Chiến sự Nga Ukraine là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2022, tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trên toàn thế giới.
Khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, ông đã khiến thế giới bất ngờ. Mặc dù trước đó, Mỹ cảnh báo rằng Nga đang có kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng cảm giác hoài nghi vẫn bao trùm ngay cả khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu.
Hiện tại, châu Âu đang phải chứng kiến cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến II. Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 mà không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giới phân tích cho rằng, chiến sự tại Ukraine là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2022, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Giao tranh đang diễn ra ác liệt trên nhiều mặt trận và có thể sẽ định hình cục diện quốc tế trong năm 2023, thậm chí xa hơn nữa.
Ông Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO cho rằng: “Xung đột Nga-Ukraine tạo ra một cơn địa chấn lớn, làm xáo trộn toàn bộ bàn cờ địa chính trị toàn cầu”.
Chỉ vài tháng trước khi Nga tiến hành cuộc tấn công Ukraine, Mỹ được cho là đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trên vũ đài chính trị toàn cầu vào năm 2021. Đã có rất nhiều lời chỉ trích cũng như sự nghi ngờ về khả năng của Washington trong việc tiếp tục đảm nhận vai trò dẫn đầu trong nhiều sự kiện quốc tế và đưa các đồng minh xích lại gần nhau. Vị thế của Mỹ gần như suy giảm sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan và để Taliban giành quyền kiểm soát chính phủ sau 20 năm can dự cuộc xung đột.
Động thái của Nga diễn ra chưa đầy 1 năm sau khi những người biểu tình mang theo biểu ngữ ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol, làm xói mòn niềm tin vào sức mạnh nước Mỹ. Trong khi đó, các nước như Nga, Trung Quốc dần giành mở rộng ảnh hưởng và tìm cách thế chân Washington.
Đối với Tổng thống Putin, giai đoạn đầu năm 2022 được coi là thời điểm thích hợp để phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Quân đội Nga là một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới, chưa kể Moscow có ưu thế lớn khi là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu. Trong khi đó, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang bị rạn nứt nghiêm trọng và được cho là khó tạo ra một mặt trận đoàn kết để đối phó Nga.
Một số nhà phân tích cho rằng, Kiev sẽ thất thủ trong vài ngày sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công. Nhưng tình hình trên thực địa lại khác xa so với những đánh giá ban đầu. Sự kháng cự quyết liệt của Ukraine đã khiến Nga khó đạt được các mục tiêu một cách nhanh chóng.
Ông Rebekah Koffler, cựu sĩ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ kiêm chuyên gia về Nga cho rằng: “Tổng thống Putin kỳ vọng sẽ kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong vòng vài ngày, tối đa vài tuần, buộc ông Zelensky phải đầu hàng và thành lập một chính phủ mới thân Nga hoặc ít nhất là không thân phương Tây, đồng thời từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO”. Nhưng kỳ vọng về một chiến thắng chớp nhoáng như vậy đã không thành hiện thực.
Không thể kết thúc chiến dịch quân sự một cách chóng vánh, Nga đã rút quân khỏi phía Bắc, tái tập hợp lực lượng và chuyển trọng tâm sang các khu vực phía Nam và phía Đông của Ukraine. Trong khi đó, quân đội Ukraine chuyển sang thế phòng thủ trên nhiều mặt trận khi Nga tăng cường tấn công vào căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời tập kết lực lượng và vũ khí hạng nặng để củng cố quyền kiểm soát các khu vực Kherson, Donbass.
“Tổng thống Putin đã bổ nhiệm vị tướng giàu kinh nghiệm chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt và thay đổi chiến lược của ông. Ông ấy tập trung lực lượng ở miền Đông Ukraine sau khi sáp nhập nhập bốn khu vực - Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson - dọn đường cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân theo học thuyết của Nga”.
Giao tranh dữ dội đã tiếp diễn ở phía Đông và phía Nam trong suốt mùa Xuân và mùa Hè. Thay vì phát động các cuộc tấn công lớn trên những mặt trận chính, ông Putin chuyển hướng nhằm làm suy yếu khả năng quân sự của Ukraine và làm gián đoạn dòng chảy vũ khí Mỹ và đồng minh chuyển giao cho Kiev.
Về phía Ukraine, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng từ bỏ hoặc nhượng bộ lãnh thổ. Được sự hỗ trợ liên tục của phương Tây, Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ, trong đó có cả bán đảo Crimea.
“Crimea là của Ukraine và chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”, ông Zelensky phát biểu hồi tháng 8/2022.
Quân đội Ukraine đã tiến hành cuộc phản công lớn, nhằm vào các thành trì kiên cố của Nga ở phía Đông và phía Nam, giành quyền kiểm soát một số khu vực. “Các lực lượng Ukraine đã giành lại khoảng 5% trong số 20% lãnh thổ Ukraine mà Nga đang nắm giữ”, ông Koffler lưu ý.
Những đợt tấn công dữ dội của Ukraine khiến Tổng thống Putin phải thừa nhận, cuộc xung đột có thể kéo dài và tình hình tại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine “cực kỳ khó khăn”. Đây cũng là lý do khiến nhà lãnh đạo Nga quyết định tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2023 lên đến 84 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có mà phương Tây áp đặt đối với Nga, đang gây cản trở việc thực hiện các mục tiêu của Nga và hạn chế khả năng tiếp tế vũ khí, đạn dược cho lực lượng ở chiến trường.
Cuộc xung đột ở Ukraine nhanh chóng khiến phương Tây xích lại gần nhau và đây là có lẽ điều khác biệt so với suy đoán ban đầu của Tổng thống Putin. Chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực xây dựng liên minh để cô lập Nga cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, đồng thời cung cấp cho Kiev sự hỗ trợ quan trọng.
Tổng thống Putin phát động cuộc tấn công với ý định làm suy yếu NATO, một liên minh mà Ukraine luôn tìm cách gia nhập. Mặc dù Ukraine không phải là thành viên của liên minh này và khó có khả năng được kết nạp trong tương lai gần, đặc biệt khi giao tranh vẫn tiếp diễn, mục tiêu của Tổng thống Putin làm xói mòn sự thống nhất của NATO vẫn chưa đạt được. Trong khi đó, NATO đang trên đà mở rộng – với việc Phần Lan và Thụy Điển – những quốc gia từng theo đuổi chính sách không liên kết quân sự đã thay đổi lập trường và nộp đơn gia nhập khối. Còn EU đã thực hiện các bước đi để chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Tổng thống Putin đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Iran nhằm tạo ra một mạng lưới hợp tác đối trọng với liên minh xuyên Đại Tây Dương. Nga được cho là đã nhờ sự hỗ trợ của Iran để duy trì chiến lược mới, với việc đặt mua hàng trăm máy bay không người lái cảm tử và nhiều khi tài quân sự khác. Cuộc xung đột tại Ukraine dường như đã tạo đòn bẩy để hai bên tăng cường hợp tác.
Hôm 25/12 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị về Tình hình quốc tế và Quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Tại đây hai bên tuyên bố quan hệ song phương “vững như bàn thạch" và miễn nhiễm trước các thay đổi trong môi trường quốc tế. Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Bắc Kinh vẫn mạnh tay nhập khẩu dầu mỏ Nga. Trung Quốc đã không đồng ý mức giá trần phương Tây áp đặt với dầu mỏ Nga và các công ty nước này cho biết họ vẫn đang kinh doanh bình thường.
Hiện các cuộc giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine cũng như việc các bên đặt điều kiện riêng để tham gia đàm phán có thể khiến xung đột kéo dài đến năm 2023. Một số nhà quan sát cho rằng đã mô tả chiến sự giữa Nga và Ukraine là “một cuộc xung đột đóng băng” và cho biết họ không nhìn thấy bất cứ triển vọng nào giúp các bên chấm dứt thế bế tắc trên chiến trường.
"Không có con đường quân sự nào dẫn đến chiến thắng hoàn toàn của Ukraine hay Nga trong cuộc xung đột này. Ukraine không thể chiến thắng vì họ không có vũ khí hạt nhân trong khi Nga thì có. Nga cũng không thể thắng lợi chừng nào Mỹ và châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”, ông Rebekah Koffler nhận định.
“Nếu NATO triển khai lực lượng vào chiến trường thì Tổng thống Putin chắc chắn sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Biden biết rõ điều này và đây là lý do ngay từ đầu ông đã tuyên bố không triển khai binh sỹ tới Ukraine”.
Nhiều nhà phân tích đã tỏ ra thiếu lạc quan về khả năng các bên đạt được một giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột, vì cho rằng các điều khoản của thỏa thuận mà mỗi bên đưa ra sẽ khó được bên kia chấp nhận.
“Cuộc xung đột tại Ukraine có thể nhanh chóng biến thành chiến trường Afghanistan 2.0. Theo nhận định của tôi, trong 2 đến 5 năm nữa, giao tranh vẫn tiếp diễn trên thực địa. Dù các bên làm trung gian hòa giải nỗ lực đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán nhưng cơ hội đạt được hòa bình rất khó khăn vì các bên không tin tưởng nhau”, ông Koffler lưu ý.
Khi xung đột kéo dài đến năm 2023, hệ quả mà nó gây ra như giá năng lượng tăng cao và tình trạng lạm phát sẽ trở nên trầm trọng hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Nga và Ukraine, cuộc xung đột sẽ tiếp tục đặt ra những câu hỏi phức tạp và nhiều vấn đề hóc búa cho phương Tây vào năm 2023.
Đảng Cộng hòa ngày càng phản đối các khoản viện trợ khổng lồ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Điều này có thể khiến Nhà Trắng đau đầu, sau khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2023. Khi xung đột kéo dài và tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, chắc chắn tại Quốc hội Mỹ sẽ có nhiều lời kêu gọi tìm kiếm cuộc đàm phán để chấm dứt giao tranh - ngay cả khi điều đó liên quan đến việc Kiev phải nhượng bộ. Những cuộc tranh luận về vấn đề này có thể khoét sâu hơn sự chia rẽ trên chính trường Mỹ.
Chưa kể, tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng. Một số chuyên gia cho rằng hậu quả mà cuộc khủng hoảng Ukraine có thể tồi tệ so với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, xảy ra cách đây 60 năm.
Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho rằng: “Hậu quả do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra có thể kéo dài đến năm 2023, thậm chí lâu hơn”. Theo giới phân tích, ảnh hưởng rộng lớn của của cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể khiến đây trở thành một cuộc chiến quyết định thời đại. "Không có câu chuyện nào khác gói gọn sự biến đổi lâu dài của thế giới như câu chuyện này. Tác động của nó sẽ theo chúng ta trong nhiều năm", ông Ivo Daalder, cựu Đại sữ Mỹ tại NATO nhấn mạnh./.