V-League 2020 kết thúc vào đầu tháng 11/2020. Sau đó, hầu hết các CLB cho cầu thủ "xả trại" khoảng 3 tuần trước khi tập trung trở lại. Như vậy, mỗi đội có nhiều nhất chỉ khoảng 7 tuần để tập trung trở lại, vừa tập luyện, vừa tích lũy thể lực, vừa tuyển chọn nhân sự cho V-League 2021.
Với cả “núi” công việc như vậy, khả năng các CLB có được sự chuẩn bị ưng ý nhất cho mùa giải mới là gần như không thể và chính vì thế, việc đòi hỏi các đội bóng (đặc biệt là các đội bóng mạnh) có phong độ cao ngay thời điểm mùa giải bắt đầu là "bất khả thi".
Thêm vào đó, không phải CLB nào cũng có đủ 7 tuần chuẩn bị như "tiêu chuẩn" đã nói ở trên. Viettel và Hà Nội FC có thời gian chuẩn bị ít hơn đa số các đội khác 1 tuần (do phải đá trận Siêu Cúp QG). Thậm chí khi đã hội quân, 2 CLB này cũng thường xuyên thiếu trụ cột trong lúc tập luyện vì những lý do khác nhau.
Mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn với những đội bóng như Than Quảng Ninh khi họ chỉ chắc chắn tham dự V-League 2021 và có đủ quân số để tập luyện đúng 1 tháng trước khi giải đấu khởi tranh. 7 tuần còn là quãng thời gian eo hẹp thì đương nhiên 1 tháng không thể giúp các CLB giải quyết rốt ráo những vấn đề về chuyên môn. Khi đó, điều hiển nhiên là các cầu thủ phải ra sân thi đấu khi chưa ở trạng thái tốt nhất.
Từ ngày có ngoại binh đến nay, V-League luôn cho thấy việc các đội bóng phụ thuộc tương đối nhiều vào các cầu thủ nước ngoài. Có những thời điểm thành bại của các đội bóng 90% phụ thuộc vào phong độ của những cầu thủ ngoại này.
Thông thường, thời điểm trước mùa giải là khoảng “thời gian vàng” để các CLB dự V-League tuyển chọn ngoại binh. Thông qua nhiều nguồn khác nhau, các CLB sẽ tiến hành thử việc những cầu thủ ngoại thông qua những buổi tập, những trận đấu giao hữu để từ đó chốt danh sách những cầu thủ nước ngoài ưng ý nhất cho mùa giải mới.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng như vậy ở mùa giải 2021 khi dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới lao đao. Những ngoại binh muốn đến V-League thi đấu hay thử việc sẽ phải trải qua quá trình cách ly 14 ngày. Đây là thử thách mà không phải CLB nào cũng chấp nhận trước khi ký hợp đồng, nhất là khi quãng thời gian chuẩn bị cho mùa giải vốn đã bị cắt ngắn.
Không chỉ những cầu thủ ngoại mới lần đầu đến V-League, những gương mặt có yếu tố nước ngoài đã từng thi đấu ở sân chơi số một Việt Nam khi trở lại sau thời gian về thăm nhà cũng phải tiến hành cách ly. Điều đó khiến một số CLB thiệt quân ở vòng đầu tiên của giải đấu như Thanh Hóa với trường hợp của Hoàng Vũ Samson hay Đà Nẵng với cầu thủ tân binh Hedipo, mùa trước đá cho Bình Dương.
Cũng chính vì những khó khăn kể trên trong việc tuyển chọn cầu thủ ngoại khiến các CLB phải thận trọng hơn trong việc ký hợp đồng với các ngoại binh. Trường hợp Nam Định chỉ ký hợp đồng có thời hạn 1 tháng với 2 cầu thủ Gramoz và Wesley là ví dụ điển hình nhất dù rằng họ đã chơi tốt trong ngày ra quân và góp phần đưa đội bóng thành Nam đến thắng lợi ấn tượng 3-0 trước đương kim á quân Hà Nội FC.
Quả thật, nói các CLB ở V-League 2021 phải tiếp tục “chuẩn bị” khi mùa giải đã bắt đầu là không sai chút nào.
Hầu như tất cả các CLB tham dự giải đấu số 1 Việt Nam năm nay đều chưa sẵn sàng 100%. Ngay cả đội bóng được đánh giá có sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo trong khoảng thời gian tối đa trước mùa giải như Sài Gòn FC cũng có những vẫn đề cần phải khắc phục.
Đoàn quân của HLV Vũ Tiến Thành đã có khởi đầu thuận lợi với chiến thắng trước HAGL (đội bóng cũng có những sự chuẩn bị gấp gáp do tân HLV Kiatisuk phải trải qua 2 tuần cách ly) nhưng sự ăn ý giữa những cầu thủ mới của CLB này sau khi đã chia tay đến 21 cầu thủ mùa trước vẫn là điều họ cần cải thiện.
Với những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch V-League 2021 như Viettel hay Hà Nội FC, quá trình chuẩn bị của họ còn “ngổn ngang” hơn rất nhiều và chắc chắn 2 CLB này sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện, lắp ghép đội hình cho những vòng đấu tới.
2 HLV Chu Đình Nghiêm (Hà Nội FC) và Trương Việt Hoàng (Viettel) đều khẳng định các cầu thủ đã chơi không đúng khả năng tốt nhất trong những trận thua trước Nam Định và Hải Phòng ở trận, họ sẽ cần thêm thời gian để trở lại với đúng nhịp độ thi đấu vốn có.
Tuy nhiên, những khó khăn mà các đội bóng dự V-League 2021 phải trải qua cũng đang là hoàn cảnh chung của nhiều đội bóng trên toàn cầu. Nhìn ra thế giới, dịch Covid-19 đã khiến các giải đấu hàng đầu châu Âu cũng rơi vào hoàn cảnh gấp gáp trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải.
Ở nước Anh, những đội bóng lớn như MU hay Man City cũng đã từng “trầy trật” ở giai đoạn đầu Ngoại hạng Anh 2020/2021 khi chỉ có khoảng 1 tháng chuẩn bị trước khi có được vị thế như hiện tại ở nhóm đầu bảng.
Tại Tây Ban Nha hay Italy, tình hình còn “bi đát” hơn với Real Madrid, Juventus hay Barca. Từ chỗ là những ứng viên vô địch, quá trình chuẩn bị không như ý đã khiến các đội bóng hùng mạnh này bị tụt lại và gặp không ít thách thức trong việc vươn lên trở lại cuộc đua vô địch khi khoảng cách với những đội đứng đầu đã lớn dần.
Tại châu Á, các đội bóng ở những nước bóng đá phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cũng đang gặp nhiều thách thức trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải 2021. Thậm chí K-League còn chưa hẹn ngày khởi tranh trong khi A-League vừa bắt đầu mùa giải đã có những trận đấu bị tạm hoãn. Tình hình có khả quan hơn đôi chút với các nước Tây Á khi các giải đấu ở đây phần lớn đã đi đến giai đoạn cuối mùa nhưng các trận đấu cũng phải diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ về y tế.
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, quá trình tham gia các giải đấu của những CLB V-League dù khó khăn nhưng vẫn còn là thuận lợi nhất. Thai League, Indonesia League chưa thể kết thúc mùa giải cũ trong khi hầu hết các giải VĐQG khác trong khu vực đều chưa thể ấn định ngày khởi tranh mùa giải 2021.
Với những diễn biến hiện tại của V-League 2021, những vòng đấu sắp tới có thể sẽ lại tiếp tục chứng kiến những bất ngờ như đã xảy ra trong ngày khai màn. Câu hỏi “sự chuẩn bị” kéo dài đến khi nào chắc chắn sẽ còn ám ảnh các CLB dự V-League 2021 trong thời gian tới./.
Tác giả: Trần Tiến - Trình bày: Quang Huy/VOV.VN