Lấy số thứ tự mua vé tàu qua điện thoại di động

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tết Kỷ Sửu – 2009, ga Sài Gòn triển khai phương thức bán vé mới là lấy số thứ tự để mua vé tàu bằng cách nhắn tin qua điện thoại di động với chi phí mỗi tin nhắn là 3.000 đồng

Để thực hiện được tin nhắn, khác hàng phải sử dụng điện thoại di động các mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel.

Theo hướng dẫn của Ga Sài Gòn, hành khách chỉ cần soạn tin nhắn GASG gửi đến số 6305, sẽ được cấp số thứ tự ngay sau khi tin nhắn gửi thành công, kèm theo thông báo thời gian dự kiến khách hàng có mặt ở nhà ga để mua vé (tin nhắn có giá trị trong ngày).

Để xem thông tin về số thứ tự đang mua vé tại nhà ga, cũng như số lượng người đã đăng ký, hành khách soạn tin GASG XEM gửi 6305. Trong trường hợp khách đến nhà ga trễ và muốn gọi lại số thứ tự của mình để mua vé, soạn tin GASG TRE gửi 6305, hệ thống tự động sẽ gọi lại số thứ tự của khách sau khi trừ đi hai lượt người mua vé. Chức năng này chỉ dành cho khách hàng đã lấy số thứ tự mua vé từ xa qua tin nhắn trên điện thoại di động.

Từ 15/10, bán vé tàu qua mạng
Ông Đinh Văn Sang - Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho biết từ 15/10 vé tàu sẽ được đưa lên website www.vetau.com.vn.

Muốn mua vé qua mạng, hành khách phải đăng ký trước 60 ngày. Vé tàu tết năm 2009 cũng được đưa lên mạng trước 60 ngày để người dân đăng ký đặt chỗ. Dự kiến có khoảng 50% số lượng vé của kế hoạch tết sẽ được đưa lên website cho người dân đặt chỗ mua. Sau khi đặt chỗ thành công, trong vòng 48 giờ khách có thể đến ga Sài Gòn hoặc các đại lý để mua vé. Tổng công ty Vận tải hành khách đường sắt Việt Nam cũng khuyến mãi đặc biệt giảm 50% so với giá vé tàu TN3 cho hành khách mua vé khứ hồi tàu TN17 từ ngày 17 đến 23/1/2009 cả hai lượt đi và về, cùng số chỗ, số toa và không được trả vé. Tương tự giảm 50% so với giá vé tàu TN4 trong thời gian từ ngày 29/1 đến hết 6/2/2009 khi hành khách mua vé tàu TN18.

Khuyến khích hành khách đi tàu
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang áp dụng các biện pháp nhằm khắc phục trình trạng lượng khách đi tàu hỏa ngày càng giảm do sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện vận tải khác như hàng không, đường bộ, vận tải biển.

Tổng Công ty đã đưa ra một số biện pháp để nâng cao sản lượng vận tải hành khách như: thực hiện các chính sách khuyến khích hành khách đi tàu trong thời gian thấp điểm; tổ chức chạy tàu khách hợp lý đặc biệt là tàu địa phương để tiết kiệm chi phí, khai thác tối đa các tuyến hành khách có nhu cầu cao; xây dựng giá vé hợp lý theo từng mùa, từng mác tàu chạy trên từng tuyến và cùng tuyến, cũng như linh hoạt trong các hình thức giảm giá vé khi hành khách mua vé sớm, mua vé khứ hồi; tăng tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên các đoàn tàu…

Ngoài ra, ngành tập trung cải tạo và nâng cấp một đoàn tầu khách địa phương chất lượng cao khai thác trên tuyến Hà Nội-Vinh-Đồng Hới-Huế.

Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm sản lượng vận tải hành khách giảm từ 5-8%. Riêng quý III/2008, toàn ngành vận chuyển được trên 3 triệu lượt hành khách, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chuyên gia đường sắt cho rằng các phương tiện trên có một số ưu điểm hơn so với vận tải đường sắt là tốc độ lữ hành cao (máy bay, ôtô đường ngắn), chất lượng phục vụ tốt, chăm sóc khách hàng tốt, mua vé dễ dàng…

Trong khi đó cơ sở hạ tầng đường sắt vừa yếu kém vừa lạc hậu, chưa được đầu tư nhiều.

Một nguyên nhân khác được nói đến là do công tác bán vé còn nhiều bất cập, mua vé khó. Hiện trong ngành đường sắt đang tồn tại một sự bất hợp lý là vào dịp cao điểm khách đi tàu đông lại không mua được vé, trong khi tàu vẫn trống chỗ. Lý giải về việc này, đại diện của ngành đường sắt cho biết, do phần mềm bán vé điện toán hiện không phù hợp. Thư ký bán vé không làm chủ được khi sử dụng máy điện toán.

Việc bán vé tàu qua mạng cũng chỉ được sử dụng trong dịp Tết và mới triển khai ở phía Nam nên chưa được phổ biến, thông dụng với hành khách có nhu cầu mua vé. Sự bất cập còn do cơ chế phân phối sản phẩm nội bộ. Chính điều này đã khiến việc bán vé khó khăn hơn, nhiều ga muốn bán khứ hồi cho hành khách nhưng không được bán vì ảnh hưởng đến doanh thu và thu nhập của ga khác.

Chủ trương mở rộng thêm nhiều đại lý bán vé là đúng và trúng, nhưng thực chất các đại lý này vẫn không phát huy được hiệu quả vì vẫn duy trì cơ chế xin - cho. Chẳng hạn, bán vé bằng máy điện toán nối mạng nhưng vẫn thực hiện việc phân bổ số lượng vé. Nối mạng nhưng các đại lý vẫn phải xin mỗi khi có khách mua vé. Thực tế có những đại lý được phân bổ vé nhưng không bán hết, trong khi có nhiều đại lý lại không có đủ vé để bán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên