Xuân Phúc: "Vợ lo lắng, sợ tôi chấn thương khi đóng phim hành động"
VOV.VN - Nam diễn viên Xuân Phúc chia sẻ, từng đóng nhiều phim thể loại hành động nhưng “Đi về phía lửa” thực sự là một bộ phim gây khó khăn nhất cho anh vì lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến mức độ kiệt sức.
Xuân Phúc là gương mặt quen thuộc với khán giả khi góp mặt trong nhiều phim truyền hình và điện ảnh như "Chạm tay vào nỗi nhớ", "Trái tim có nắng", "Điệp vụ chân dài", "Lật mặt 2", "Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ", "Đấu trí". Anh vừa có vai diễn mới trong bộ phim truyền hình “Đi về phía lửa” của đạo diễn Trần Thanh Huy, được truyền hình K+ đầu tư sản xuất. Với bộ phim này, Xuân Phúc vào vai Toàn Thắng - Người tổ trưởng đầy trách nhiệm của lực lượng cứu hỏa. Toàn Thắng là một người có nội tâm rất phức tạp, chịu nhiều áp lực, luôn day dứt giữa việc phải lựa chọn hạnh phúc riêng hay cống hiến cho xã hội.
PV: “Đi về phía lửa” đã sắp kết thúc, khi ngồi lại xem diễn xuất của mình, anh cảm thấy hài lòng hay chưa ưng ý ở bản thân điểm gì?
Xuân Phúc: Phúc vẫn cảm thấy chưa hài lòng, chưa thấy mình làm tốt trong một vài phân đoạn. Vẫn muốn có thêm thời gian nhiều hơn nữa để hoàn thiện những thiếu sót của mình. Và vẫn muốn bộ phim dài hơn 10 tập để khán giả được sống trọn vẹn từng khoảnh khắc hơn.
PV: Đây cũng là dự án đánh dấu sự trở lại của anh sau khi ghi dấu ấn với vai trinh sát Phong trong “Đấu trí”. Cơ duyên nào đưa anh đến với “Đi về phía lửa”?
Xuân Phúc: Cơ duyên đến với bộ phim này giống như một tín hiệu vũ trụ. Đầu tiên là trước đó em bé nhà tôi có một buổi biểu diễn thời gian ở trường, hai vợ chồng tôi quyết định chọn nghề đặc trưng, ấn tượng như lính cứu hoả để bé biểu diễn. Khoảng 2 tháng sau, trong buổi đi chơi với Trần Ngọc Vàng, bạn có chia sẻ với tôi là đang casting cho bộ phim về lính cứu hoả nên tôi đã nhờ Vàng giới thiệu giúp. May mắn khi đến casting, tôi đã thuyết phục được đạo diễn Trần Thanh Huy và nhà sản xuất cho mình đảm nhận vai Toàn Thắng trong “Đi về phía lửa”.
Tâm lý, hoàn cảnh của nhân vật Toàn Thắng khá giống với cuộc sống ngoài đời của tôi nên tôi cảm được nhân vật này và quyết tâm đạt được vai diễn. Tôi phải casting 2, 3 lần đều cảm thấy không đạt được yêu cầu nên có xin nhà sản xuất cơ hội được thử lại để hoàn thành buổi casting tốt nhất.
PV: Anh đã chuẩn bị gì cho một bộ phim đặc thù về nghề nghiệp lính cứu hoả như thế này?
Xuân Phúc: Chắc chắn tôi phải mất rất nhiều thời gian để trau dồi kiến thức và các kỹ năng cơ bản về đặc thù của nghề nghiệp để khi lên phim khán giả sẽ tin và cảm nhận Xuân Phúc là lính cứu hỏa thật. Tôi đã dành nhiều thời gian để tập luyện cùng các anh em chiến sĩ trong đơn vị PCCC, họ hướng dẫn tôi cách làm việc và tác phong của người lính cứu hoả như thế nào để khi lên phim tôi thể hiện được đúng và tốt nhất.
PV: Anh đã dành thời gian bao lâu để sống và sinh hoạt cùng với các anh lính cứu hoả trong đơn vị PCCC? Trải nghiệm đó như thế nào?
