Hà Lan: Bi kịch từ những “cái tôi” ích kỷ
“Cái tôi” quá ích kỷ của Robben và một số người khác đã giết chết hàng triệu con tim cổ động viên Hà Lan
EURO 2012 đã trải qua một tuần nóng bỏng với 14 trận đấu sôi động, chất chứa những dư vị ngọt ngào lẫn bất ngờ. Với 39 bàn thắng (tỷ lệ hơn 2,7 bàn/trận), EURO 2012 đã cho thấy sức lôi cuốn của bóng đá tấn công và hứa hẹn nhiều kịch tính, nhiều pha bóng đẹp.
Có những đội bóng đã bước đầu tạo được dấu ấn bất ngờ tích cực và cũng có cả đội bóng với nhiều hảo thủ lại bất ngờ quỵ ngã. Có những cá nhân tỏa sáng cùng đồng đội và ngược lại, có những “cái tôi” lớn đến mức ích kỷ, tự làm nhỏ bé hình ảnh của mình trong lòng người hâm mộ và quan trọng nhất là làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của toàn đội.
Tại EURO 2012, bảng B với 4 đội là Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đan Mạch tạo nên một bảng đấu với tên gọi “tử thần”. Theo đánh giá của giới chuyên môn trước giải đấu, cuộc đua giành 2 suất đầu bảng đấu này sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa 3 đội: Đức, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, ở ngay lượt đấu đầu tiên, những “chú lính chì” Đan Mạch đã gây bất ngờ lớn khi vượt qua “cơn lốc màu da cam” Hà Lan. Đan Mạch đã thành công với chiến thuật hợp lý phòng ngự chặt, phản công sắc bén.
Tuy thi đấu “trên chân” đối thủ, liên tục dồn ép với nhiều pha hãm thành nguy hiểm, nhưng Hà Lan lại thiếu sự may mắn để có được bàn thắng và đành chấp nhận một trận thua đau. Thất bại này như một đòn giáng mạnh vào Ban huấn luyện và cầu thủ Hà Lan. Một số cầu thủ bị chỉ trích nặng nề với lối thi đấu được cho là ích kỷ, không hiệu quả. Ngay lập tức trước trận đấu thứ hai gặp đối thủ nặng ký Đức, nội bộ của Hà Lan rối tung khi những “cái tôi” bất ngờ bộc phát. Robben – cầu thủ được kỳ vọng nhiều nhất của Hà Lan tại giải đấu này nhưng lại thi đấu mờ nhạt trong trận thua Đan Mạch – lên tiếng chỉ trích HLV Marwijk. Tiền đạo vừa có một mùa giải thành công tại Bundesliga là Huntelaar cũng không giấu diếm bày tỏ thái độ bất mãn khi không được xếp vào đội hình thi đấu chính thức. Ngay chính HLV Marwijk cũng bị chỉ trích khi để con rể của mình là Van Bommel thi đấu quá lâu trên sân mặc dù tuổi tác cao và phong độ không còn như trước.
Nội bộ của Hà Lan lục đục “rối như canh hẹ” dường như báo trước một kết quả bất lợi và họ đã thi đấu bệ rạc trước “cỗ xe tăng” Đức, chuốc lấy thêm một kết quả thảm hại.
Thật kỳ lạ là trong một trận đấu “tử chiến” rất quan trọng trước Đức, “cơn lốc màu da cam” lại dễ dàng sụp đổ ngay trong hiệp một khi bị dẫn trước đến 2 bàn không gỡ. Còn trong hiệp 2, mặc dù Van Persie đã rất nỗ lực ghi được bàn thắng rút ngắn khoảng cách, nhưng các cầu thủ Hà Lan lại có một thái độ thi đấu rất kỳ lạ: Họ thi đấu lừng khừng, lên bóng chậm chạp như thể đội mình đang dẫn 2-1 chứ không phải cần bàn thắng gỡ hòa, thậm chí không thèm tranh cướp bóng tích cực. Dường như chỉ có Van Persie và Sneijder là thực sự tích cực thi đấu. Robben thậm chí còn vùng vằng như một đứa trẻ nhảy qua bảng quảng cáo để rời sân, không thèm bắt tay đồng đội vào thay mình để phản đối quyết định của HLV Marwijk. Phải nói rằng, Robben bị thay ra là khá chính xác khi thi đấu kém hiệu quả và ích kỷ như mọi khi. “Cái tôi” quá ích kỷ của Robben và một số người khác đã giết chết hàng triệu con tim cổ động viên Hà Lan.
Với 2 thất bại cay đắng, “Cơn lốc màu da cam” giờ đây từ chỗ là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch đã trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho suất bị loại ngay tại vòng đấu bảng. Cơ hội của Hà Lan đi tiếp vào vòng sau vẫn chưa hết, nhưng mong manh như “chỉ treo chuông”.
"Cái tôi" của Robben làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của Hà Lan |
Với Bồ Đào Nha, danh thủ bảnh trai và điệu đà C.Ronaldo vẫn luôn là một kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, qua 2 trận đấu, Ronaldo vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng này, bỏ lỡ 2 tình huống ghi bàn đáng tiếc trong trận đối đầu trước Đan Mạch dường như do tâm lý căng cứng. “Cái tôi” của Ronaldo từ trước đến giờ vẫn luôn không chịu kém ai, nhưng tâm lý của cầu thủ này lại không vững. Thậm chí, Ronaldo còn lôi cả đối thủ “không đội trời chung” là tiền đạo Messi vào việc bào chữa cho phong độ kém cỏi của mình trước báo giới: “Năm ngoái (tại Copa America 2011), Messi cũng thất bại và không làm gì được. Anh ta có hơn gì tôi đâu!”.
Ronaldo hiện vẫn là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới, nhưng để cải thiện được hình ảnh chỉ là “cầu thủ lớn trong những trận đấu nhỏ” thì bản thân anh cần nỗ lực, kiềm chế mình nhiều hơn nữa. Nếu không, Ronaldo rất dễ dẫm phải vết xe đổ như Robben vậy.
Trong bóng đá, một cầu thủ giỏi và cá tính thì thường có “cái tôi” không nhỏ, mà những danh thủ lớn như Maradona, Romario, Hagi, Stoikov… là những ví dụ điển hình. Nhưng để những “cái tôi” đó tỏa sáng đúng lúc, có ích lợi với một đội bóng, một tập thể thì không phải ai cũng làm được./.