Cần Thơ vào mùa sạt lở, nhà ở ven sông rạch lại báo động mất an toàn

VOV.VN -Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở có việc người dân bất chấp nguy hiểm xây cất, cơi nới nhà trên sông, kênh, rạch.

Thời gian qua, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Cần Thơ gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở có việc người dân bất chấp nguy hiểm xây cất, cơi nới nhà trên sông, kênh, rạch. Đây là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay mà ngành chức năng Thành phố Cần Thơ đang tập trung giải quyết.

Những hình ảnh căn nhà ven sông đổ ụp xuống sông do sạt lở nghiêm trọng gần đây.

Những năm gần đây, ngành chức năng thành phố Cần Thơ và các quận, huyện cũng đã xử lý hàng trăm vụ xây dựng trái phép, lấn chiếm sông, rạch làm mất mỹ quan, hệ sinh thái bờ sông.

Theo thống kê, hiện thành phố có hơn 48 tuyến sông với tổng chiều dài hơn 579km. Điều đáng lo ngại, cứ vào mùa mưa lũ lại tái diễn tình trạng ngập, nghẹt, sạt lở bờ sông, tài sản của người dân có nhà cặp sông rạch có nguy cơ “trôi theo dòng nước”, thậm chí còn ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân.

Do tập tục vùng miền, nhà ở của người dân thường cặp ven sông rạch, đa phần là nhà tiền chế kết cấu không ổn định, trong khi lại thường xuyên cơi nới. Qua nhiều năm biến động của dòng sông, kênh, rạch sức chịu tải của nhà cũng kém dần, đây là một trong những yếu tố xảy ra sạt lở và mang tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Cần Thơ sẽ di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu đã gặp không ít khó khăn. Liên quan đến vấn đề di dời các hộ dân trên sông, rạch.

Ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ, lý giải khó khăn trong việc di dời các nhà ở trên sông.

Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở xây dựng TP.Cần Thơ, vấn đề nan giải hiện nay là hầu hết các nhà ở trên sông rạch tồn tại lâu đời nên rất khó di dời. Do đó, để di dời những hộ dân tại khu vực này cần có nguồn lực lớn để đầu tư tái định cư cũng như bố trí khu dân cư.

“Để di dời chỗ này, phải có nguồn lực rất lớn để thực hiện việc bố trí tái định cư và bố trí dân cư. Thông thường thì thành phố sẽ lồng ghép ở các chương trình phát triển đô thị, ví dụ như hiện nay thành phố đang thực hiện dự án 3 để từng bước thực hiện vấn đề này. Hy vọng, khi dự án này hình thành sẽ tạo các mặt nước thông thoáng cũng như giải quyết một phần lớn các nhà ở trên sông rạch hiện nay”, ông Toàn cho biết.

Trước đó UBND TP. Cần Thơ đã đưa ra lộ trình giai đoạn 2018 - 2020, trong đó triển khai xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ sông tại các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền với chiều dài 21.940m, tổng mức đầu tư 2.441 tỷ đồng và tiến hành di dời hơn 1.000 hộ dân sống ven sông vào nơi an toàn tránh xa sạt lở.

UBND TP.Cần Thơ tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho TP. Cần Thơ thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (quận Ô Môn) với tổng số tiền 421 tỷ đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên