp càng yếu đi trước sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng trực tuyến.

Thực tế, các rạp chiếu bóng ở châu Âu và châu Á đã bắt đầu mở cửa trở lại và đang rất cần phim mới, đặc biệt là phim Hollywood. Không có phim mới, phòng vé sẽ còn tối đèn, kéo rạp chiếu bóng trên toàn thế giới và các hãng phim đi xuống.

Nếu có tác phẩm điện ảnh nào có thể thu hút được khán giả đến rạp sau nhiều tháng cách ly xã hội, thì đó chính là bom tấn đến từ nhà làm phim của “The Dark Knight”, “Inception” và “Dunkirk”.

Vì thế, thay vì nằm im chờ dịch bệnh trôi đi, hãng Warner Bros. quyết định sẽ ra mắt “Tenet” từ ngày 26, 28/8 tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm Australia, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam,... Với thị trường Bắc Mỹ, khán giả phải chờ đến 3/9 để có thể thưởng thức bộ phim. Tuy nhiên chưa rõ phim sẽ ra mắt tại rạp chiếu nào ở Mỹ. Thật khó có thể tưởng tượng được việc ra mắt bom tấn trị giá 225 triệu USD mà không có toàn bộ thị trường chiếu phim ở Mỹ, dẫn đầu là Los Angeles, New York, San Francisco và Chicago.

Điều này sẽ thay đổi phương thức phát hành truyền thống bởi Bắc Mỹ vốn được cho là thị trường phim hàng đầu. Nhưng Warner Bros. hy vọng việc phát hành "Tenet" sẽ đổi mới và hiệu chỉnh lại phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Các chuyên gia nhận định quyết định ra mắt “Tenet” ở các thị trường khác ngoài Mỹ trong thời điểm này là một nước đi dũng cảm của Warner Bros.

Ngành công nghiệp điện ảnh đã kiên nhẫn chờ đợi thị trường hàng đầu của mình kiểm soát được sự lây lan của đại dịch Covid-19 nhưng điều đó là không thể khi số ca nhiễm gia tăng nhanh trên khắp nước Mỹ. “Đây là rủi ro lớn cho Warners vì họ đã chi 200 triệu USD để thực hiện bộ phim này. Có rất nhiều điều còn mơ hồ về tương lai nhưng ngành kinh doanh phim ảnh không thể cứ đứng yên mãi”, Eric Handler của MKM Partners nói.

Kế hoạch này của Warner Bros. nhận được sự ủng hộ không chỉ từ chủ rạp chiếu lớn nhỏ trên khắp thế giới mà còn từ những người hâm mộ điện ảnh. Sau nhiều tháng thiếu vắng các bộ phim bom tấn, ai cũng sẵn sàng cho trải nghiệm giải trí tại rạp với màn hình lớn với hệ thống âm thanh sống động. Giám đốc điều hành của Regal Cinemas, Mooky Greidinger chia sẻ với USA Today: “Khán giả rất thích đi xem phim, và muốn được xem phim. Không ai muốn ở nhà cả tuần bảy ngày. Người ta muốn tận hưởng quãng thời gian vui vẻ”.

Bên cạnh đó, là một người yêu thích điện ảnh và luôn cố gắng bảo vệ trải nghiệm rạp chiếu, Nolan nghiêm túc với việc giữ vững mô hình phát hành này để khán giả có thể cảm nhận được bộ phim một cách chân thực nhất.

Trong khi các hãng phim đang định lại đường đi nước bước cho một số ít phim nhỏ hơn lựa chọn phát hành trên các hạ tầng phát trực tuyến. Người hâm mộ điện ảnh có thể thích ý tưởng về phim bom tấn được phát hành trên một ứng dụng phát trực tuyến mà họ đã có. Nhưng dù có tạo ra ít doanh thu hơn so với trước, các rạp chiếu vẫn là nơi hoàn hảo cho phim bom tấn. Thành công của “Tenet” sẽ giúp các hãng phim khác cảm thấy vững tin hơn khi quyết định ra mắt phim mới của họ vào nửa cuối năm 2020 và năm 2021.

Khác với "Tenet" vẫn mạo hiểm ra rạp thì Disney quyết định từ bỏ việc phát hành "Mulan" tại các rạp phim Bắc Mỹ và sẽ phát hành trên nền tảng trực truyến Disney+ với mức giá thuê 29,99 USD (tương đương gần 700.000 VND) từ 4/9. Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ dịch vụ trực tuyến Disney+ chưa xuất hiện, bộ phim của Lưu Diệc Phi vẫn được phát hành ngoài rạp dựa trên tình hình thực tế của dịch Covid-19.

Giữa thời điểm dịch bệnh vẫn đang hoành hành, chiến lược này của Disney được cho là hợp lý, vừa bảo vệ an toàn cho khán giả, vừa “vớt vát” được chút doanh thu vốn đã quá ế ẩm. Tuy nhiên, quyết định này của Disney vấp phải sự phản đối gay gắt của các chủ rạp chiếu. Hình ảnh một chủ rạp chiếu nhỏ ở Pháp đập phá poster của “Mulan” đã gây xôn xao dư luận.

Trong bài phỏng vấn với trang Deadline, chủ rạp chiếu này bày tỏ sự chán nản, tuyệt vọng của mình: “Nếu không có Mulan, chúng tôi cũng mất đi cơ hội mời khán giả đến rạp để trải nghiệm bộ phim được trông chờ từ lâu, đồng thời giúp chúng tôi vượt qua những tuần khó khăn này”. Dù không cố tình nhưng Disney đã tước đi cơ hội hồi phục của nhiều rạp chiếu trên thế giới.

Để trấn an dư luận, CEO Bob Chapek cho biết Disney không quay lưng lại với phương thức phát hành truyền thống, mà chỉ thử tiếp cận khán giả kiểu mới phù hợp với tình hình thực tế. Chuyển “Mulan”, một bộ phim trước Covid-19 dự kiến có thể thu về doanh số 1 tỷ USD trên toàn cầu sang phát hành trực tuyến là sự thay đổi triệt để đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Eric Handler của công ty phân tích MKM Partners nhận định: "“Mulan” là một bài thử lớn, chiến lược có phần liều lĩnh, thậm chí là một cú sốc nếu so sánh với "Tenet" của Waner Bros.”.

Về cơ bản, Disney đã tạo ra một dịch vụ phát trực tuyến của riêng mình, mang lại cho Disney 100% doanh thu bán hàng, kiểm soát 100% cách người ta xem phim và 100% dữ liệu người dùng. Vì thế đội ngũ Disney muốn theo dõi xem liệu công chúng có chịu bỏ ra một số tiền lớn để thưởng thức một bom tấn lẽ ra được phát hành ngoài rạp tại nhà riêng hay không.

Đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho sự lên ngôi của các dịch vụ phát trực tuyến, thúc đẩy các xu thế lẽ là sẽ xảy ra trong nhiều năm tới, lại xảy ra chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây.

Cách đây vài tháng, Disney sẽ không bao giờ chuyển “Mulan” sang Disney+ vì rạp chiếu quá quan trọng đối với hãng phim. Năm ngoái, Disney đã kiếm được 13,2 tỷ USD, chiếm gần 30% trong tổng số 42,5 tỷ USD doanh thu phòng vé toàn cầu của ngành.

Chủ tịch Alan Horn từng khẳng định việc phát hành tại rạp vẫn mang lại rất nhiều lợi nhuận cho Disney, và vì việc làm phim rất tốn kém nên rạp chiếu là cần thiết. Đó cũng là lý do tại sao, ở những thị trường không có Disney+, Disney vẫn sẽ phát hành “Mulan” tại rạp.

Thế nhưng sự mong manh của phương thức phát hành truyền thống trước những biến động của xã hội khiến các hãng phim buộc phải thoả hiệp với các hạ tầng trực tuyến.

"Mulan" là dự án có mức kinh phí khủng lên tới 290 triệu USD vì thế Disney sẽ không mạo hiểm phát hành mà không thu về lợi nhuận. Trong khi đó nền tảng trực tuyến Disney+ hiện có khoảng 60,5 triệu thuê bao. Nếu con số người dùng sẵn sàng bỏ tiền để xem "Mulan" lên tới 50%, doanh thu là 906 triệu USD. Cùng với đó, việc phát hành trực tuyến sẽ giúp Disney kiểm soát toàn bộ số tiền, chứ không phải chia 50% cho rạp chiếu như lối phát hành truyền thống. Vậy chẳng có lí do gì để Disney bỏ qua một nguồn doanh thu mới khi đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế bất ổn.

Chiến lược của “Mulan” có vẻ khả thi và mang về lợi nhuận cao nhưng ai sẽ đồng ý với mức giá thuê cao ngất ngưởng (700.000 VNĐ) cho một bộ phim live-action dựa trên phim hoạt hình?

Mức giá thuê không chỉ là chướng ngại lớn nhất đối với Nhà Chuột. Cùng với đó, ngay tại thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới là Trung Quốc, “Mulan” cũng gặp khó khăn trăm bề. Nơi đây mới mở cửa có 7.100 rạp, chiếm 65% tổng số rạp trên toàn quốc. Theo báo cáo mới nhất, tổng doanh thu phòng vé tại đây mới chỉ đạt khoảng 17,6 triệu USD. “Disney cần “Mulan” phải thắng lớn ở Trung Quốc” nhưng với bối cảnh hiện tại, “Mulan” chắc chắn sẽ không thể thu hồi vốn nếu chỉ phát hành ở rạp.

Cũng như “Mulan”, “Tenet” phải đối mặt với vô số rủi ro khi bước ra rạp. Đối với một bom tấn có ngân sách lớn như “Tenet” thì việc phát hành trực tuyến là không hợp lý bởi sẽ không bao giờ có thể thu hồi vốn đầu tư vào chi phí sản xuất và tiếp thị.

Việc mở màn lệch khiến phim trở thành món mồi béo bở cho nạn sao chép lậu hay chẳng ai có thể dự đoán được “Tenet” sẽ kiếm được bao nhiêu tiền so với kinh phí sản xuất lên đến 205 triệu USD nhưng sau nhiều tháng không có doanh thu, các hãng phim và chủ rạp chiếu sẵn sàng nắm lấy cơ hội.

Giống như nhiều loại hình kinh doanh khác, rạp chiếu phim đang trong tình trạng tuyệt vọng trước sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ trực tuyến. Nhưng phải khẳng định, rạp chiếu phim sẽ không biến mất. Các hãng vẫn muốn chiếu những bộ phim lớn nhất của họ ở rạp. Tuy nhiên sẽ cần nhiều hơn một bộ phim như “Tenet” để giúp ngành kinh doanh này tồn tại và phát triển.

Nếu việc phát hành của “Tenet” có thể khuyến khích nhiều hãng phim tự tin ra rạp trong đại dịch, tôn vinh giá trị điện ảnh truyền thống thì sự thay đổi nền tảng của “Mulan” có thể mở đường cho nhiều bộ phim bị trì hoãn khác đến được với công chúng.

Hollywood sẽ được chứng kiến màn đối đầu mang tính quyết định của hai chiến lược phát hành trong tuần tới. Cuộc chiến không đơn giản là hãng phim nào sẽ mất vài trăm triệu USD cho một bộ phim kinh phí khủng mà điều này còn quyết định tương lai của ngành điện ảnh, phương tiện xác định nền văn hóa đại chúng từ thế kỷ 20./.


Thứ Tư, 06:00, 26/08/2020