Vụ việc cháu N.T.V.A 8 tuổi tại TP.HCM bị “mẹ kế” bạo hành đến chết khiến bất cứ ai cũng phải xót thương. Nhưng lại càng phẫn nộ hơn khi những hành vi đánh đập, hành hạ một đứa trẻ vô tội chưa đủ sức kháng cự diễn ra ở chính trung tâm một thành phố lớn với đầy đủ các thiết chế, các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em.

Sự ra đi của bé V.A như một hồi chuông báo động về bạo hành, xâm hại trẻ em. Điều đáng lo ngại hơn, có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ở đâu đó, hàng ngày vẫn có những đứa trẻ khác bị bạo hành. Những nghiên cứu, thống kê từ Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cũng cho thấy một thực tế đáng buồn hơn cả, đó là thủ phạm của các vụ bạo hành, xâm hại trẻ phần lớn lại là người thân, người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã có trao đổi với VOV.VN về những vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

PV: Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng những vụ bạo hành trẻ em vẫn lặp đi lặp lại, điều đáng buồn hơn, nhiều trẻ trong số đó bị bạo hành bởi chính người thân, người chăm sóc trẻ, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng này thưa bà?

Bà Nguyễn Phương Linh: Là người làm công tác bảo vệ trẻ em, cũng là một người mẹ có 2 con gái ở độ tuổi 6-9 tuổi, đọc câu chuyện của bé N.T.V.A. tôi rất đau lòng, cái đau của người mẹ và cũng là cái đau của người làm xã hội khi còn quá nhiều việc phải làm.

Một vụ hành hạ, đánh đập trẻ đến chết bởi chính những người thân trong gia đình thực sự không phải là mới, lâu lâu chúng ta lại thấy xuất hiện một vụ. Trước bé A., chúng ta cũng đã chứng kiến một người bố dạy con học “nhỡ tay” đánh con đến chết. Trước đó, một cô bé bị cha dượng và mẹ xâm hại, đánh đập đến chết. Những bản án hình sự, thậm chí chung thân, tử hình vì tội "giết người" - sự răn đe, sự lên án phẫn nộ của cả cộng đồng và truyền thông, vẫn chưa chạm tới được rất nhiều người làm cha làm mẹ, để rồi cái ác vẫn len lỏi và được nguỵ biện bằng việc dạy dỗ, làm tổn hại, tổn thương và thậm chí cướp đi mạng sống của trẻ em vô tội.

Nhiều cha mẹ cũng lên án và phẫn nộ, nhưng rồi có khi cùng lúc đó, họ vẫn đánh mắng con mà không nhận ra mình đang thực hiện hành vi bạo lực – đó không phải dạy dỗ kỷ luật mà là hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ.

Nguyên nhân chính khiến cho trẻ vẫn còn bị bạo hành bởi những người thân trong gia đình xuất phát từ quan niệm giáo dục con bằng bạo lực “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.  Họ nhầm lẫn giữa giáo dục và trừng phạt trẻ.

Ngoài ra, về chính sách pháp luật, hiện tại việc trừng phạt thể chất tinh thần trẻ chưa được quy định rõ ràng trong luật, cũng góp phần khiến cha mẹ còn nhầm lẫn và nguỵ biện là phương pháp giáo dục.

Thực tế, các hành vi ngược đãi, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em thường xảy ra trong phạm vi gia đình, ít khi có người ngoài chứng kiến. Trẻ còn nhỏ, không thể tự lên tiếng, trong khi người gây ra bạo lực thường lại chính là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, đại diện hợp pháp cho trẻ nên không có ai đứng ra tố cáo. Nếu trẻ có lên tiếng thì cũng ít khi được người lớn tin tưởng, giúp đỡ. Cộng đồng chưa chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời những vụ việc bạo hành trẻ em.

PV: Truyền thông đã lên tiếng rất nhiều về việc giáo dục con trẻ bằng đòn roi, nhưng sự thật vẫn rất nhiều cha mẹ sử dụng cách này để dạy con, bà nghĩ sao về phương pháp giáo dục này?

