“Bất đồng”...

Chỉ có thể xóa đi bất đồng bằng sự chia sẻ, đồng lòng. Ngôn ngữ chung làm xích lại những con người và điều kiện kinh tế chính là ngôn ngữ của văn hóa cộng đồng, khác xa với những cách làm thiếu thực tế và hời hợt.

Ông giáo hiệu trưởng một trường miền núi hồ hởi khoe, trường đang cho các em người dân tộc thiểu số học tiếng Anh. Mừng quá. Nhưng vẫn thấy băn khoăn. Ở một huyện miền núi thuộc hàng nghèo nhất tỉnh, lũ trẻ xì xồ tiếng Anh rõ ràng là một điều lạ nhưng không thể gọi là vui được. Khi mà câu chuyện về phổ cập còn đang được tiếp tục kể dài dài, khi mà vì thành tích, ngành giáo dục địa phương vẫn sẵn sàng đẩy một số học sinh sang học bổ túc để dễ đạt phổ cập, khi mà đa số học sinh đi học quá độ tuổi nói còn chưa sõi tiếng phổ thông thì tiếng Anh thực sự là một khái niệm xa xỉ.

Ngay cả đến nhiều giáo sư, tiến sĩ khoa học động đến tiếng Anh là như “gà mắc tóc”, huống hồ học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Anh nghe qua tưởng là một chuyện mừng nhưng ngẫm kỹ rõ ràng thấy chưa thực sự cần thiết, thể hiện một cách làm thiếu thực tiễn. Học trò miền núi đang cần sách vở, lớp học, chỗ ăn chỗ nghỉ gọn gàng, khang trang hơn là những kiến thức ngoài tầm với. Sau giờ lên lớp vận lộn với con chữ phổ thông, chúng còn quá bận bịu với việc kiếm rau cho bữa cơm nghèo của mình.

Còn nhiều vấn đề phát sinh ở những bản có nhiều đồng bào di cư. Nhưng hiềm nỗi số lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền biết tiếng dân tộc lại không nhiều. Cán bộ văn hóa còn thiếu, thành thử việc thông tin, tuyên truyền tới những vùng dân tộc thiểu số đôi khi còn bị bỏ ngỏ. Thậm chí nhiều bản xa vẫn chưa thành lập được các đoàn thể quần chúng. Thành thử có nhiều chuyện nghe thì hài mà ngẫm lại buồn quá. Như chuyện đặt vòng của chị em, tuyên truyền mãi rồi mà vẫn không thành. Nhiều chị đã “kế hoạch” sau thấy đau lưng bèn đổ tại “cái vòng”, rồi lại tháo ra, và tiếp tục sòn sòn đẻ. Chuyện cán bộ y tế bản dựa vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi đã được dịch ra tiếng dân tộc để cấp thuốc, âu cũng là một sự “bất đồng” giữa vùng khó khăn và những nơi phát triển. Vì thế, những lớp học tiếng dân tộc đã được mở ra những mong xóa đi những bất đồng ngôn ngữ...

Nhưng chuyện bất đồng không chỉ ở ngôn ngữ. Chương trình xóa lớp học tranh tre nứa lá là một chủ trương đúng. Nhưng việc thực thi chưa phải đã đồng bộ. Nhìn dãy lớp học vôi ve sáng choang giữa không gian miền núi dặt nhà sàn, xem ra khá lạ lẫm. Nhưng thôi, giữa điều kiện miền núi, có còn hơn không. Chỉ có điều, chất lượng công trình cần phải được xem lại. Nhiều thày cô giáo than, lớp và chỗ ở của giáo viên cắm bản mới khai trương đã thấy thấm dột khi mùa mưa về. Rồi nhà tình nghĩa ở một số địa phương chất lượng xây dựng rất kém. Hay những căn nhà sàn được dựng bằng cột bê tông, mái ngói, không có sân vườn trong khu tái định cư của đồng bào Thái vùng Tây Bắc, thật khác xa với tập quán sinh hoạt, lao động, sản xuất của bà con dân tộc thiểu số. Cụm tuyến dân cư vượt lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, tỷ lệ người dân chuyển vào để ở chưa cao. Có nhiều lý do, trong đó việc hình thành thiết chế văn hóa, tạo dựng thói quen sinh hoạt, tập tục văn hóa cũng quan trọng không kém việc xây cơ sở hạ tầng…Người dân chuyển đến một nơi mới không chỉ đơn thuần là tìm một nóc nhà, một chỗ ở…

Chỉ có thể xóa đi bất đồng bằng sự chia sẻ, đồng lòng. Ngôn ngữ chung làm xích lại những con người cách xa về địa lý, về hoàn cảnh và điều kiện kinh tế chính là ngôn ngữ của văn hóa cộng đồng, khác xa với những cách làm thiếu thực tế và hời hợt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên