Xăng đồng loạt giảm 500 đồng/lít:

Doanh nghiệp cấu kết để làm giá?

Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng hành vi này là vi phạm Luật Cạnh tranh. Cục sẽ vào cuộc điều tra để tìm ra các chứng cứ pháp luật.

TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích: Bản chất của cơ chế thị trường là “cung-cầu-giá” phải hình thành trên cơ sở của sự cạnh tranh. Cách thức kinh doanh xăng dầu hiện nay thì chỉ có thị trường với người mua (có hàng chục triệu người mua) nhưng người bán thì chỉ có 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu (mà chủ yếu là Petrolimex-chiếm tới hơn 70% thị phần). Như vậy vẫn là độc quyền.

Vi phạm Luật Cạnh tranh

Theo TS Ánh, hiện giờ Petrolimex gần như độc quyền nhập khẩu và độc quyền tính chi phí sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là không có động lực để doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất để từ đó giảm giá bán lẻ.

Một điệp khúc quen thuộc của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà người tiêu dùng luôn phải nghe trong thời gian qua là “thua lỗ”. Thế nhưng, thực tế các doanh nghiệp này lỗ, lãi như thế nào thì chưa ai biết cụ thể. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn đề nghị: “Các công ty xăng dầu và Bộ Tài chính cần phải công khai các tính toán lỗ lãi, các chi phí… cho người tiêu dùng biết. Bởi xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu đối với đời sống và chi phí của nền kinh tế quốc dân nên không có gì phải bí mật cả”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Ánh đã đưa ra dẫn chứng: thời gian vừa qua người thì bảo ngành điện lỗ, người bảo lãi. Vừa rồi, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức công nhận là chỉ lỗ với những hộ sử dụng dưới 100 số, còn trên 100 số là lãi.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá 500 đồng/lít xăng đã khiến nhiều người khẳng định có hiện tượng các doanh nghiệp xăng dầu thoả thuận với nhau để làm giá. Chính vì vậy, TS Lê Đăng Doanh đề nghị: Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nên có ý kiến chính thức về vấn đề này. Xăng dầu là mặt hàng rất đặc thù, phải có phương tiện, cần giấy phép, kho tàng cho nên không phải ai cũng có thể nhập được. Vì vậy, đây được xem như là hiện tượng độc quyền”.

Cục Quản lý cạnh tranh sẽ vào cuộc?

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng:Việc các doanh nghiệp cấu kết nhau lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường rất hay xảy ra. Hơn nữa, ở nước ta, việc kinh doanh xăng dầu chỉ tập trung vào mấy đầu mối nên càng dễ xảy ra hiện tượng này. Hiện tại, Cục quản lý cạnh tranh chưa điều tra về việc này nên chưa có kết luận chính thức, như vậy rõ ràng có sự vi phạm Luật cạnh tranh”.

Tuy nhiên, theo ông Hải, với việc tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “bảo nhau” giảm 500 đồng thì rất có thể có sự cấu kết làm giá của các doanh nghiệp.

Cục quản lý cạnh tranh cũng đã có ý kiến với lãnh đạo Bộ Công thương . “Việc này không thể giải quyết một sớm một chiều bởi không chỉ riêng có việc giảm 500 đồng/lít xăng mà còn nhiều cạnh tranh không lành mạnh khác. Cục quản lý cạnh tranh sẽ đưa ra một cơ chế mới để những chuyện tương tự khó có thể xảy ra” – ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, nếu Bộ Công thương chấp thuận thì Cục quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra, khi có những căn cứ sẽ kiến nghị về mặt luật pháp, để tạo ra thị trường lành mạnh thực sự, không xảy ra tình trạng lũng đoạn thị trường.

Trước tình hình này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị Hội bảo vệ người tiêu dùng và các hiệp hội khoa học kỹ thuật… xem xét và có ý kiến về việc giảm giá xăng này.

Đôi điều về chuyện quản lý giá

Dù sao, câu chuyện về giá xăng dầu nhảy múa như ngày hôm nay cũng còn nhiều điều phải bàn. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, uỷ viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội “Điểm yếu của chúng ta là điều hành về giá không phù hợp, những lúc cần phải tăng thì lại không tăng”.

Làm rõ hơn cho quan điểm của mình, ông Kiên đưa ra dẫn chứng: Thời điểm giá xăng trong nước 12.000 đồng/lít thì giá dầu thế giới ở mức 80 USD lên 147 USD/ thùng. Chính thời điểm giá dầu ở mức 147 USD/ thùng thì trong nước cần phải đưa giá lên 19.000 đồng/lít, thế nhưng đến lúc giá dầu thế giới xuống 130 USD/thùng thì mình mới nâng giá.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, các công ty kinh doanh xăng dầu của chúng ta yếu về quản trị doanh nghiệp nên dẫn tới tình trạng không điều chỉnh kịp với kinh doanh xăng dầu của thế giới.

Cái “không phù hợp” nữa được TS Vũ Đình Ánh đưa ra là: “Nói là theo cơ chế thị trường nhưng hiện nay vẫn do Nhà nước quản lý, tăng giá phải xin phép, giảm giá cũng phải xin phép và còn phải ngồi đợi duyệt”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên