Người đàn bà điên

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm

Ở xóm tôi có một người đàn bà điên. Người đàn bà điên ấy sống một mình, nhưng không biết có ai đó vẫn thường xuyên cho bà ta tiền để sống. Điên mà biết xài tiền thì kể cũng lạ.

Bà chủ quán cơm trong xóm nói với tôi:

- Tháng nào cũng có một người đến đây đưa tiền cho tôi, biểu nấu cơm cho bà ấy ăn, nhín cho bà ít tiền bỏ túi. Lúc là người đàn ông, lúc là người đàn bà, có lúc lại là một anh hay một chị thanh niên nào đó. Có lẽ là người nhà của bà ta. Hỏi thì họ nói, cứ nhận tiền là được rồi.

Người đàn bà điên ấy có gương mặt lúc nào cũng như chảy nhểu ra một nỗi buồn u ẩn, nhưng coi cũng không đến nỗi nào. Có điều nhìn vào mắt của bà ta thì sợ lắm. Nó sâu hun hút và vô hồn tới lạnh lẽo. Bà ta thường ngày vẫn bắc ghế ngồi trước cửa, luôn mồm lẩm nhẩm đôi môi như đang nói thầm một điều gì đó.

Trẻ con trong xóm rất sợ lại gần bà ta, bởi đứa nào đến gần, thế nào bà ấy cũng nắm tay kéo ghì vào lòng, hôn chùn chụt lên má lên cổ chúng nó. Những đứa tò mò đứng ở xa, bao giờ bà ta cũng ngoắt tay gọi lại. Lạ một điều là trẻ con trong xóm không hề có một đứa nào dám hỗn với bà, như ném đá, như lêu lêu bà ta chẳng hạn. Và bởi bà ta suốt ngày bắc ghế ngồi trước cửa, nên hết thảy người lớn cũng như trẻ con, không hề một ai biết được, trong căn nhà lá lụp xụp ấy có những gì.

Lối xóm đồn đãi rằng, bà ấy bị bội tình nên hóa điên, bỏ nhà mà đi. Còn tại sao gia đình bà ấy không đi tìm đưa bà về, dân xóm tự lý giải rằng, gia đình bà ta ở bạc, không một ai muốn chứa chấp người điên trong nhà.

Khi bà ấy đến xóm tôi, bà ấy chỉ có độc một bộ đồ rách te tua, hở hết cả da thịt ra ngoài. Hàng ngày bà ta ngồi chầu chực ở một xó trong quán cơm để vét những chỗ cơm thừa trên dĩa của khách. Tối đến, bà ta mò vào ngủ lăn lóc ở một góc đình. Mới đầu, những người giữ đình không thấy ai nói gì. Nhưng rồi một đêm, lối hơn mười giờ một chút, bỗng bà ta hét lên thất thanh. Ông lão giữ đình thức dậy chạy ra khỏi chỗ ngủ của mình, thấy rành rành người đàn bà điên không còn một miếng vải trên người. Lối xóm đốt đuốc tìm lòng vòng một hồi thì túm được một gã trai làng say rượu đang núp ở góc bờ tường nhà vệ sinh sau đình. Gã trai này cũng trần như nhộng. Gã ta ngồi thụp xuống, chắp tay lạy như tế sao, thề rằng gã chưa làm được gì cả. Do chuyện này mà dân làng sợ ngôi đình bị ô uế, xúm nhau dựng cho người đàn bà điên một ngôi nhà lụp xụp.

Căn nhà ấy tựa vào một cây dừa cành lá xum xuê, cặp theo mé một con xẻo, sát ngay bên ngôi đình thờ tổ của làng. Chỗ ấy là chỗ tận cùng của con đường nhỏ ăn ra mí nước con xẻo rộng chừng năm sáu thước, xung quanh rậm rì lau sậy. Những trưa nóng nực, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp người đàn bà điên trần truồng từ căn nhà lội xuống con xẻo để tắm. Mới đầu còn có nhiều người tò mò, rình núp đâu đó bên kia con xẻo để coi trộm bà ta. Nhưng rồi hầu hết đám đàn ông, con trai trong xóm đều được các bà, các cô dạy cho đến nơi đến chốn bởi những sự chửi bới độc địa, khiến họ bỏ dần được thói tò mò khốn khổ ấy.

Người đàn bà điên được đưa về sống trong căn nhà ấy chừng hơn một tháng thì có người tìm đến quán cơm gởi tiền nhờ nuôi bà ta. Do chuyện này mà dân xóm đồn rằng, gia đình người đàn bà điên là gia đình giàu có; còn họ giàu thế nào, giàu ở đâu thì không ai biết được. Mọi chuyện cứ kín bưng như trong ống trúm.

Một hôm tôi đang ngồi ăn dĩa cơm ba ngàn trong quán, tình cờ thấy một cô gái rất trẻ, ăn vận rất mốt bước vào. Cô ta đưa cho bà chủ quán một mớ tiền, rồi quay qua vẫy xe ôm đi ngay lập tức. Phần tôi, ăn xong dĩa cơm bình dân, tôi cũng đón honda ôm để lên chợ huyện mua đồ cho bà ngoại. Tới chợ huyện, đang lội lòng vòng kiếm mua đồ, thốt nhiên tôi nhận ra cô gái trẻ ăn vận rất mốt ấy đang ngồi ăn cơm với hai chàng trai cũng đang độ tuổi như cô. Họ vừa ăn cơm vừa uống bia. Có lẽ nhờ vậy mà tôi mới gặp lại được cô gái. Thấy trước cửa nhà có một chiếc xe hơi đời mới mang biển số thành phố màu xanh, tôi nghĩ chắc là xe của họ. Tò mò, tôi ghé vào quán nước đối diện bên kia đường, gọi một ly nước đá me để chờ. Quả nhiên, ăn uống xong xuôi, cô gái với hai chàng trai bước lên xe, chạy thẳng về hướng thành phố.

Sau khi biết chuyện này, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ rằng, người đàn bà điên chắc hẳn phải là con của một ông bự nào đó trên thành phố. Chứ chẳng lẽ người dưng ở đâu xa lơ xa lắc, đang không lại biết mà tìm tới cho tiền. Tôi đem điều thắc mắc ấy kể lại cho ông từ giữ đình nghe.

Ông từ lắc đầu:

- Chuyện thiên hạ, người ta biết người ta thương, cũng là lẽ thương tình. Hơi đâu mà lo cho nhọc xác.

Năm xảy ra cơn bão số 8, nghe đâu dân miệt biển Cà Mau, Kiên Giang chết nhiều lắm. Ở làng tôi, đi tới đâu cũng nghe bàn tán về sự chết chóc. Mỗi người một ít, ai cũng tìm cách đóng góp bạc tiền gởi về dưới ấy. Bấy giờ tôi làm thư ký ủy ban nhân dân ấp. Một hôm đang ngồi cộng sổ đóng góp cứu trợ đồng bào bị bão lũ, thốt nhiên tôi nghe có tiếng bà chủ quán cơm trong xóm đang nói chuyện rổn rảng với ai đó ngoài sân. Tôi với bà chủ quán cơm vốn có họ hàng xa về bên nội, nên tôi bước ra chào bà.

- Mầy hay gì chưa (bà chủ quán cơm nói với tôi)? Có ai đó lén bỏ đứa con đỏ hỏn vào giường người đàn bà điên, lúc bà ấy đang ngủ.

Quả là chuyện động trời.

Hội Phụ nữ xã cử người xuống họp với Ban Phụ nữ ấp. Cuộc họp kết luận, phải kiếm người khá giả đứng ra tự nguyện nuôi đứa con ấy, cùng lắm thì đưa đứa bé bị bỏ rơi về cơ sở nuôi trẻ sơ sinh của tỉnh. Và cuối cùng, mọi người nhất trí cử tôi đứng ra lo chuyện này, bởi tôi là cán bộ phụ nữ của ấp.

Do có sự phân công của tổ chức, tôi nhờ một dì tương đối lớn tuổi cùng tôi đến căn nhà của người đàn bà điên. Hai chúng tôi ngồi lại bàn bạc cả tiếng đồng hồ, sau đó quyết định, ngay buổi chiều phải đến gặp người đàn bà điên, bởi không thể để đứa bé sống lâu hơn với người điên; điều đó rất nguy hiểm cho tính mạng của đứa bé.

Khi chúng tôi đến nơi, một cảnh tượng rất thương tâm hiện ra trước mắt.

Người đàn bà điên đang ngồi ôm đứa trẻ trong lòng. Bà ta ngồi trên chiếc võng bện bằng dây bẹ chuối xiêm, vừa đung đưa chiếc võng nhè nhẹ, vừa hát ru khe khẽ:

Ầu ơ ơ

Ngủ đi trời nắng trời mưa

Con cò con vạc đi đâu

Gió to ướt rụi lá trầu

Ầu ơ ơ

Ầu ơ ơ

Dưới chân chị ta, chơ vơ một tộ nước cơm trên mặt đất. Trong tộ có chiếc muỗng nhỏ. Không biết chị ta kiếm đâu ra những thứ đó. Lại còn lụ khụ cơ man không biết bao nhiêu là giẻ rách. Cả một con búp bê nhựa đã sứt mất hai tay, hai chân, chỉ còn có cái đầu và cái thân móp méo.

Chợt nhận ra chúng tôi, chị ta lập tức ôm ghì đứa bé vào lòng, hai mắt trố ra hoảng loạn. Chị ta ghì chặt đến mức, đứa bé đang ngủ yên, bỗng khóc ré lên ngàn ngạt.

Người dì lớn tuổi cùng đi với tôi, bước lên một bước, chìa hai cánh tay về phía trước. Lập tức người đàn bà điên đứng dậy, ẵm xiết đứa bé vào lòng, chạy tới góc nhà ngồi thụp xuống. Hai mắt chị ta vẫn trố ra, thăm thẳm nỗi hoảng loạn tới tột cùng.

- Về thôi mầy ơi (người dì lớn tuổi nói với tôi)! Không giằng được đứa bé ra khỏi vòng tay bà ấy đâu! Về tính cách khác!

Tôi với người dì ấy hùn tiền mua một bình sữa, một cái bình thủy, một ít đường sữa đem đến cho người đàn bà điên. Chúng tôi người đi kiếm củi, người nhóm bếp nấu nước sôi. Rồi chúng tôi ngồi pha sữa cho chị ấy xem. Chị ấy nhìn chúng tôi chòng chọc bằng đôi mắt vô hồn sâu hun hút. Nhưng chúng tôi không tài nào cho đứa bé bú được. Cứ hễ chúng tôi bước tới gần chị, chìa bình sữa ra, y như rằng chị ta lại ôm ghì lấy đứa bé, chạy tới ngồi sụp xuống núp ở góc nhà. Thành thử cuối cùng chúng tôi phải ra về.

Sáng hôm sau, tôi với người dì lớn tuổi ấy lại đến với chị ta. Hai chúng tôi rón rén bước tới ngôi nhà khép kín cửa. Ghé nhìn vào trong, cả hai chúng tôi cùng bàng hoàng như không tin được vào mắt mình. Người đàn bà điên lót giẻ, đặt đứa bé nằm trên đó. Chị ta đã dời ba ông Táo đến sát cái võng. Củi cháy lom rom trong lòng ông đầu rau. Cái bình sữa đã pha đầy đến tận miệng. Người đàn bà điên ngồi xệp dưới đất, tay trái quơ quơ một nùi giẻ như thể đang đuổi muỗi cho đứa bé. Rất lâu, rất lâu sau đó, chúng tôi tận mắt thấy chị ta cầm lấy bình sữa, dúi cái núm cao su vào miệng đứa bé. Đứa bé bú chùn chụt; hết bình sữa còn nghe tiếng chóp chép khát thèm, thương tới trào nước mắt.

Tôi lặng lẽ nắm tay người dì lớn tuổi bước trở ra. Sau đó tôi giật máy coler chạy lên xã.

Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phê bình tôi hữu khuynh, thiếu cương quyết trong hành động. Chị chỉ ra cho tôi thấy một đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi không thể nào sống nổi với một người đàn bà điên. Nào là ăn uống, tắm giặt. Nào là thuốc thang khi đứa trẻ bệnh hoạn. Phân tích xong xuôi cặn kẻ mọi điều, chị biểu tôi cứ về đi, chị sẽ điện lên huyện Hội xin ý kiến giải quyết.