Bà Nguyễn Phương Linh: Nhiều người lớn, dù biết hành vi trừng phạt trẻ, bạo lực với trẻ là vi phạm pháp luật và để lại những hậu quả về thể chất và tinh thần với trẻ nhưng họ vẫn có những lý do để hợp lý hoá hành vi trừng phạt, từ đó cho rằng lợi ích của việc trừng phạt là lớn hơn như hiệu quả tức thì, trẻ tuân thủ kỷ luật ngay, đỡ mất thời gian giải thích, thảo luận đúng sai, hoặc cho rằng hành vi đó xuất phát từ động cơ giáo dục, từ tình thương và vì lợi ích của trẻ.

Một số các nguỵ biện thường thấy của cha mẹ khi bạo lực với con cái theo các nghiên cứu khảo sát của Viện MSD bao gồm: Người lớn lúc nào cũng đúng, người lớn không cần đưa ra lý do mà chỉ cần yêu cầu trẻ phải thực hiện. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, sự ngang bướng, cứng đầu cứng cổ của trẻ phải bị xử lý, trấn áp càng sớm càng tốt. Bố mẹ phải nghiêm khắc thì mới được trẻ tôn trọng, nếu bố mẹ không biết đánh con, bố mẹ sẽ bị mất quyền hành, uy lực… Hay có đánh con thì cũng vì yêu và muốn con nên người, không đánh thì trẻ không sợ, thử các cách khác không được, chỉ mỗi roi là được.

Đây là các quan điểm rất sai lầm và không có cơ sở khoa học hay tính giáo dục.

Bản thân việc gây đau đớn thể xác cho một đứa trẻ là vi phạm quyền trẻ em. Và người lớn thường không chú ý tới sự khác biệt về sức mạnh và tầm vóc giữa người lớn và trẻ em cũng như sự khác biệt giữa những tác động họ muốn tạo ra và tác động thực sự gây ra cho trẻ. Các nghiên cứu quy mô lớn trên thế giới đã chỉ ra rằng 2/5 phụ huynh được hỏi thừa nhận họ đánh trẻ mạnh hơn họ dự định.

Bố mẹ cần biết không có giáo dục bằng bạo lực, cũng không có khái niệm “bạo lực an toàn” mà bạo lực chính là bạo lực. Mọi hành vi bạo lực, trừng phạt trẻ đều thể hiện sự thiếu tôn trọng trẻ, xâm phạm quyền được bảo vệ và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ. Thêm vào đó, bản chất của hành vi bạo lực thường có xu hướng leo thang mà cha mẹ thường có thể không nhận ra.

Có nhiều cha mẹ vẫn đánh mắng con hàng ngày, lúc đầu là cái đánh tay, tét mông, nhưng vì con vẫn mắc lỗi nên chưa ăn thua, sau đó là cái roi mây, roi da, roi gỗ... Bản chất của bạo lực và cái ác lúc nào cũng leo thang như thế, nếu ta thoả hiệp với nó, ta sẽ bắt đầu nghĩ là bình thường và tăng mức độ lên.

Trái với sự nhầm lẫn và quan điểm sai lầm của cha mẹ. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD về kết quả thăm dò ý kiến trẻ em về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào tháng 11/2021 với 5.400 trẻ em trên địa bàn cả nước, trên 90% trẻ em tham gia khảo sát nhận định rất rõ ràng rằng mọi hình thức như đánh bằng tay hay bằng các vật dụng khác, giật tóc, mắng, so sánh, chửi bới, hay các hình thức tra tấn khác đều là bạo lực, dù cha mẹ có nhân danh đó là yêu thương.

Trong tiến trình chúng tôi làm việc với trẻ em, mỗi lần lấy ý kiến trẻ em, tập huấn cho trẻ em về bạo lực trẻ em, chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, thì điều mà chúng tôi thấy khổ tâm nhất là những câu chuyện của các bạn nhỏ. “Bố mẹ lúc nào cũng bảo yêu con nhưng lại luôn đánh mắng con, sao yêu mà lại như vậy ạ”? Cha mẹ có bao giờ nghĩ con mình cũng sẽ cư xử bạo lực với những người khác, hay chấp nhận thoả hiệp với bạo lực khi lớn lên.

PV: Hiện nay rất nhiều vụ bạo hành trẻ em chỉ được phát hiện, xử lý khi sự việc đã xảy ra, trẻ phải chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thậm chí tử vong. Từ những sự việc này, cần nhìn nhận ra sao về hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay cũng như trách nhiệm của những người, cơ quan phụ trách về công tác bảo vệ trẻ em, thưa bà?

Bà Nguyễn Phương Linh: Thực tế, từ sự vụ của bé A. khi sự việc xảy ra, chúng ta có thể thấy tất cả các cơ quan chức năng đã phản ứng rất nhanh chóng, kịp thời, bài bản. Từ Cục Trẻ em lên tiếng, cơ quan công an làm đúng quy trình, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và các luật sư vào cuộc ráo riết, tới các công văn chỉ đạo của UBND TP.HCM, sau đó là Thủ tướng chính phủ đề nghị xử lý hợp tình, hợp lý, có tính vụ án điểm... Tuy nhiên, đúng như vậy, vụ việc này can thiệp đã quá muộn, cháu bé đã mất mạng, giá như có một hệ thống bảo vệ trẻ em tốt hơn trong cộng đồng để nhanh chóng can thiệp, hỗ trợ cháu bé phù hợp.

Bảo vệ trẻ em thì mức độ đầu tiên là phòng ngừa, rồi mới đến can thiệp, hỗ trợ.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị khởi tố về tội "giết người" và "hành hạ người khác".

Đối với đứa trẻ, gần nhất là gia đình. Chính việc phòng ngừa, giáo dục và truyền thông cộng đồng làm cha mẹ, sử dụng các phương pháp giáo dục, kỷ luật tích cực còn cả một quá trình dài, để thay đổi quan niệm thâm căn cố đế, cha mẹ có quyền đánh con, trừng phạt con, hành hạ con giống như tài sản của mình hay “yêu cho roi cho vọt”. Tình yêu và giáo dục không thể dưới hình hài cái ác như vậy.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình đang trong quá trình dự thảo sửa đổi, chúng tôi hy vọng Luật sẽ bổ sung định nghĩa của việc “trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ” để chấm dứt các hình thức trừng phạt này trong gia đình.

Ở một khía cạnh khác, sau lớp gia đình, chúng ta có lớp nhà trường và cộng đồng, bao gồm hàng xóm láng giềng. Sự đau lòng ở vụ của bé V.A. là lớp lá chắn này đã không phát huy tác dụng. Hàng xóm láng giềng tuy nghe quen với tiếng khóc trẻ em, cũng đã có lần báo BQL nhưng BQL lên báo là việc dạy dỗ, việc riêng của gia đình nên không can thiệp. Giá như chỉ có sự can thiệp đúng lúc, phù hợp ngay từ đầu, có tính phòng ngừa, thì cháu bé đã có thể không bị hành hạ tới chết như vậy.

Vừa rồi, ngày 30/12/2021, Nghị định 130 về xử phạt hành chính đã quy định cả việc xử phạt các trường hợp không tố giác trẻ em bị bạo hành, tôi hy vọng đã là cảnh tỉnh cho lớp lá chắn bảo vệ trẻ em này.

Liên quan đến hệ thống chức năng bảo vệ trẻ em, tính phòng ngừa cũng thể hiện ở việc có đội ngũ đủ năng lực, dễ tiếp cận và sẵn sàng tham gia kịp thời vào công tác bảo vệ trẻ em.

Nhiều người thắp nến tưởng niệm bé VA. Ảnh: Zing

Thực tế, theo Quy định của Luật trẻ em và Nghị định 56, ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 với chức năng rõ ràng trong bảo vệ trẻ em và hoạt động tích cực, hiệu quả, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản còn những hạn chế.

Hiện nay cán bộ cấp xã/phường không có chức danh chuyên trách là cán bộ bảo vệ trẻ em mà phải kiêm nhiệm. Hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã chủ yếu là do công chức lao động, người có công và xã hội kiêm nhiệm với khối lượng công việc quá tải. Một số địa phương bố trí người hoạt động không chuyên trách gồm 3 công việc dân số, gia đình và trẻ em. Chính vì thế, về cả số lượng và năng lực để có thể thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trong cả một khu vực hành chính địa lý cấp xã phường là bất khả thi.

Tôi hy vọng, với quyết tâm và cam kết bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực xâm hại, vấn đề này sẽ trở thành ưu tiên ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, hệ thống bảo vệ trẻ em cấp cộng đồng sẽ được ưu tiên, bổ sung thêm nhân lực, năng lực và nguồn lực để thực hiện vai trò bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn bà!/.


Thứ Hai, 06:04, 10/01/2022