Sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp khi xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao, bế mạc chiều 11/1.
Kết quả kỳ họp thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và phối hợp chuẩn bị từ sớm của các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị kỳ họp.
Kỳ họp cũng cũng khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan luôn thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, kiến tạo để phát triển nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Luật phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Tăng phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương
Quốc hội quyết định không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao. Giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng; trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
“Tổ chức thực hiện Nghị quyết gắn với trách nhiệm cụ thể, bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí” – Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Quốc hội đồng ý với tờ trình của Chính phủ về việc đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021-2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.
Tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
“Thực hiện bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; hằng năm báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án” – Nghị quyết Quốc hội yêu cầu.
6 cơ chế, chính sách lớn về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế, nếu đáp ứng một số điều kiện.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022 – 2023) nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân trong trạng thái bình thường mới; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn./.