Đã qua Quý III của năm 2020, dịch Covid-19 thực sự cho thấy sức ảnh hưởng lớn đến doanh số ô tô trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, thị trường đang ấm dần lên sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, đồng thời các hãng xe cũng tích cực đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và giảm giá mạnh.

Trong 9 tháng năm 2020, người Việt Nam đã nhiều lần chứng kiến cảnh Covid-19 “đến rồi đi”, khiến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế xã hội phải chịu cảnh khó khăn. Trong đó, lĩnh vực ô tô cũng ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt trong làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 ở nước ta.

Theo đó, doanh số ô tô lao dốc mạnh tháng 4/2020 khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội để tránh lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trước đó, nhiều nhà máy lắp ráp cũng phải lần lượt đóng cửa như: Ford, Toyota, TC Motor, Honda,… Song song với đó, các đại lý gần như cũng ngừng bán hàng trong giai đoạn trên.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19, nguồn thu nhập không ổn định đã khiến nhiều người phải tiết kiệm chi tiêu. Các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhiều, khiến lượng ô tô mua để phục vụ cho công việc cũng không nhiều như trước đây.

Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp và khiến doanh số ô tô 9 tháng  năm 2020 của Việt Nam sụt giảm rất mạnh. Theo báo cáo từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô bán ra của toàn thị trường tính đến hết tháng 9/2020 chỉ đạt 179.155 chiếc, giảm 22% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước giảm 17% và xe nhập khẩu giảm 33%.

Giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái chính là Ford với 35%, khi doanh số chỉ đạt 15.261 chiếc, tiếp theo là Honda với 16.520 chiếc bán ra – giảm 31%. Ngoài ra, Toyota có số lượng xe bán ra sụt giảm lớn nhất, doanh số 9 tháng năm nay ít hơn 15.731 chiếc (tương đương giảm 28%).

Lĩnh vực ô tô cũng ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt trong làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 ở Việt Nam

Trái lại, Suzuki và Isuzu là 2 hãng xe duy nhất tăng trưởng, lần lượt ở mức 11% và 4%. Một điều khá kỳ lạ, chủ yếu các sản phẩm của 2 thương hiệu này bán ra ở Việt Nam đều được nhập khẩu.

Dù vẫn còn khoảng cách lớn về doanh số bán ô tô so với năm ngoái (và gần như không thể san bằng trong năm nay) nhưng những thành công liên tiếp của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 trong cộng đồng đã giúp thị trường có chút khởi sắc trong thời gian gần đây. Điều đó không chỉ đến từ chiến lược của các hãng xe mà còn nằm ở chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Trước tình hình thị trường sụt giảm và nhận thấy khó khăn của nhà sản xuất ô tô, Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp đưa ra những chính sách hỗ trợ giúp kéo người tiêu dùng tích cực “đến thăm” đại lý hơn và hỗ trợ các hãng xe có nhà máy lắp ráp trong nước trong giai đoạn cuối năm.

Ngay từ cuối tháng 5, chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, thuế nhập khẩu được ưu đãi về mức 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, và quan trọng nhất là việc gỡ bỏ yêu cầu về sản lượng ô tô chung và sản lượng một mẫu xe mà doanh nghiệp phải cam kết lắp ráp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa cũng được hưởng lợi từ Nghị định 109/2020/NĐ-CP về vấn đề gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được ban hành vào tháng 9 vừa qua. Theo đó, thời hạn nộp thuế TTĐB thuộc kỳ tính thuế của các tháng từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay đã được hoãn lại một thời gian, giúp nhiều hãng xe chủ động hơn về tài chính.

Tuy nhiên, chính sách được nhiều ý kiến cho rằng có tác động mạnh mẽ nhất và hỗ trợ lớn nhất chính là quy định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp nội địa theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP kể từ ngày 28/6 đến hết ngày 31/12/2020.

Điều này đã kích thích người tiêu dùng mua xe nhiều hơn, đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Trước đây, mức lệ phí trước bạ đăng ký cho dòng xe này tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%. Sau khi áp dụng mức thu mới, khách hàng sẽ chỉ phải nộp lệ phí trước bạ từ 5% đến 6%; nhờ đó, họ sẽ tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy loại xe.

Đáng chú ý, chính sách này không chỉ có tác động đến các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước mà còn khiến những hãng xe nhập khẩu khác phải tìm cách giảm giá hoặc hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Tất cả đều mang lợi ích cuối cùng về cho người tiêu dùng.

Sau nhiều tháng chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường ô tô cuối năm được các chuyên gia dự báo sẽ có nhiều biến chuyển lớn nhờ nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ và các hãng xe.

Đồng thời, theo giới kinh doanh, khoảng thời gian cuối năm là lúc cao trào nhất của thị trường ô tô khi nhiều gia đình dồn tiền để mua sắm. Chính vì vậy, ở thời điểm này khi dịch Covid-19 đã tạm được khống chế và nhiều chính sách của Chính phủ ưu đãi, giá xe giảm sẽ là khoảng thời gian rất tốt để các hãng xe chạy đua doanh số.

Cùng với đó, do hỗ trợ rất lớn cho các nhà sản xuất và lắp ráp trong nước, nên nhiều hãng xe đã nhanh chóng chuyển đổi những mẫu xe mới từ nhập khẩu sang lắp ráp nội địa để hưởng lợi nhiều hơn.

Điển hình trong số đó là phiên bản mới của Honda CR-V và Mitsubishi Xpander – những mẫu xe đang rất “hot” và thường xuyên nằm trong top bán chạy ở Việt Nam. Hai hãng xe Nhật Bản đã vượt qua nhiều khó khăn để xuất xưởng ô tô tại Việt Nam sớm nhất có thể.

Ngoài ra, còn có những mẫu xe lắp ráp mới khác cũng được giới thiệu trong thời gian gần đây như: Fortuner và Innova của Toyota; EcoSport của Ford hay Seltos của Kia. Nhiều mẫu xe mới được trình làng ở thị trường Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng đa dạng hóa trong việc lựa chọn mua xe trong giai đoạn cuối năm.

Dự kiến, trong một vài tháng tới, thị trường Việt Nam cũng sẽ chào đón thêm một số mẫu xe mới, gia tăng sức cạnh tranh như: Honda City, hay có thể cả Kia Morning và Nissan Sunny.

Trong khi đó, thị trường ô tô Việt Nam càng đến cuối năm càng sôi động khi vô số ưu đãi và khuyến mại được tung ra để thu hút khách hàng tốt hơn.

Nếu trong khoảng thời gian giữa năm, khách hàng mua ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước chủ yếu chỉ liên quan đến lệ phí trước bạ, thì đến cuối năm, các hãng xe đã thực hiện ưu đãi đa dạng, từ hỗ trợ phí, tặng phụ kiện đến tặng tiền mặt khi mua xe. Điều này giúp người mua xe tiết kiệm được cả vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Ngay những mẫu xe ít khi được ưu đãi trước đây như Toyota Vios hay Honda CR-V cũng được giảm giá hàng chục triệu đồng, gây bất ngờ cho không ít người quan tâm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này vẫn chưa phải lúc người tiêu dùng mua hàng mạnh nhất, họ vẫn đang có ý định chờ đợi những khuyến mại lớn hơn trong giai đoạn tới để chính thức xuống tiền.

Đó cũng là điều không quá khó hiểu khi cuối năm cũng là thời điểm các hãng xe thực hiện những đợt khuyến mại khủng nhất để đẩy bớt hàng tồn kho và hoàn thành chỉ tiêu của năm. Trong khi đó, thị trường ô tô năm 2020 sụt giảm quá mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên ưu đãi cuối năm nay lớn hơn cũng khá hợp lý.

Trong giai đoạn cận Tết, với việc chính sách hỗ trợ từ nhà nước rất tốt, ưu đãi khủng từ các hãng xe và tâm lý của người tiêu dùng sau khoảng thời gian chờ đợi, chắc chắn thị trường ô tô Việt Nam sẽ rất sôi động, được kỳ vọng có thể tạo nên một điều bất ngờ, thậm chí chấn động trong 3 tháng tới./.


Tác giả: Gia Linh - Trình bày: Quang Huy/VOV.VN

Thứ Sáu, 08:00, 13/11/2020