Văn hoá Thăng Long- hội tụ, toả sáng lộng lẫy đủ sắc màu

Chị Jane Ware, du khách Australia: “Các bạn có quyền tự hào về những bản sắc văn hoá của các bạn, đó là cái mà không nước nào có thể có được...”

 Đêm hội “Văn hoá Thăng Long: Hội tụ và toả sáng” diễn ra tưng bừng tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 7/10. Đây là sự kiện đặc biệt, nằm trong khuôn khổ “Ngày hội giao lưu bản sắc văn hoá các vùng, miền toàn quốc hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long", do Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch và UBND thành phố Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 54 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 và hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Trong bài diễn văn khai mạc Đêm hội, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Ngày hội đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội đã làm sống lại không khí văn hóa truyền thống các dân tộc trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người Hà Nội, bạn bè trong nước và Quốc tế.

Đêm hội gồm 2 phần. Nếu ở phần 1 của đêm hội, người xem được thưởng thức những bài ca, điệu múa cùng màn hoà tấu hoành tráng mang âm hưởng sâu lắng, hào hùng, đậm nét nhân văn, khái quát cho nét đặc trưng của văn hoá Thăng Long - Hà Nội thì ở phần 2, người xem được chìm đắm trong những màn biểu diễn đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền của các dân tộc. Đó là màn múa Apsara huyền ảo của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận, những bản ca tài tử ngọt ngào của cải lương Nam Bộ, tiếng hát Then hoà cùng tiến đàn Tính rộn ràng của mảnh đất Cao Bằng, tiếng cồng chiêng đẫm màu sử thi huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên,….

Mồ hôi nhễ nhại cũng không làm mất đi được vẻ hồi hởi trên gương mặt nghệ sĩ Đàng Năng Đức, dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận vừa mới biểu diễn xong bài hát cùng với điệu múa Apsara. Anh nói: “Được biểu diễn ở Thủ đô Hà Nội không chỉ là niềm vinh dự của riêng tôi mà còn đối với cả đoàn. Các nghệ nhân dân tộc Chăm ở Ninh Thuận mong muốn được về Thủ đô để giới thiệu nét văn hoá độc đáo của mình”.

Tổ khúc “Tính Then nơi đầu nguồn”

Nấn ná mãi, đợi xem xong tổ khúc “Tính Then nơi đầu nguồn” của đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, ông Xuân Dũng, quận Long Biên, Hà Nội mới chịu trả lời chúng tôi. Ông cho biết: “Tôi đến đây từ rất sớm, đứng lâu quá cũng mỏi chân nhưng tôi sẽ cố gắng xem hết chương trình mới về. Hay quá! Giá như những chương trình như thế này được tổ chức thường xuyên thì tốt quá”.

Không khí của Đêm hội không chỉ làm hào hứng, cuốn hút những người dân Thủ đô mà còn tạo được ấn tượng rất mạnh đối với người nước ngoài đang có mặt tại đây. Chị Kornehja, đến từ Hungary vừa xem vừa cố gắng nói thật to trong tiếng cồng chiêng Tây Nguyên rằng: “Đêm hội thật tuyệt vời. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức tiết mục này”. Anh Sigvart, chồng của chị Kornehja cũng nói chen vào: “Trước đây tôi mới biết đến sự đa dạng của các nền văn hoá đất nước các bạn qua sách báo, hôm nay tôi mới may mắn được thưởng thức những tiết mục độc đáo như thế này. Thật tuyệt, đây là kỷ niệm khó quên trong tuần trăng mật của chúng tôi. Nhất định chúng tôi sẽ trở lại Việt Nam”.

Anh Sigvart và chị Kornehja

Đứng sát ngay bên cánh gà là chị Jane Ware, du khách Australia đang chăm chú xem tiết mục múa “Hội mừng lúa mới” của dân tộc Vân Kiều, Quảng Trị. Khi nghe tôi giới thiệu là phóng viên, chị đã kéo tôi ra xa cho đỡ ồn. Chị nói: “Các bạn có quyền tự hào về những bản sắc văn hoá của các bạn, đó là cái mà không nước nào có thể có được. Cũng giống như tôi, rất tự hào về bản sắc văn hoá của đất nước Australia. Tôi đến với Việt Nam để đi du lịch. Đây là lần thứ 2 tôi đến Việt Nam (lần đầu tiên vào năm 2003). Tôi có rất nhiều người bạn Việt Nam. Điều làm tôi nhớ mãi mỗi khi đến đây là tâm hồn trong sáng và sự đón tiếp nồng hậu của người dân Việt Nam”.

Đêm hội kết thúc đã để lại nhiều niềm tiếc nuối và ấn tượng khó quên đối với người xem. Bằng tất cả tình cảm xuất phát từ trái tim các tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên đã thể hiện một tình yêu tha thiết và chân thành hướng về Thủ đô thân yêu của chúng ta nhân ngày giải phóng và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội./. 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên