Bước chân người chiếu bóng

Họ mải miết trên con đường đã chọn, những cuộc đi cứ nối dài - đi bằng niềm say mê và bằng cả tấm tình tha thiết…nghề của những người chiếu bóng lưu động ở tỉnh miền núi biên giới Điện Biên là vậy

Chặng đường phía trước bao giờ cũng là khó khăn thử thách và bước chân ý chí của các anh luôn bám vào những gian khó để dấn thân. Những con đường độc đạo lọt thỏm giữa bốn bề núi đá hiểm trở, những bãi đá gập ghềnh hay đèo cao, suối cạn đã thành thân thuộc với đôi chân những người chiếu bóng. Bao bước chân đã góp phần kết nối nhịp cầu văn hóa giữa các dân tộc, góp phần mang ánh sáng của văn minh tiến bộ, mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào vùng sâu, vùng xa

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Với dân số gần 500.000 người thuộc 21 dân tộc anh em: Thái, Mông, Tày, Dao, Hoa, Mường, Si La, Hà Nhì, Lô lô, Phù Lá … Những năm qua, vượt lên những khó khăn, nhân dân các dân tộc trên miền đất văn hóa đa hương sắc Điện Biên đã không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, bộ mặt kinh tế  - xã hội của tỉnh có những đổi thay, phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, với địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, lại bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao chạy dài, rừng rậm và sông suối nên việc giao lưu, trao đổi và phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên gặp không ít khó khăn. Nhìn chung, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, trình độ dân trí chưa cao và đời sống văn hóa tinh thần còn rất nhiều thiếu thốn.

Đưa ánh sáng văn hoá về bản

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của của hoạt động đưa văn hóa thông tin về cơ sở, mang ánh sáng văn hóa tới vùng sâu, vùng xa, những người làm công tác văn hóa ở Trung tâm Điện ảnh tỉnh Điện Biên đã chủ động bàn bạc tìm phương sách tháo gỡ khó khăn, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị để bám dân, bám địa bàn, quyết tâm xóa toàn bộ “xã trắng” về phim ảnh.

Chúng tôi theo Đội chiếu bóng lưu động số 4 do anh Đặng Văn Hải làm đội trưởng đến xã Núa Ngam, một xã thuộc huyện Điện Biên. Đội chiếu phim có 4 người, người trẻ nhất cũng đã gần hai mươi năm gắn bó với chiếu bóng, phương tiện vận chuyển là chiếc ô tô cà tàng do anh em tự sửa chữa, tu bổ. Nhưng xe cũng chỉ đến được những nơi có đường tới, còn khi đến phục vụ các bản cao thì còn phải kết hợp với mang vác và nhờ những đôi chân chắc khỏe quen trèo núi, vượt rừng. Mà khoảng cách giữa bản này sang bản khác ở vùng sâu, vùng xa không tính bằng cây số, bằng giờ mà bằng ngày, bằng buổi. Để bảo đảm mục tiêu hàng năm xóa xã trắng, bản trắng về phim ảnh, mỗi tháng đội chiếu bóng phải hoạt động trên 20 buổi và phải đến được từ 2 đến 3 xã. Mùa khô bù mùa mưa. Lương tháng và cộng mọi khoản phụ cấp, khoảng trên dưới 1.200.000 đồng. 

Hôm nay là một ngày khác thường, một ngày đặc biệt ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam. Ngay từ lúc nghe tin có đội chiếu phim về, người lớn, trẻ em trong xã đã chộn rộn. Làm nương, đi rừng thì về sớm; đàn trâu được lùa về chuồng cho ăn sớm, gạo xay đổ bồ sớm, khung cửi được dọn sớm và đường sá được quét dọn phong quang... Hôm nay có phim Việt Nam. Bà con ở đây chỉ thích phim Việt Nam thôi. Mà phim có liên quan đến miền núi, đến đồng bào dân tộc hay phim về hai cuộc kháng chiến là nhất. Phim về gương người tốt, việc tốt, chân dung các anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất cũng luôn được mọi tầng lớp bà con hào hứng đón nhận.

