Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 với bài kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững, nhằm chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngay từ đầu năm, một loạt chương trình, sự kiện lớn đã được ngành văn hóa triển khai trên quy mô toàn quốc như: Lễ phát động “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”… Văn hóa đã từng bước thấm sâu vào các hoạt động kinh tế, chính trị cũng như mọi mặt của đời sống xã hội:

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV chính thức Thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022, theo đó đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều vấn đề mới phát sinh cũng được bổ sung vào Luật như: công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số, các quy định về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh, cơ chế thu hút, khuyến khích nhà sản xuất phim, chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh…

Với 449/ 467 đại biểu tán thành, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022.
Điện ảnh Việt tìm đường ra thế giới.

Sự kiện Hãng đấu giá Millon (Paris, Cộng hòa Pháp) tổ chức đấu giá trên website của hãng nhiều cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của Việt Nam đã khiến dư luận và cả giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu không khỏi lo lắng. Đây là ấn vàng của nhà Nguyễn triều Minh Mạng, mang giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa và nghệ thuật vô cùng to lớn, là di sản văn hóa của dân tộc, biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam.

Cũng bởi lẽ đó, quyết tâm hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được xem là nhiệm vụ phải làm - bằng mọi giá. Và cuối cùng, sau rất nhiều cuộc đàm phán, thương lượng, Việt Nam đã thực hiện thành công các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nghề gốm truyền thống của người Chăm đang có xu hướng biến đổi và mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".
Phụ nữ Chăm thực hành nghệ thuật làm gốm.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là hết sức quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ và các giải pháp tích cực của Chính phủ và chính quyền địa phương, di sản sẽ được quan tâm, bảo vệ tốt hơn. Sự ghi danh này của UNESCO cũng sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những mảng sáng, năm 2022 cũng là năm của những gam màu xám trong giới nghệ sĩ, showbiz Việt. Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh trở thành 2 cái tên được tìm kiếm nhiều nhất sau “sự cố” liên quan đến bê bối tình dục tại Tây Ban Nha, khiến cho hình ảnh và sự nghiệp của cả hai bị ảnh hưởng nặng nề. Những mối quan hệ tình ái ngoài luồng, sai trái của nữ ca sĩ Hiền Hồ hay diễn viên Phương Oanh cũng là những scandal gây chấn động, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Theo kết quả được Google công bố, đó đều là những nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất năm 2022.

Theo thống kê Google, “Hồng Đăng” là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất với hơn 200.000 lượt tìm kiếm.
Ca sĩ Hiền Hồ hay diễn viên Phương Oanh cũng là những scandal gây chấn động.

Những bê bối đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp trong đạo đức, tư cách, lối sống của một bộ phận nghệ sĩ Việt hiện nay, cần phải chấn chỉnh, xử lý một cách quyết liệt. Chuẩn mực nghệ sĩ - đó có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết…

Năm 2022 tiếp tục là một năm mất mát của giới văn nghệ sĩ Việt khi hàng loạt nghệ sĩ tài hoa rời cõi tạm. Đó là nhạc sĩ, NSND Trọng Bằng, các nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Hồng Đăng, Ngọc Châu; nhà văn Lê Lựu… Sự ra đi của họ để lại niềm tiếc nuối, nhớ thương trong giới nghệ sĩ nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung.

NSND Trọng Bằng, Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Hồng Đăng, Ngọc Châu; nhà văn Lê Lựu. (theo thứ tự từ trái sang)

Sự dấn thân, cống hiến hết mình vì nghệ thuật, vì khán giả của các nghệ sĩ - sẽ còn đọng lại mãi trong lòng người hâm mộ.

Ngày 15/3/2022, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không; khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19; không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa.

Dù khách tới Hội An không "bùng nổ" như thời điểm trước dịch Covid-19 xảy ra, nhưng thời điểm tháng 10/2022 thu hút nhiều du khách tới tham quan du lịch, là tín hiệu khả quan đối với thành phố ven sông Hoài... (Ảnh: Tổ Quốc)

Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới và cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực, liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch…

Du khách tại cố đô Huế.
Cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc) luôn là điểm thu hút đông khách du lịch

Với những bước chuẩn bị tốt nên dù sự phục hồi chưa được toàn diện như mong muốn, năm 2022 đã ghi dấu ấn với sự trở lại mạnh mẽ của du lịch nội địa, khi đạt trên 100 triệu lượt khách (tăng gấp rưỡi so với mục tiêu đề ra), vượt qua tất cả các dự báo.

Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 (nghìn lượt).
Thống kê của Google Destination Insights, nhu cầu tìm kiếm về địa điểm lưu trú và hàng không quốc tế cao nhất đến TP.HCM (100 điểm), Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng và một số điểm đến nổi tiếng của Việt Nam năm 2022.

Tiếp tục là “cơn mưa” giải thưởng cho Du lịch Việt năm 2022 khi Việt Nam liên tiếp được xướng tên tại Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 29 khu vực châu Á Thái Bình Dương của tổ chức World Travel Awards (được ví như Giải Oscar về Du lịch).

Đây cũng là lần thứ 4 Việt Nam được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, khẳng định thương hiệu và vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới.


Chủ Nhật, 13:41, 01/01/2023