Chỉnh sửa, bổ sung Luật Giám sát nếu cần thiết

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát; chọn lọc kỹ càng, cụ thể lĩnh vực giám sát, tập trung làm đến cùng và có hiệu quả

Tiếp tục phiên họp thứ 13, sáng 9/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tổng kết tình hình thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2008 và cho ý kiến Dự thảo chương trình giám sát năm 2009

Trong năm 2008, Quốc hội đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ nhân dân” và “Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 3 chuyên đề gồm “Việc thi hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Việc thực hiện pháp luật về sử lý vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước” và giám sát việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát trong năm qua vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm. Một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chưa thực sự phối hợp tốt, số lượng chuyên đề giám sát còn nhiều, chưa tập trung; hiệu quả của hậu giám sát chưa cao.

Ý kiến của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Cần tăng cường tiếp xúc cơ sở trong thực hiện giám sát. Sau giám sát phải có Nghị quyết  đối với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp nhấn mạnh: Cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, vướng ở đâu thì tập trung khắc phục, kể cả phải chỉnh sửa, bổ sung Luật Giám sát nếu cần thiết. Cần chọn lọc kỹ càng, cụ thể lĩnh vực giám sát, tập trung làm đến cùng và có hiệu quả. Nhất thiết sau giám sát phải có Nghị quyết để chấn chỉnh những việc làm sai của đơn vị chịu giám sát và cần tiếp tục giám sát việc thực hiện Nghị quyết đó như thế nào.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí, năm 2009 Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề; còn các Uỷ ban của Quốc hội giám sát 1 chuyên đề. Các lĩnh vực dự kiến giám sát được nêu ra gồm: giám sát việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách thủ tục hành chính; giám sát việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước; tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số ý kiến nêu thêm các lĩnh vực có thể giám sát như việc thực hiện di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La; việc mua bán tài sản, trang thiết bị từ ngân sách Nhà nước và giám sát một số vụ khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên