Cưỡng chế hay “trấn lột”?

Không vi phạm pháp luật cũng chẳng là bị đơn của một vụ án nào, nhưng cả gia đình 5 miệng ăn của ông Đinh Tiến Cường, bà Nguyễn Thị Bướm (Tổ dân phố 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) phải lâm vào cảnh khốn cùng do sự tắc trách của người có trách nhiệm

Không phải bị đơn vẫn bị… thi hành án

Mọi việc bắt đầu từ tháng 3/2005 khi vợ chồng ông Đinh Tiến Cường, bà Nguyễn Thị Bướm sau những năm lao động vất vả dành dụm được 60 triệu đồng mua lại căn nhà của vợ chồng ông Lê Đình Diện tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Tại thời điểm mua bán, căn nhà này không thế chấp, tranh chấp, đồng thời cũng không bị kê biên tài sản. Vợ chồng ông Diện, bà Minh đã đồng ý sang nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho vợ chồng ông Cường, bà Bướm 125m2 đất thổ cư (thửa số 37, bản đồ B4, thời gian sử dụng lâu dài, GCNQSDĐ X149338, do UBND huyện Ngọc Hồi cấp ngày 10/10/2003).

Kèm theo là biên bản xác minh tứ cận được các hộ dân liền kề ký xác nhận không tranh chấp, UBND thị trấn Plei Kần xác nhận. Từ đó ông Cường chuyển về nơi ở mới và làm đơn đề nghị chuyển quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian chuyển về nơi ở mới, gia đình ông Cường bất ngờ nhận được thông báo cưỡng chế thi hành án (THA) số 122 ngày 20/12/2005 của cơ quan THA huyện Ngọc Hồi cùng giấy báo, kế hoạch cưỡng chế. Không thể chấp nhận cưỡng chế oan sai ngay trên mảnh đất mà vợ chồng chắt chiu dành dụm từng đồng mới mua được, gia đình ông Cường gửi đơn khiếu kiện khắp nơi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đặng Thị Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần cho biết: “Việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất giữa ông Đinh Tiến Cường và ông Lê Đình Diện đúng pháp luật, UBND thị trấn Plei Kần đã xác nhận cuộc giao dịch này.” Cũng theo bà Mai: Gần một năm sau khi việc mua bán đã hoàn thành, ngày 29/03/2006, cơ quan THA huyện Ngọc Hồi ra quyết định cưỡng chế thi hành án với ông Lê Đình Diện nhưng đến ngày 05/02/2006 lại ra thông báo cưỡng chế nhà đất của ông Đinh Tiến Cường – người đã mua của ông Diện và đây hoàn toàn không phải là tài sản thi hành án!”

Không thể dửng dưng trước bức xúc của người dân, ngày 12/05/2008 UBND thị trấn Plei Kần đã gửi công văn số 13/BC-UBND báo cáo Huyện uỷ, UBND, HĐND huyện Ngọc Hồi xem xét nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông Cường và có biện pháp thi hành án với ông Diện theo đúng pháp luật.

Trong khi vụ việc chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thoả đáng, cuối năm 2007, gia đình ông Cường phải sống trong lo lắng thường trực khi tiếp tục nhận được thông báo số 81/TBCC-THA ngày 24/10/2007 của cơ quan THA Ngọc Hồi buộc gia đình ông rời bỏ căn nhà đã mua của ông Diện để giao nhà và quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Lâm (345 Lê Thánh Tôn, P. Hội Phú, TP. Pleiku, Gia Lai)!

Án một đằng, cưỡng chế một nẻo!

Chiều ngày 17/09/2008, nhóm PV chúng tôi đến cơ quan THA huyện Ngọc Hồi đăng ký làm việc xung quanh kế hoạch cưỡng chế oan sai của người dân nhưng cơ quan THA huyện Ngọc Hồi đang bận họp. Khi cuộc họp kết thúc, chúng tôi vẫn không thể làm việc được khi một cán bộ cơ quan THA (không cho biết tên) cho rằng: Chúng tôi không làm việc với báo chí khi chưa được lãnh đạo THADS huyện Ngọc Hồi (ông Phan Văn Hà-PV) cho phép.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự số 31/QĐ-TA ngày

Ông Cường và giọt nước mắt oan sai
27/03/2003 của Toà án nhân dân huyện Ngọc Hồi thì ông Lê Đình Diện trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần (người đã bán đất cho gia đình ông Cường) phải trả nợ cho bà Đỗ Thị Vân (vợ ông Hồ Xuân Hiển) cả tiền gốc và tiền lãi là 28.453.200 đồng. Cơ quan THA huyện Ngọc Hồi ra quyết định THA số 402/THA buộc ông Lê Đình Diện phải nộp số tiền trên để trả cho ông Hiển. Nhưng ông Diện chỉ nộp được 10 triệu đồng, còn lại 18.453.200 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Ngày 01/12/2004, ông Diện viết đơn xin giao tài sản gửi cơ quan THA huyện Ngọc Hồi trong đơn nêu rõ: “… Tôi không đủ khả năng để trả nợ vậy tôi làm đơn này giao số tài sản thuộc phần tôi cho đội THA bán để trả nợ cho anh Hiển… phần tài sản của gia đình tôi; vợ và con tôi không liên quan gì đến việc tôi làm.”

Tuy nhiên, Giấy CNQSD đất này đứng tên bà Minh, ông Diện- Hợp đồng chuyển nhượng QSD lô đất cho ông Cường do bà Minh cùng ông Diện ký chuyển nhượng. Thử hỏi, một nửa giá trị QSD đất nói trên có thuộc QSD của ông Cường, bà Bướm không? THADS huyện Ngọc Hồi có quyền bán đấu giá và cưỡng chế toàn bộ giá trị QSD lô đất nói trên không?

Như vậy, trong đơn giao tài sản của người phải THA là ông Lê Đình Diện không nói rõ nguồn tài sản nào. Ngoài căn nhà đã bán cho ông Cường từ năm 2005, ông Lê Đình Diện hiện vẫn đang sinh sống ngay tại Tổ dân phố 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tài sản có nhà, đất, xe máy, ti vi… và một nguồn thu nhập ổn định. Nhưng không hiểu sao cơ quan THA lại không yêu cầu ông Diện phải thi hành nghĩa vụ theo quyết định của Toà án mà vẫn “quyết tâm cưỡng chế” nhà, đất của gia đình ông Cư­ờng - người không hề liên quan đến việc thi hành án của ông Diện?

Người thực thi pháp luật… xem thường luật!?

Hơn 2 năm qua, vợ chồng ông Cường không thể đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan THA huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nên đã có đơn khiếu nại gửi Bộ Trưởng bộ Tư Pháp, Cục Trưởng cục THADS và nhiều cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đề nghị xem xét giải quyết. Vợ chồng ông Cư­ờng cũng đã có đơn đề nghị THADS tỉnh Kon Tum và THADS huyện Ngọc Hồi xin tạm dừng cư­ỡng chế, để chờ ý kiến giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong khi cả gia đình đang phấp phỏm chờ đợi sự công bằng của pháp luật thì ngày 18/9/2008, một lực lượng hùng hậu do cơ quan THADS tỉnh Kon Tum và THADS huyện Ngọc Hồi tổ chức đến nhà ông Cường cưỡng chế bất chấp sự phản đối quyết liệt của đông đảo quần chúng nhân dân tại địa phương.

 Khoảng 14 giờ 15 phút ngày 18/09/2008, trong khi đang tác nghiệp xung quanh công tác cưỡng chế của cơ quan THA huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), PV Báo Nông thôn Ngày nay đã bị ông Châu Văn Sơn, Cán bộ cơ quan THA huyện Ngọc Hồi ngăn cản, giật máy ảnh và định đập vỡ.

Nhờ sự can thiệp của quần chúng nhân dân, ông Châu Văn Sơn mới trả lại máy ảnh cho PV Báo Nông thôn Ngày nay đồng thời rời bỏ hiện trường. 

Chứng kiến buổi cưỡng chế lạ lùng này, ông Lê Văn Đoan, Hội viên chi Hội Người cao tuổi thị trấn Plei Kần bức xúc: “Từ xưa đến nay, tôi chưa từng thấy buổi cưỡng chế nào kỳ lạ như vậy. Cơ quan THA đến cưỡng chế mà không có đại diện của chính quyền địa phương, không cho chủ nhân ngôi nhà vào chứng kiến hoạt động kê biên, thu gom tài sản của gia đình…”. Cũng theo ông Đoan: Cơ quan THADS cưỡng chế ngay cả khi không nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đọc lệnh cưỡng chế nhà, đất ông Lê Đình Diện nhưng lại xông vào nhà ông Đinh Tiến Cường tịch thu tất cả tài sản của gia đình (trong đó có những tài sản pháp luật quy định không được kê biên như sách vở học sinh, thuốc men, lương thực, đồ dùng thờ cúng thông thường…-PV), rồi yêu cầu ông Cường, bà Bướm ký biên bản. Mặc dù ông Cường, bà Bướm, bà con lối xóm, những người lớn tuổi quanh Tổ dân phố 7 đã nhiều lần yêu cầu, thậm chí van xin cơ quan THADS trả lại tài sản cho gia đình ngay cả những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như chăn màn, sách vở con em, bàn thờ tổ tiên.v.v… nhưng cơ quan THA huyện Ngọc Hồi vẫn niêm phong và áp giải đi.

Trong khi vụ việc đang chờ hướng giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan THADS huyện Ngọc Hồi vẫn tiến hành cư­ỡng chế không hề quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cùng với sự tắc trách đến vô tâm của cơ quan THADS huyện Ngọc Hồi, trong khi ông Lê Đình Diện – người phải thi hành án, bị đơn của Toà - vẫn đang sống ung dung tự tại thì gia đình ông Cường, bà Bướm - một gia đình nông dân với 5 miệng ăn, đã phải lâm vào cảnh không chốn nương thân, con cái bỏ dở việc học hành, cuộc sống lâm vào cảnh khốn cùng…/.                                                        

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên