Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Điện tử VOV, phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Điện tử VOV về những chặng đường đặc biệt của VOV.VN cũng như những trăn trở về làm báo điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số.
PV: Từng có 2 nhiệm kỳ liên tiếp đảm nhiệm vị trí Tổng Biên tập Báo Điện tử VOV (VOV.VN), hành trình đó để lại cho ông những ấn tượng gì sâu sắc, thưa ông?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Khi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định thành lập Báo điện tử VOV News, mục tiêu chính ban đầu là tuyên truyền đối ngoại, đưa Tiếng nói Việt Nam vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đến với kiều bào, bạn đọc trên toàn thế giới thông qua mạng internet.
Tuy nhiên, đến giai đoạn tôi đảm nhiệm vai trò Tổng Biên tập, cũng là thời kỳ báo điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh, internet bùng nổ, các báo hướng vào nhóm đối tượng công chúng trong nước. Thời điểm đó tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt. Điều trăn trở lớn nhất là làm sao có thể xây dựng tờ báo mang bản lĩnh, nội dung đặc sắc, tính chuyên nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo xây dựng và bồi dưỡng để phục vụ công chúng và lan tỏa hơn nữa thương hiệu Đài Tiếng nói Việt Nam trên mạng internet.
Để làm được điều đó, trước hết tòa soạn cần ý tưởng về báo chí rất chuyên nghiệp, sản xuất các sản phẩm báo chí thực sự là báo điện tử, không đơn thuần là biên tập những tác phẩm phát thanh để đưa lên mặt báo.
VOV cũng có nguồn tài nguyên rất phong phú gồm các cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài. Vậy cần làm sao để đưa tất cả những tài nguyên, nội dung, sự cống hiến, sáng tạo của phóng viên lên mặt báo.
Thứ 2, để phát triển báo điện tử cần có công nghệ tốt nhất, ưu việt nhất và hơn hết, cần đội ngũ biên tập viên, phóng viên ở tòa soạn thay đổi cách làm việc. Báo Điện tử VOV không chỉ chờ những tin tức của các đơn vị phát thanh, thường trú gửi về, mà hoạt động như một tòa soạn trực tuyến. Tất cả các tin tức sự kiện diễn ra cần phản ánh liên tục, kịp xu thế về nội dung của các báo chí trong nước và quốc tế để những gì “nóng” nhất đều có thể xuất hiện trên Báo Điện tử VOV.
Với mục tiêu đó, tờ báo đã thay đổi từ VOV News sang VOV online và sau này là Báo Điện tử VOV. Chúng tôi cũng mong muốn khi bạn đọc truy cập vào Báo Điện tử VOV sẽ không chỉ được đọc tin tức như các tờ báo khác, mà còn tìm thấy nội dung của các kênh phát thanh VOV trên đó. Đây cũng là điểm khác biệt, đặc sắc của Báo Điện tử VOV.
Để làm được điều đó, chúng tôi phải thay đổi thói quen làm việc, phóng viên phải canh tin sớm tối, ngày đêm để có thể đưa tin tức nhanh nhất đến độc giả. Tòa soạn cũng tập trung đào tạo kỹ năng viết cho phóng viên để bắt kịp những xu hướng của tin tức. Bên cạnh đó cũng cần tạo ra nền tảng kỹ thuật công nghệ để các nội dung của phát thanh được đưa lên kịp thời.
Một bước tiến lớn trong giai đoạn đó là xây dựng được các chuyên trang cho các kênh phát thanh như VOV1, VOV2, VOV4, VOV6… Chúng tôi không chỉ đưa tin tức bằng tiếng nước ngoài mà còn đưa ngôn ngữ 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số lên website. Đến giờ VOV vẫn là đơn vị báo chí nhiều ngôn ngữ nhất.
Đây cũng là điểm rất đặc biệt, là những bước tiến rất lớn của Báo Điện tử VOV.
Với sự phát triển không ngừng nghỉ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, Báo Điện tử VOV đã đạt được sự tăng trưởng cao về thứ hạng. Tất nhiên mỗi thang đo có những tiêu chuẩn khác nhau, nhưng có năm Báo đạt tăng trưởng về người đọc đến 300% so với năm trước.
Báo Điện tử VOV sẵn sàng đi vào các vấn đề thời sự rất nóng, vấn đề lớn về chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa trong nước và quốc tế, có nhiều tuyến bài rất quan trọng, nhất là phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, chỉnh đốn Đảng. Những tuyến bài của Báo Điện tử VOV là nguồn tham chiếu tin tức rất quan trọng của các chính trị gia, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các đồng nghiệp và chuyên gia.
Với cố gắng không ngừng nghỉ, Báo Điện tử VOV đã khẳng định được vị thế qua các giải báo chí lớn như Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, Thông tin đối ngoại, Diên Hồng, đặc biệt là giải báo chí mang tầm cỡ quốc tế như ABU hạng mục Báo chí số. Song tôi cho rằng, điều quan trọng hơn cả là Báo Điện tử VOV đang ngày càng khẳng định được vị thế, niềm tin trong lòng độc giả.
Có thể nói Báo Điện tử VOV đã khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của cơ quan báo chí lớn, chủ lực quốc gia.
PV: Được thành lập trong lòng Đài Phát thanh quốc gia, trong những giai đoạn đầu phát triển, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Điện tử VOV có gặp khó khăn trong việc thay đổi phương thức làm báo không, thưa ông?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Đặc trưng của phát thanh là âm thanh, tin tức trên phát thanh thường ngắn. Trong khi đó, báo điện tử cần multimedia, âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ viết một cách rất chuyên nghiệp, khác hẳn với ngôn ngữ nói.
Cùng với đó, áp lực khi làm việc trên môi trường điện tử cũng rất khác với phát thanh, nếu có bất kỳ sơ xuất gì cũng đều có tác động rất lớn. Đây cũng là thách thức lớn khi Đài tái cấu trúc, đưa phóng viên phát thanh sang làm báo điện tử.
Để khắc phục khó khăn này, Báo đã chủ động phân công những phóng viên, biên tập viên có kỹ năng làm báo điện tử tương đối vững để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ chuyển từ phát thanh sang.
Nhìn lại hành trình đã qua, không thể kể hết những vất vả, gian khổ, thậm chí là sự trả giá khi có những vấp váp trong quá trình tác nghiệp. Làm báo điện tử, phóng viên phải quen dần với việc đôi khi vui 1 ngày nhưng có thể buồn vài ngày. Làm báo điện tử cũng liên tục phải xử lý những vấn đề về nội dung, kỹ thuật… quá trình đó giúp đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên của báo trưởng thành hơn rất nhiều.
Thực ra nếu làm theo cách để lĩnh lương, đáp ứng định mức khoán, xong bổn phận sẽ không thể nắm bắt được xu thế. Có trách nhiệm, tình yêu nghề thì ở bất cứ môi trường nào cũng có thể làm tốt. Minh chứng rõ nhất là nhiều đồng nghiệp từ phát thanh chuyển sang báo điện tử đã làm rất tốt, trở thành trụ cột của VOV.VN.
Phải nói thêm rằng, trong bối cảnh hiện nay, mỗi phóng viên, biên tập viên cần thích nghi với môi trường báo chí thay đổi không ngừng với sự tác động của khoa học công nghệ và phải làm chủ nó.
Một người làm báo điện tử không chỉ biết biên tập nội dung, chụp ảnh, dựng video mà cần biết cả những cách thể hiện mới như Emagazine, digital media - tích hợp tất cả các loại hình báo chí trên báo điện tử.
Tôi cho rằng người làm báo điện tử cũng cần ý thức được những may mắn của mình so với những đồng nghiệp khác khi có những nền tảng để thể hiện tất cả tài năng, năng lực của mình, từ đó tạo ra những ấn phẩm báo chí chỉ có trên môi trường điện tử, trên nền tảng số.
Qua một số năm làm việc ở Báo Điện tử VOV, có một điều rất hạnh phúc, đó là chúng ta tạo ra văn hóa làm việc, văn hóa báo chí chuyên biệt, chuyên cần, trách nhiệm với thông tin, trách nhiệm với bạn đọc, môi trường cạnh tranh rất lành mạnh giúp đỡ nhau phát triển vì lợi ích chung của VOV.
Báo Điện tử VOV đã và đang khẳng định vị thế, uy tín của mình, làm báo một cách tử tế với đam mê và tâm huyết. Đây cũng là hành trang, giá trị cốt lõi để tờ báo có thể đạt được những bước tiến hơn nữa.
PV: Như ông vừa chia sẻ, nghề báo nói chung và báo điện tử nói riêng rất vất vả, người làm báo đứng trước nhiều thách thức, song nếu có tình yêu, nhiệt huyết với nghề, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Vậy để cổ vũ tinh thần làm việc, bồi đắp thêm tình yêu nghề cho đội ngũ phóng viên phải chăng cũng là một trong những nhiệm vụ khó nhưng rất quan trọng của lãnh đạo Báo?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Khi làm Tổng Biên tập Báo Điện tử VOV, tôi luôn nhận thức rằng, người đứng đầu có vai trò lớn nhất, đó là những người dẫn dắt, chỉ đường, truyền cảm hứng, người thiết lập kỷ luật, thiết lập những tiêu chuẩn để đánh giá đóng góp của từng thành viên. Đó cũng cũng là người nhìn rõ nhất kỹ năng, năng lực vượt trội của từng phóng viên, biên tập viên để phân công vào những công việc phù hợp. Đội ngũ lãnh đạo cũng là đội ngũ làm gương, chỉ ra cho anh em cách làm, cách tác nghiệp bằng kinh nghiệm tích lũy của bản thân.
Người lãnh đạo ở các báo điện tử phải là những thợ cả, ban biên tập cũng là người hết sức trách nhiệm, nhạy bén, có khả năng bao quát, nhạy cảm về mặt thông tin, nắm được xu hướng tin tức, biết được công chúng đang cần gì trên biển thông tin mênh mông.
Phải khẳng định rằng, ngoài trách nhiệm, thì năng lực sáng tạo, năng lực dẫn dắt, làm gương, năng lực tổ chức công việc là những đòi hỏi quan trọng với lãnh đạo làm việc trong môi trường số, môi trường điện tử.
Cũng phải nói thật rằng, với những cơ quan nhà nước như VOV, chắc hẳn thu nhập không phải là yếu tố chính để thu hút người giỏi. Cái để thu hút những người giỏi là văn hóa công sở chuẩn mực, để họ cảm thấy có chỗ dựa vững chãi trong mọi tình huống, để họ cảm thấy được động viên kịp thời.
Làm việc tại báo điện tử áp lực rất lớn, bởi vậy điều cần nhất là giải tỏa những áp lực khi cần thiết, làm cho tình yêu, trách nhiệm với công việc là một cộng đồng – tức có sự chia sẻ trách nhiệm từ lãnh đạo đến nhân viên, cùng hưởng chung những thành tựu về báo chí. Đây là yêu cầu chung với mỗi tòa soạn, không chỉ với báo điện tử.
Nghề báo đòi hỏi tính chất sáng tạo, nếu làm việc trong bối cảnh không thoải mái về tư tưởng, tinh thần, khó tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao. Tất nhiên vai trò của lãnh đạo rất quan trọng, nhưng nếu phóng viên, biên tập viên thiếu đam mê, nhiệt huyết, thiếu tư duy, sắc bén thì khó có thể thành công.
PV: Ngày nay cùng với sự phát triển như vũ bão của các trang mạng xã hội, interner toàn cầu bùng nổ, báo chí nói chung và Báo Điện tử VOV nói riêng đang đứng trước những thách thức ra sao, thưa ông?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Ngày nay chúng ta đang đối diện với giai đoạn bùng nổ về thông tin, dữ liệu, nội dung hàng ngày được sản sinh theo cấp số nhân trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Công chúng gần như “no nê” về mặt thông tin, tin tức, nội dung. Hơn lúc nào hết, báo điện tử phải trở về giá trị cốt lõi của mình là chức năng đưa tin một cách chuyên nghiệp, khả năng thông tin theo chiều sâu, cung cấp thông tin hữu ích, khả năng phân tích, chỉ ra được bản chất các sự kiện trong nước và quốc tế đang diễn ra. Hơn nữa, báo điện tử còn có khả năng dự báo chiều hướng phát triển của sự kiện thông qua những sản phẩm báo chí trình bày một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn.
Do đó, nếu như chỉ dừng lại ở chức năng là xác minh thông tin, chúng ta sẽ luôn chạy theo mạng xã hội. Điều đó khiến những người làm báo truyền thống phải luôn suy nghĩ về cách làm để đáp ứng được văn hóa tiếp cận thông tin của độc giả.
Tôi cho rằng, người làm báo đang đứng trước những thách thức song cũng có rất nhiều cơ hội, đó là công nghệ phong phú, tiến bộ từng ngày. Nếu có thể ứng dụng được nhanh chóng công nghệ vào quá trình sản xuất nội dung báo chí sẽ giúp các tác phẩm hấp dẫn, có chiều sâu hơn. Ngày nay, làm báo điện tử, nếu chỉ thỏa mãn ở mức độ làm tin bài, chèn ảnh là chưa đủ. Một phóng viên làm báo điện tử sẽ cần rất nhiều kỹ năng như quay phim, biên tập hình ảnh, kể chuyện, thậm chí xuất hiện trước máy quay như truyền hình.
Cũng cần nhận thức rằng, ngày nay không chỉ làm báo cho môi trường trong nước mà cả nước ngoài. Điều đó yêu cầu người làm báo ngày càng phải sắc sảo, nhạy bén, nếu không theo kịp những xu thế của báo chí sẽ bị tụt hậu.