Trên đường về tôi hay tin chú Út bị bệnh nặng, liền chạy ghe qua cù lao thăm chú. Nhà chú neo đơn nên tôi phải ở lại qua đêm. Đáng lẽ tôi phải cùng thím Út đưa chú đi viện, nhưng vì biết tôi còn kẹt vụ đứa trẻ, thím Út biểu tôi cứ về lo cho tròn công việc của Hội.

Về tới xóm, điều đầu tiên tôi nhận ra là quán cơm của người cô có họ xa với tôi hôm nay đóng cửa không bán. Điều thứ hai tôi nhận ra là xóm tôi dường như đang vắng tanh vắng ngắt thế nào. Và điều tiếp theo là tôi nghe rõ tiếng trống đám ma cất lên âm âm từ phía đình làng, phía có căn nhà của người đàn bà điên cất một mình trơ trọi.

Linh tính mách bảo cho tôi có điều gì không hay về người đàn bà điên ấy. Không có lẽ bà ta đang khỏe mạnh như vậy mà chết được? Ông từ giữ đình lại càng không phải. Hai hôm trước ông đã nhờ một người trong xóm đến trông nom đình làng để ông về đám giỗ bên quê ngoại, cách cả mấy trăm cây số. Hay là đứa trẻ? Nhưng là đứa trẻ thì ai người ta rước đạo tì đến để làm gì?

Tôi đẩy mũi ghe, giật máy chạy thẳng về con xẻo. Ghe mới trờ qua khúc ngoặt, chưa tới bến cây còng, tôi đã thấy người bà con xa bán quán cơm xấp xải chạy ra.

- Bây biết gì không? Người đàn bà ấy chết rồi! Bà ta điên cuồng lên, té từ trên cầu khỉ xuống con xẻo này mà chết.

Hai mắt đỏ hoe, bà chủ quán cơm nắm tay tôi lôi xềnh xệch về căn nhà lá của người đàn bà điên xấu số. Hình như dân tất cả xóm tôi, từ người già đến con nít đều tập trung ở đó. Khói nhang mờ mịt, trống tế rợn người. Tiếng sư già tụng kinh rì rầm không ngữ điệu, trải ra hàng chuỗi âm thanh phẳng lì vô vọng.
- Bây không biết gì sao? Lúc nhập nhoạng mặt người chiều qua, đứa nào lén bắt mất con nó đem đi, nó khóc gào lên chạy kiếm. Lúc tối thùi tao đem khăn, đem xà bông tới tắm cho con nó, thấy nó bò lổm ngổm kiếm con trong nhà, nước mắt nước mũi tèm hem. Từ bữa người ta vứt con cho nó, đêm nào xong việc mà tao không đến giúp nó nuôi con. Hồi trưa hôm qua, tao đã gởi người ta mua trên huyện cho con nó hai chục cái tã lót với cái xe nôi. Nó bịnh hoạn như vậy, dân xóm mình ai không thương, ai không lo cho nó, có điều người ta không ra mặt, không nói ra. Phải tao nghỉ bán buổi cơm chiều, đem đến sớm cho nó… thì đâu đến nỗi…

Bà chủ quán cơm nói tới đó thì tu lên khóc hù hụ.

Tôi nắm lấy cánh tay của bà cô có họ xa mà hỏi:

- Sao lúc đó cô không kêu người qua phụ đưa cô ấy về?

- Kêu gì kịp con ơi! Tao vừa thấy nó bò lổm ngổm, tao đã nhào ra ôm lấy nó. Nó cắn tao tới nát cả hai bả vai. Tao vừa buông nó ra, nó đã ù té chạy. Nó chạy đi tìm con nó. Mà nó điên thì nó chạy qua cầu khỉ sao được con ơi!.. Hức, hức… hu u…

Bà cô bán quán cơm ôm chầm lấy tôi mà khóc rống lên như chính con gái bà bị chết.

Mắt tôi nhòa đi không thấy được gì. Chỉ nghe rõ sự trống vắng của không gian như mỗi lúc mỗi chìm lỉm vào nổi đau thăm thẳm của tiếng khóc thương tâm ấy.

Một hồi trống bùng lên nức nở.

HẾT

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên