Với mục tiêu đưa thị trường vàng phát triển lành mạnh và đúng hướng, gắn kết mật thiết cũng như đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý, điều tiết bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Điều dễ thấy là từ khi áp dụng Nghị định 24, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua - bán vàng. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế dần được ngăn chặn, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán… Các ngân hàng thương mại (NHTM) không được phép huy động, cho vay vàng, sử dụng vàng làm tài sản có và đưa vào bảng cân đối tài sản. Nhờ đó, giá vàng không bị chi phối hay điều khiển bởi nguồn vàng huy động của các NHTM – vốn là nguyên nhân tạo ra những cơn sốt giá vàng ngoài vòng kiểm soát.
Ngoài ra, các DN kinh doanh vàng đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh, mua bán vàng miếng, từ đó tập trung phát triển sản xuất vàng trang sức - mỹ nghệ theo định hướng của NHNN. Nhiều DN đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để sản xuất vàng trang sức - mỹ nghệ thu hút nhiều lao động và tạo thêm công ăn việc làm...
Tuy nhiên thực tế hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lưu thông vàng tại Việt Nam đang xuất hiện một số bất cập đáng lo ngại. Việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ duy trì 1 thương hiệu vàng miếng SJC đã khiến giá vàng thương hiệu này bị đẩy lên khá cao, có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới trên 20 triệu đồng/lượng.
Việc độc quyền 1 thương hiệu vàng miếng cũng đồng thời tạo ra chênh lệch vô lý giữa giá vàng miếng thương hiệu SJC so với vàng miếng các thương hiệu khác cùng phẩm cấp. Nhiều người dân cho biết, họ muốn cất giữ vàng nhưng không còn cách nào khác là phải bán vàng các thương hiệu khác với giá thấp, để tích lũy vàng miếng SJC có những thời điểm giá bán cao hơn gần 15 triệu đồng/lượng. Chính sách độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Ngoài ra, yếu tố cung cầu của thị trường chưa được xem xét dẫn đến bế tắc trong sản xuất lưu thông cho DN, dễ tạo ra khan hiếm cung - cầu giả tạo. Như bày tỏ của vị Chủ tịch DN kinh doanh vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), các DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi kinh doanh vàng miếng. Họ cũng không được cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu ngày càng tăng nên phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mua hàng nhập lậu vừa rủi ro cho DN vừa tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển.
“Một số DN vàng trang sức không vay được vốn ngân hàng, không có nguyên liệu sản xuất nên phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Năng lực sản xuất của các DN vàng trong nước sụt giảm trong khi hàng trang sức từ nước ngoài mẫu mã đẹp, giá rẻ dẫn đến các DN trong nước tụt hậu với thế giới, khó có thể cạnh tranh được và bắt buộc phải trở thành đại lý của các DN vàng nước ngoài”, vị này nói.
Cùng chỉ ra điểm tích cực của Nghị định 24 sau hơn 10 năm áp dụng chính là đã chống được “vàng hóa” nền kinh tế, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu hài lòng khi thị trường không còn vấn nạn người dân đổ xô đi mua – bán vàng trong những thời điểm nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của quốc gia. Đồng thời khẳng định, việc người dân lựa chọn mua và cất giữ thương hiệu vàng nào, có giá trị cao hay thấp hoàn toàn thuộc về quyền riêng của người dân và Nhà nước không can thiệp vào lĩnh vực này.
Song nhìn nhận từ thực tế, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận thấy hiện nay, giá vàng thương hiệu SJC luôn ở mức cao trong khi nguồn vàng nguyên liệu lại rất hạn chế, do đó cần thiết phải điều chỉnh một vài quy định của Nghị định 24. Cụ thể từ lâu nay, NHNN vẫn là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng, như vậy vô hình chung đã tạo ra một chiếc van hạn chế cho nguồn vàng nguyên liệu. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, NHNN nên cho phép một vài DN sản xuất và kinh doanh vàng có uy tín, cũng như có khả năng tài chính được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu góp phần làm cân bằng thị trường.
“Khi thị trường vàng được cân bằng, chênh lệch giá vàng sẽ hợp lý hơn hiện nay nhất là khi giá vàng SJC luôn ở mức cao so với giá của các thương hiệu vàng khác. Đặc biệt, trong khi giá vàng thế giới luôn biến động nhưng giá vàng trong nước vẫn luôn duy trì đều khoảng chênh lệch cao hơn từ 15 – 20 triệu đồng/lượng là một điều vô lý, nên nhất thiết phải mở van nhập khẩu vàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Sau hơn 10 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ những bất cập, nhất là tại thời điểm này không còn phù hợp và cần phải thay đổi để cả người dân, DN, thị trường và nền kinh tế cùng hưởng lợi.
Nhận xét thị trường vàng Việt Nam đang được quản lý theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông cho rằng, chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng SJC đã tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng. Trong điều kiện hội nhập và thị trường mở cửa, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách đóng cửa đối với loại hàng hóa này.
“Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có một Ngân hàng Trung ương nào có chính sách duy trì 1 thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Theo Nghị định 24, NHNN vừa thực hiện chức năng sản xuất và kinh doanh vàng vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng, dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý Nhà nước của NHNN”, ông Long nhận xét.
Ngoài ra theo ông Long, việc Nhà nước cấm hoàn toàn giao dịch của sàn vàng, các sàn vàng mở trái phép, gây khó khăn cho việc quản lý. Hơn nữa, việc cấm giao dịch vàng kỳ hạn, chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí cho DN. Với cách làm như hiện nay thì Nhà nước chưa thể huy động được một lượng lớn vàng trong dân.
“Tình trạng thị trường vàng trong nước không liên thông về giá với thị trường vàng thế giới đã diễn ra trong thập kỷ qua, nhưng ngày một trầm trọng hơn vì chính sách đã tạo ra sự độc quyền lớn hơn sau rất nhiều “cải cách”. Từ sự quản lý như vậy dẫn đến hệ quả chung là thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới, vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược”, theo ông Long.
Cần đánh giá tổng kết hiệu quả và những tồn tại bất cập của Nghị định 24 trong thời gian qua, từ đó có thể nghiên cứu sửa đổi nghị định trong thời gian sớm nhất, phù hợp với tình hình thực tế theo hướng đề cập toàn diện hơn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.
“NHNN không 1 mình giữ quyền sản xuất vàng miếng, thay vào đó có thể xem xét cho một số NHTM hoặc DN được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Đồng thời xem xét cho phép DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu, không nên tiếp tục kéo dài thêm “giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt 10 năm qua”, ông Long chỉ ra.
Để huy động được lượng vàng lớn trong dân, ông Long đề xuất sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Cho phép thành lập các Quỹ tín thác bằng vàng như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ này có thể được mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư thay vì nắm giữ vàng miếng.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), hiện nay thị trường vàng trang sức trong nước đang gặp khó khăn về vàng nguyên liệu, các DN vàng trang sức trong nước không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách kịp thời và thỏa đáng đối với ngành vàng trang sức, hướng tới mục tiêu trở thành 1 trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trên cơ sở điều chỉnh các chính sách về thuế suất xuất khẩu. NHNN có chính sách cho các DN đủ điều kiện được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu quốc tế để sản xuất trang sức, mỹ nghệ nhằm tăng tính chủ động trong sản xuất kinh doanh và mở rộng cơ hội xuất khẩu.