Đã đến giờ màn ảnh bừng sáng. Những vẻ mặt trầm ngâm, những ánh mắt háo hức say mê, những tiếng cười rộ lên thích thú... Cùng với những hoạt động văn hóa thông tin khác, từ những buổi chiếu phim kết hợp tuyên truyền như thế này mà chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng sâu. Đồng bào biết thêm phương cách xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, kiến thức văn hóa xã hội không ngừng được mở rộng, nâng cao.

Để có được lòng tin yêu của bà con các dân tộc, để các buổi chiếu luôn diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả tuyên truyền cao, các thành viên trong các đội chiếu bóng lưu động của tỉnh Điện Biên đã luôn phấn đấu vượt lên chính mình. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, bên cạnh việc rèn luyện nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến nhằm làm chủ những trang thiết bị đã có phần cũ nát, lạc hậu, các anh còn luôn chú ý sưu tầm hình ảnh, tài liệu sách báo tham khảo để luôn đổi mới hình thức và nội dung hoạt động cho phù hợp với yêu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào.

Những người con của bản làng

Mỗi lần đi phục vụ cơ sở, các đội viên chiếu bóng luôn chú ý làm tốt công tác dân vận, luôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết với chính quyền cơ sở để phối hợp tổ chức phục vụ tuyên truyền có hiệu quả. Công tác vận động bà con các dân tộc ít người thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước qua phim ảnh, qua các hình thức cổ động trực quan không phải là giản đơn, các anh động viên nhau thực hiện “3 cùng với dân”, thường xuyên học hỏi để hiểu được phong tục tập quán của đồng bào và vận dụng trong công tác tuyên truyền… Tranh thủ những lúc rãnh rỗi trước buổi chiếu, các anh thường giúp dân các công việc như làm nhà, làm chuồng gia súc hay đan lát, kéo tơ… Nhờ tiếp thu kiến thức qua phim ảnh, cùng với sự hỗ trợ, phổ biến kiến thức của các thành viên đội chiếu bóng, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt một cách hiệu quả. Không ít nhà đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên no đủ. Qua đó, niềm tin và tình cảm của dân làng ngày càng sâu đậm và công tác tuyên truyền ngày càng  đạt hiệu quả cao.

Những con người nguyện gắn bó với công tác chiếu bóng lưu động trên vùng đất biên giới Điện Biên hiểu rằng, việc các anh đang làm hôm nay là góp thêm những nhịp cầu nối của Đảng, của Nhà nước với đồng bào các dân tộc, mang ánh sáng văn hóa về vùng sâu, vùng xa. Theo bước chân của các anh, điện ảnh đã tới những bản làng xa xôi, heo hút nhất, góp phần xua đi những đói nghèo, những suy nghĩ, tập tục lạc hậu từ ngàn xưa để lại. Giúp cho đồng bào các dân tộc ít người càng thêm tin tưởng ở tương lai tươi sáng và một lòng theo Đảng, theo Bác dựng xây cuộc sống mới. 

Và, mỗi lần đến phục vụ thấy dân bản vui tươi, phấn khởi, rạng rỡ nụ cuời trên gương mặt lam lũ, khi chia tay lưu luyến bồi hồi là các anh lại thấy vui mừng, thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Sức mạnh giúp các anh vượt qua những thiếu thốn, những gian khó trong đời thường.

Nguồn động viên càng được nhân lên khi các anh được chứng kiến những đổi thay của các bản làng đang từng ngày vươn tới ấm no, trù phú. Trong thành tựu chung đó, có phần đóng góp không nhỏ của các đội chiếu bóng lưu động - những người đang hàng ngày hàng giờ phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi gian khó để giữ vững vị trí xung kích của mình trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Góp phần đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp thu hẹp chênh lệch về kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc trên đất nước ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên