Một nam thanh niên để râu nhìn chằm chằm vào tấm hộ chiếu nước ngoài, tìm kiếm thị thực (visa) cho Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan giờ đã lỗi thời. Một lá cờ trắng chứa chứng ngôn Hồi giáo (shahada) tung bay ở khu vực biên giới Hairatan mà từ ngày 15/8/2021 đã trở thành vùng biên giới phía bắc của Tiểu vương quốc Hồi giáo mới do tổ chức Taliban lập lên.

Người nam giới này đóng dấu lên trang nhất của hộ chiếu (mà đáng lẽ phải để trống). Anh ta không biết cách soi chiếu túi của hành khách nên đã mở túi và tỉ mỉ kiểm tra từng vật dụng bên trong. Để bù lại sự thiếu kinh nghiệm của mình, anh ta nở một nụ cười và chúc các hành khách một chuyến đi tốt đẹp, sử dụng thứ tiếng Anh ngọng nghịu.

Sự hỗn loạn trong yên lặng có thể là cụm từ chính xác nhất để chỉ tình hình ở Afghanistan vào thời điểm một tháng sau khi Taliban lên nắm quyền ở đây.

Lực lượng nước ngoài rút đi, kéo theo cuộc tháo chạy của cả người nước ngoài lẫn người Afghanistan, kế đó là tình trạng hỗn loạn và mất phương hướng trong dân chúng Afghanistan - không ai biết thế lực cai trị mới sẽ hà khắc với họ như thế nào. Nhưng ai cũng biết những tháng ngày các quan hệ chính trị-xã hội còn dễ chịu đã qua đi.

Lực lượng nước ngoài rút đi, Taliban lên nắm quyền (Ảnh Al Jazeera)

Tuy nhiên lại có một nghịch lý là trạng thái trật tự xuất hiện cùng với tình trạng hỗn loạn đó. Trong nhiều năm, việc vượt qua lãnh thổ Afghanistan bằng đường bộ là điều bất khả thi vì có nhiều chốt kiểm soát của phiến quân Taliban cũng như tội phạm trên đường. Giờ đây việc này dễ dàng hơn hẳn và an toàn hơn. Chỉ còn một số chốt kiểm soát của Taliban trên đường đi, chẳng hạn từ Hairatan tới Kabul (cách nhau 450km). Và về mức độ an toàn, người dân hiểu rằng hình phạt cho những hành động sai trái là nặng nề hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, Alamamed Amiri - một cảnh sát giao thông 26 tuổi ở trung tâm Kabul cho biết, cảnh sát giờ không còn được phép phạt tiền người vi phạm nữa vì Taliban cho rằng như thế là điều cấm kỵ của đạo Hồi.

Khác với nhiều cảnh sát khác của chế độ cũ, Amiri quyết định tiếp tục làm việc cho chính quyền mới. Taliban hứa không trả thù cảnh sát giao thông từng phục vụ chế độ cũ.

Chính quyền Taliban vẫn cần đến các quy trình và nhân lực của chế độ cũ để quản lý đất nước. Nhiều nhân viên hành chính đã quyết định ở lại vị trí của mình và tiếp tục phục vụ chính quyền mới. Thiếu họ, toàn bộ hệ thống nhà nước mới sẽ rơi vào rối loạn.

Quan sát đường phố Afghanistan, ta có thể thấy rõ những thay đổi trong xã hội nước này.

Amiri cho biết: "Phố phường bây giờ vắng hơn và chẳng có gì hoạt động đúng cách. Tầng lớp tinh hoa đã di tản, còn dân thường ở lại. Phố sá an toàn hơn. Người dân vẫn sợ Taliban. Ngoài đường có ít phụ nữ hơn".

Cảnh sát giao thông Alamamed Amiri làm việc ở khu trung tâm thủ đô Kabul (Afghanistan) dưới thời Taliban lần 2. Ảnh: Wilczewska.

Hiện vẫn chưa rõ các quy định chính thức của chính quyền Taliban đối với trang phục nữ. Mặc dù vậy, phụ nữ Afghanistan hiểu sự trở lại của Taliban nghĩa là như thế nào đối với họ. Trên mạng xã hội các nhà hoạt động phong trào của nữ giới Afghanistan phản đối cách ăn mặc "kín cổng cao tường" mà Taliban áp lên phụ nữ. Tuy nhiên, trên phố phường phụ nữ thiên về lựa chọn cách ăn mặc truyền thống để đảm bảo an toàn thay vì nổi loạn. Không rõ tình hình cụ thể như thế nào, nhiều phụ nữ Afghanistan lựa chọn ở luôn nhà cho lành.

Một số phụ nữ Afghanistan vội vàng sắp xếp lại tủ quần áo của mình. Hamida Karimi - một nha sĩ 28 tuổi, đi khắp một trung tâm thương mại ở trung tâm Kabul để tìm mua các trang phục bảo thủ phù hợp với các quy tắc bất thành văn mới. Karimi không hào hứng lắm trong đợt mua sắm đồ lần này.

Karimi kể: "Trước đây tôi luôn mặc đồ ngắn hơn, không dài quá đầu gối. Trang phục như vậy rất thoải mái và tôi có thể tự đi bộ trên phố, thậm chí là vào buổi tối. Bây giờ tôi chỉ có thể đi lại bằng taxi. Tôi có nghe nói nếu không mua quần áo kiểu này sẽ có nguy cơ bị tấn công hoặc lăng mạ".

"Tôi thường học tiếng Đức nhưng gần đây tôi bỏ học vì không còn được phép học chung với nam giới. Tôi có thể học trong một nhóm chỉ toàn nữ giới nhưng chúng tôi đều sợ. Chúng tôi giờ học trực tuyến".

Nhiều phụ nữ vội vàng tìm mua các trang phục bảo thủ phù hợp với các quy tắc bất thành văn mới. Ảnh BBC

Dẫu vậy, Karimi quyết định tiếp tục đi làm, vì cô không muốn bỏ rơi các bệnh nhân của mình. Nhưng công việc đã có những đổi thay. Cô hiện nay không thể tiếp tục quản lý phòng khám cùng với đối tác là nam bác sĩ, và chỉ được tiếp nhận các bệnh nhân nữ. Cô nói mình không bị buộc phải làm thế mà tự quyết định làm vậy để đảm bảo an sinh cho chính mình.

Karimi nói: "Không có thay đổi tốt đẹp nào trong tháng qua. Ngân hàng đóng cửa, trụ sở các cơ quan hành chính ở địa phương và trung ương cũng vậy nốt. Chúng tôi không biết ai là người trong chính phủ lâm thời. Trẻ em sợ đi tới trường và sợ những người đàn ông cầm súng. Tôi không ngủ được vì các ác mộng".

Karimi muốn rời khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt, nhưng cơ hội như vậy giờ rất hiếm hoi. Có tới hàng ngàn người Afghanistan đang tìm kiếm cơ hội sơ tán khỏi đất nước. Điểm đến không thành vấn đề miễn là họ tới nơi không nằm dưới sự cai trị hà khắc của Taliban.

Murtaza Sultani, 19 tuổi, đã tìm mọi cách khác nhau để trốn đi nhưng không thành công. Hai năm qua, cậu đã điều hành một tiệm hớt tóc ở trung tâm Kabul. Cậu nỗ lực hết sức để thiết kế nội thất bên trong tiệm này. Trước khi Taliban tiến vào Kabul, cậu có khoảng 20 khách mỗi ngày. Giờ chỉ còn lác đác 2-3 người qua cắt tóc.

Do Taliban cấm cạo tỉa râu ria, người dân không còn ghé thăm thường xuyên tiệm hớt tóc của Sultani nữa.

Murtaza Sultani trong tiệm hớt tóc của mình. Ảnh: Wilczewska.

Sultani nói: "Người dân sợ hãi. Taliban đã tới một số cửa hàng có bạn bè của tôi quản lý, rồi nói họ nên dừng cạo tỉa râu và cắt tóc theo phong cách phương Tây. Tôi không sợ Taliban nhưng công việc đang gặp khó khăn. Tôi rất lo về chuyện làm ăn của mình. Chúng tôi phải đóng 500 USD tiền thuê nhà mỗi tháng và không đủ tiền để thanh toán khoản đó".

Sultani, người tộc Hazara, không có râu ria - cậu có thể gặp vấn đề vì chuyện đó trong tương lai. Có thể cậu sẽ phải đóng cửa tiệm cắt tóc của mình. Cửa hàng bán đĩa DVD kế bên đã đóng cửa.

Trong tháng qua, Kabul đã mất đi phần nào vẻ duyên dáng của mình. Các tấm bích họa với nội dung về các vấn đề xã hội, nạn tham nhũng và quyền của phụ nữ từng có khắp thành phố thì nay đã biến mất, thay vào đó là các thông điệp tôn giáo. Một số tấm bích họa còn nguyên nhưng có lẽ rồi sẽ bị rơi vào quên lãng. Còn chứng ngôn Hồi giáo thì lại càng hiện diện phổ biến, xuất hiện trong các sản phẩm do những người bán hàng rong mời chào.

Không phải ai cũng lo lắng về sự trở lại của Taliban. Wazir Mohammadi – một người bán chuối 23 tuổi đến từ Kapisa, nói rằng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, tội phạm đường phố đã giảm. Cậu nói: “Tôi vui mừng khi Taliban tiến vào Kabul. Trước kia, nơi đây đầy rẫy những kẻ trộm chuối và tiền của tôi. Tôi bị cướp 3 lần. Giờ thì an toàn rồi”.

Dù vậy vẫn có những mặt tiêu cực mà đa phần dân chúng phải đối diện.