PV: Bước sang tuổi 25 với rất nhiều thách thức và cơ hội phía trước, Báo Điện tử VOV cần có những hướng đi ra sao để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả, khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực của quốc gia, thưa ông?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Tôi cho rằng vẫn phải rất nhiệt huyết và sắc sảo. Giữ được sự nhiệt huyết, máu lửa đối với tin tức, công việc, làm việc có trách nhiệm với thương hiệu, công chúng của mình là điều vô cùng quan trọng. Dù hoàn cảnh có thay đổi thế nào cũng cần giữ được những yếu tố này.
Trước những thay đổi rất nhanh, đôi khi cảm thấy mệt mỏi. Đặc thù của báo chí là khi cung cấp xong một đề tài, tin tức, phóng viên lại bắt đầu hành trình tìm kiếm những đề tài, cảm xúc, chất liệu mới để kể những câu chuyện mới phục vụ công chúng. Như vậy, người làm báo cần làm sao để luôn giữ được nhiệt huyết với nghề, giữ môi trường làm việc thực sự hợp tác.
Với báo điện tử sẽ thấy rất rõ tinh thần làm việc nhóm. Một cá nhân không thể tạo ra thành công, một chuyên mục cũng chưa thể tạo ra một tờ báo.
Một tờ báo như VOV.VN có tính chất tổng hợp các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thế giới… Phải làm sao cho công chúng thấy được bức tranh tổng thể trong nước và thế giới, những xu hướng lớn đang diễn ra hiện nay. Nội dung không chỉ là những vấn đề chính trị đơn thuẩn, mà còn cần hướng đến những thông tin mềm, phong phú, đa dạng để mỗi ngày bạn đọc phải quay lại đọc nhiều lần. Đây là thách thức lớn nhưng cũng có rất nhiều điều kiện để có thể làm được.
Để phát triển báo chí trong đó có báo điện tử cần rất nhiều điều kiện, có những điều kiện mà tự thân tờ báo có thể giải quyết được như cơ chế, chính sách chung, đầu tư về con người, kỹ thuật, tài chính. Nếu không đầu tư không thể có những sản phẩm báo chí tốt.
Nhưng để báo chí phát triển tốt còn cần những chính sách lớn hơn như bản quyền, sự hỗ trợ của Nhà nước giúp báo chí chính thống giữ được vai trò dẫn dắt của mình với dư luận xã hội. Mặt khác, từng tờ báo cũng cần tự tối ưu hóa, từng biên tập viên, phóng viên cũng cần ý thức được cơ may của mình khi làm việc ở báo điện tử.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều thuận lợi, nếu tận dụng được, Báo Điện tử VOV sẽ luôn khẳng định được vị thế chủ lực trong tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Đài.
PV: Thưa ông, với vai trò từng là Tổng Biên tập của VOV.VN, nay là lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, ông muốn nhắn nhủ gì đến tập thể những người làm báo tại VOV.VN?
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng: Tôi vẫn nói từ đầu, nghề báo là nghề rất vinh quang nhưng đầy thách thức và áp lực; làm báo, đặc biệt là báo điện tử ít người giàu; nếu không làm việc với một tình yêu, đam mê với nghề báo sẽ rất dễ chán nản, bỏ cuộc. Do đó tôi nghĩ rằng ngoài việc làm báo trách nhiệm, sắc sảo, thì tình yêu với công việc vẫn là phẩm chất quyết định với người làm báo. Trách nhiệm của người lãnh đạo là cần tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo thu nhập ở mức độ chấp nhận được để phóng viên có thể yên tâm với nghề.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, văn hóa Báo Điện tử VOV đã tạo dựng trong suốt 25 năm cần giữ vững, phát huy. Chỉ khi giữ và phát huy được văn hóa làm việc đó mới có cơ hội phát triển. Mỗi người có một tính cách, hoàn cảnh khác nhau, nhưng nếu có chung tình yêu, nhiệt huyết với thương hiệu này, trách nhiệm với công việc, mong muốn đổi mới mình liên tục, nâng cấp tòa báo liên tục thì cần gắn kết tạo thành một khối đồng nhất.
Khi đạt được mục tiêu hôm nay vẫn chưa nên vội thỏa mãn, mà cần tối ưu hóa ở mức cao nhất. Đây cũng là động lực dẫn dắt tờ báo đạt được những bước tiến mới, thành công mới cao hơn nữa trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng VOV.VN có rất nhiều cơ hội để phát triển thành công hơn nữa trong tương lai khi được hình thành và phát triển trong lòng một cơ quan báo chí hàng đầu quốc gia với rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển. Là một trong 6 cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, giữ vai trò, sứ mệnh rất lớn trong làng báo chí cách mạng, đây là cơ hội, thách thức và cũng cho phép chúng ta tin rằng có thể gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, phát triển cao hơn nữa nếu giữ được nhiệt huyết với nghề.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Nguyễn Trang - Trình bày: Kiều An