Xuân Phúc: Mất khoảng hơn 1 tuần. Trong đó tôi quan sát và học hỏi được cách sinh hoạt, tác phong làm việc của anh em chiến sĩ và làm quen với các trang thiết bị, vật dụng để khi ra đến hiện trường sẽ làm giống như một lính cứu hỏa chuyên nghiệp. Chắc chắn ngày đầu khi hóa thân thành lính cứu hoả thì không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng nhưng từ hôm sau tôi đã quen dần và thực hiện các động tác khá thuần thục, bắt đầu mọi thứ ăn nhập với nhau hơn.
PV: Quá trình chuẩn bị cho vai diễn, ghi hình có gì đáng nhớ?
Xuân Phúc: Tôi nhớ nhất cảnh mọi người nằm ngủ với nhau và chờ đợi để được gọi dậy đi quay. Đó là một trong những kỷ niệm rất là vui của anh em.
Đặc biệt là có những cảnh quay “vắt kiệt sức” của dàn diễn viên, khi lên phim khán giả có lẽ sẽ thấy những cảnh quay này rất đơn giản nhưng ở phim trường diễn viên và ekip đã rất mệt. Ví dụ như cảnh bế những nạn nhân ra khỏi đám cháy, phải quay đi quay lại khoảng 10 lần và lấy nhiều góc quay. Lúc tất cả anh em tháo hết mặt nạ, bình dưỡng khí ra sau khi quay xong thì cảm giác như “hồn lìa khỏi xác”.
Tôi cũng từng đóng nhiều phim thể loại hành động nhưng đây thực sự là một bộ phim gây khó khăn nhất cho tôi vì lần đầu tiên mình đi làm phim mà mệt đến mức độ kiệt sức. Nó vượt quá sức tưởng tượng của mình khi tham gia bộ phim này. Có những cảnh tôi phải trực tiếp đối diện với ngọn lửa thật và lúc này tôi hiểu được sự nguy hiểm của những người lính cứu hoả khi đối diện với ngọn lửa nó khủng khiếp như thế nào. Song song với sự nguy hiểm đó là trách nhiệm của những chiến sĩ là phải cứu bằng được nạn nhân, đảm bảo an toàn cho nạn nhân và tài sản tại hiện trường, tất cả là trọng trách rất cao cả của những người lính cứu hoả.
PV: Có cảnh quay nào anh cảm thấy rất “thật” và ám ảnh tâm lý mấy ngày sau không?
Xuân Phúc: Đây là vai diễn khá đặc biệt trong sự nghiệp của tôi vì nó mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, đó là khi mình phải đối mặt với cái chết. Trong phim có một vài cảnh tôi phải trải qua cảm giác đó và khiến mình phải suy ngẫm rất nhiều.
Trong một đại cảnh lớn diễn trong chung cư, về một vụ cháy. Cảnh quay này phải thực hiện đến 5h sáng hôm sau khiến tôi kiệt sức, nhưng vừa quay xong thì tôi mở điện thoại lên đọc được tin là cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội thì đó một sự trùng hợp khủng khiếp, trùng ngày, trùng thời điểm, trùng tên. Điểm đặc biệt khiến tôi nổi da gà là chung cư Khương Hạ đó chỉ cách khu nhà tôi sống 500m và con hẻm đó tôi cũng thường xuyên đi qua đi lại hằng ngày, khi tôi còn sống và làm việc ở Hà Nội. Trong vụ cháy đó, tôi nhớ hình ảnh một chiến sĩ bế một em bé gái ra mà không cứu được, lúc đó tim tôi như thắt lại. Hơn hết bản thân tôi cũng là một người cha nên tôi rất đồng cảm, xúc động.
PV: Liệu đây có phải là bộ phim khiến anh nghĩ về gia đình, người thân của mình không?
Xuân Phúc: Tôi nghĩ đây là bộ phim mà bất cứ ai xem xong cũng sẽ nhìn nhận lại bản thân mình và giá trị cuộc sống, biết trân trọng người thân của mình từng giờ từng phút. Quan trọng hơn hết là bài học cảnh tỉnh dành cho tất cả mọi người trong việc phòng cháy chữa cháy, chỉ cần chúng ta lơ là trong tích tắc thì không biết chuyện gì sẽ ập đến.
PV: Khi tham gia một bộ phim “vắt kiệt sức” mình như vậy thì người thân của anh đã lo lắng như thế nào?
Xuân Phúc: Chỉ cần đi quay xa là vợ tôi lo rồi. Nhưng cô ấy không có mặt trực tiếp ở set quay nên chưa tưởng tượng ra được mức độ nguy hiểm đó ra sao, nếu mà chứng kiến chắc sẽ không cho tôi đi quay luôn.
PV: Vậy khi xem phim, chứng kiến những cảnh quay nguy hiểm mà chồng mình thực hiện, vợ anh phản ứng ra sao? Liệu cô ấy có giao hẹn là từ lần sau anh không được đóng phim hành động nữa?
Xuân Phúc: Nói vui vậy thôi chứ vợ Phúc là một người cực kỳ tâm lý, hiểu chuyện và luôn động viên Phúc làm thật tốt, thật hết mình. Nếu nói là không lo, ko sợ thì không phải. Vợ Phúc cũng có nỗi sợ gần giống như nhân vật vợ Toàn Thắng trong phim. Rất lo lắng khi Phúc đi đóng phim hành động có liên quan đến cháy nổ, khói lửa. Sợ Phúc bị chấn thương hoặc tai nạn gì đó không may xảy ra. Cũng buồn khi Phúc liên tục đi xa nhà quay phim thời gian dài. Bản thân mình cũng rất hiểu và thông cảm cho Vợ nên hai vợ chồng Phúc luôn luôn nỗ lực cùng nhau vượt qua.
PV: Điểm nào của nhân vật mình hoá thân khiến anh thích nhất?
Xuân Phúc: Nhân vật này là đầu tàu, là anh cả, tính cách khá vui tính và quan tâm đến anh em ở trong đội. Bên cạnh đó là một người phải đấu tranh giữa công việc mình yêu thích với gia đình và kinh tế. Vì lương của người lính cứu hoả không cao nên nhân vật này phải đấu tranh giữa việc một là đổi sang công việc khác lương cao hơn, an toàn hơn và có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn; hai là phải hy sinh để được làm công việc mình yêu thích, cống hiến cho xã hội. Điều đó khiến tôi cảm thấy vai diễn này rất hay, rất thú vị. Ngoài đời tôi nghĩ chắc chắn cũng có rất nhiều người cũng đứng giữa lằn ranh lựa chọn như vậy nên khi lên phim, đâu đó khán giả sẽ thấy mình ở trong đó, nó không chỉ riêng đối với nghề lính cứu hoả mà bất cứ nghề nào cũng vậy.
PV: Anh cảm thấy như thế nào khi làm việc với đạo diễn Trần Thanh Huy?
Xuân Phúc: Làm việc với anh Huy lần đầu rất khó lường, tưởng dễ ăn nhưng không hề dễ tí nào. Anh Huy chỉ dễ trên bàn nhậu, nhưng ở phim trường thì anh Huy rất khó.
Anh Huy đòi hỏi rất cao, anh luôn muốn thử sức diễn viên của mình và xem chúng tôi có thể chịu đựng được áp lực đến mức nào. Trong tất cả những cảnh quay của tôi thì vừa phải thể hiện những cảnh nguy hiểm, vừa thể hiện tâm lý nặng, đó là một trải nghiệm tốt để tôi hoàn thiện bản thân hơn trong công việc diễn xuất. Anh Huy giúp tôi làm được những điều đó và bộc phát ra hết khả năng, bước ra khỏi vùng an toàn. Đó là một điều cực kì tốt của một đạo diễn có tâm dành cho diễn viên của mình, anh Huy muốn khai thác hết những khía cạnh của người diễn viên đó, tạo áp lực nhưng cũng là động lực để diễn viên phát triển tốt hơn, toàn diện hơn.
PV: Sau “Đi về phía lửa”, anh có thể tiết lộ về những dự án sắp tới của mình?
Xuân Phúc: Phúc sẽ tiếp tục có 2 dự án phim hành động nối tiếp theo đó. Một dự án quốc tế của nước Nga kết hợp với Việt Nam và một dự án phim hành động trong nước.
PV: Xin cảm ơn anh!