Dù vậy vẫn có những mặt tiêu cực mà đa phần dân chúng phải đối diện. Ảnh: The New York Times

Vẫn lời Mohammadi: “Trước đây tôi kiếm được 10.000 đồng Afghani mỗi tháng. Nay thì chỉ khoảng 5.000-6.000 thôi. Người dân không muốn mua thực phẩm, vì không còn việc làm, người dân không có thu nhập và không muốn rời khỏi nhà. Mọi thứ đã thay đổi sau khi Taliban lên cầm quyền”.

Không rõ khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài bao lâu. Hạn hán đã khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Người ta lo ngại Afghanistan sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Hiện đa phần khoản tiền 9,5 tỷ USD của Afghanistan nằm bên ngoài lãnh thổ nước này – quỹ đó đã bị phong tỏa và ngân hàng đã đặt hạn mức rút tiền là 200 USD mỗi tuần. Nhân viên chính phủ đã không được trả lương trong 3 tháng qua. Nhiều người Afghanistan phải bán đồ đạc của mình.

Không rõ Taliban sẽ lựa chọn chính sách dài hạn như thế nào. Đã diễn ra việc lục soát nhà, cấm biểu tình và chia tách học sinh nữ và nam tại trường học. Một số nhà báo địa phương bị lực lượng cảnh sát mới đánh đập. Nhưng đối với những người bình thường và người nước ngoài, Taliban cho tới nay khá khoan dung.

Chiến binh Taliban Qudratullah Nazim thăm lại nhà tù Pul-e-charkhi. Ảnh: Wilczewska.

Những thanh niên nam để râu xuất hiện trên đường phố Kabul, nơi họ chưa từng biết đến trước đó. Đa số những người này đến từ tỉnh lẻ, số khác mới được phóng thích khỏi nhà tù cách đây vài tuần. Không khó để nhận ra phần tử Taliban trên đường phố thủ đô: Họ để tóc dài, râu không tỉa, mặc áo dài truyền thống, đội mũ.

Binh lính Taliban tuần tra đường phố, đi lại bằng xe jeep mà quân đội Afghanistan và quân đội Mỹ bỏ lại. Nhiều thanh niên Taliban thích thú với cuộc sống chốn đô thị: Đi thăm vườn bách thú, công viên giải trí, và những nơi công cộng. Họ cũng chụp ảnh selfie.

Các chiến binh Taliban cũng hay ghé thăm các nhà tù nay đã trống trơn. Một bộ phận trong số họ từng ngồi tù, số khác thì đến thăm vì quan tâm đến nơi này.

Qudratullah Nazim có 10 năm trong nhà tù Pul-e-charkhi khét tiếng ở Kabul sau khi phạm tội giết người. Xuất thân từ Kandahar, anh ta chỉ huy một nhóm Taliban hoạt động ở Kabul, Helmand, và Kandahar. Em trai anh ta từng thực hiện đánh bom liều chết và Nazim lấy làm tự hào về em mình. Cả gia đình anh ta cũng như vậy.

Chiến binh Taliban tuần tra đường phố Kabul (Afghanistan) sau khi giành được quyền kiểm soát đối với thủ đô này. Video: Bloomberg.

Nazim nói: “Họ tấn công đất nước chúng tôi vào năm 2001, họ tàn nhẫn, ném bom cả nơi tổ chức đám cưới, cả thánh đường Hồi giáo. Chúng tôi chỉ đơn giản là bảo vệ mảnh đất của mình, người dân và tôn giáo của mình”.

Nazim nói mình vẫn nhớ như in khi bị tra tấn trong tù, bằng hình thức xịt hơi cay, chích điện, đánh đập. Giờ Nazim đã tự do và nơi này trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện của anh ta.

Nazim tự hào rằng Taliban đã đánh bại đối phương nhưng anh ta không giải thích được loại hệ thống tư pháp nào sẽ thay thế trật tự cũ.

“Chúng tôi sẽ giới thiệu luật Hồi giáo”, Nazim nói. “Chúng tôi tập trung vào ngăn ngừa tội phạm thay vì trừng phạt. Chúng tôi sẽ cố gắng ngăn ngừa tham nhũng và nếu ai đó phạm tội, chúng tôi sẽ chỉ trừng phạt chính người đó, chứ không phải toàn gia đình họ như chính quyền trước đây”.

Ngăn ngừa tội phạm dưới chế độ Taliban cho tới nay tỏ ra rất hiệu quả. Cả đất nước sống trong sợ hãi. Nhưng liệu Taliban có thể quản lý được hiệu quả đất nước Afghanistan hay không thì vẫn phải chờ thời gian./.


Tác giả: Trung Hiếu/VOV.VN (lược dịch)  |  Nguồn: The Diplomat
Trình bày: Quang Huy

Xem thêm:

Thứ Tư, 06:31, 22/09/2021