Hé lộ 2 bộ trang phục dân tộc của Á hậu Phương Anh tại Hoa hậu Quốc tế 2022
VOV.VN - Vừa qua, Á hậu Phương Anh đã hé lộ 2 ý tưởng về trang phục dân tộc của mình do NTK Lê Long Dũng và Thân Nguyễn An Kha thực hiện để cô mang đến Miss International 2022 (Hoa hậu Quốc tế) diễn ra vào tháng 12 tại Nhật Bản.
Dáng dấp của những giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam cùng với đó vẻ đẹp tri thức vốn có của Phương Anh đã được NTK Lê Long Dũng, Thân Nguyễn An Kha kết hợp vô cùng hài hòa thông qua 2 bộ trang phục dân tộc. Với trang phục chính bên trong là chiếc áo dài truyền thống đi cùng với những phụ kiện đặc trưng của từng bộ, mang sắc đỏ chủ đạo xen lẫn với điểm nhấn là sắc vàng đầy quyền lực như hình ảnh của lá cờ nước Việt đầy tự hào nhưng cũng không kém phần duy mỹ.
Bộ trang phục dân tộc thứ nhất mang tên “Hoa Trạng Nguyên" được xem là biểu tượng của sự thành danh, đỗ đạt. Trong dân gian Việt Nam, chuyện xưa kể rằng: “Một cậu học trò lên kinh ứng thi, thấy một cây lá xanh ven đường. Đến khi thi đỗ trạng nguyên trở về làng, anh bỗng nhận thấy trên ngọn cây những chiếc lá xanh ngày nào giờ trở thành màu đỏ, dường như cây cũng đang chúc mừng anh thi đỗ. Từ đó, anh gọi cây này là cây hoa Trạng Nguyên.
Bên cạnh đó, bộ trang phục còn lấy cảm hứng từ câu chuyện đậm tính nữ quyền về nữ trạng nguyên đầu tiên trong thời kì trung đại mang tên Nguyễn Thị Duệ hay được biết với danh xưng “Bà chúa sao”. Thời xưa “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được xem là việc của đàn ông, vì thế mà cảnh đèn sách đi thi của các sĩ tử thì tuyệt chỉ có nam giới, không hề có bóng nữ nhi nào. Chính vì thế nếu có bậc nữ nhi nào thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh, có chí dùi mài kinh sử thì chỉ có nước đóng giả nam mới có cơ hội lọt vào trường thi. Lịch sử Việt Nam cũng đã từng có một bậc nhi nữ phải cải trang thành nam để thi tài, kết quả đã vượt qua tất cả các sĩ tử khác, trở thành trạng nguyên đứng đầu khoa thi. Đó chính là bà Nguyễn Thị Duệ, người đời quen gọi bà là “bà chúa Sao”.
NTK Lê Long Dũng chia sẻ: “Sở dĩ tôi lựa chọn hình ảnh này nhằm phần nào thể hiện một cách tinh tế nhất vẻ đẹp tri thức cùng học vấn “khủng” vốn đã làm nên tên tuổi của Phương Anh. Bên cạnh việc giữ nguyên form dáng của chiếc áo dài truyền thống, tôi và NTK Thân Nguyễn An Kha đã tạo điểm nhấn thông qua phụ kiện như mấn thiết kế tròn như vầng hào quang của sự ưu tú, vân khiên ở vai áo cũng như phần thân áo được trang trí dựa trên những kiến trúc từ những bức tượng thời Lý đến thời nhà Nguyễn được chạm nổi, chạm lộng vô cùng đa dạng. Thêm vào đó, hoa văn vốn cổ và hình ảnh sao khuê 16 cánh tượng trưng cho những trạng nguyên đạt ngôi vị cao nhất toả sáng như bầu trời đầy sao”.
Ở bộ trang phục dân tộc thứ 2, NTK Lê Long Dũng và Thân Nguyễn An Kha mang lại tiếng nói đậm tính nữ quyền thông qua hình ảnh cá chép vượt vũ môn hoá rồng. Đây là hình tượng vốn rất quen thuộc trong nền văn học và tín ngưỡng của dân tộc Việt. Lê Long Dũng đã ẩn dụ hoá hình ảnh này với ý nghĩa không chỉ tượng trưng cho sự đỗ đạt, thành công mà còn là tiếng nói đanh thép của những người phụ nữ khi dám vượt vũ môn, xoá bỏ những xiềng xích định kiến rằng chỉ có nam nhi mới được học hành và đỗ trạng, phụ nữ thì lại vô cùng khó khăn.
NTK chia sẻ rằng nếu ở bộ đầu tiên, hoa trạng nguyên được sử dụng thì ở trang phục này, hoa bảo tiên lại là loài hoa được Lê Long Dũng khéo léo cài cắm vào. Là sự kết hợp của ba loài hoa: hoa cúc, hoa sen và mẫu đơn, đây là loài hoa gắn liền với các tiến sĩ đỗ trạng, từ đó thể hiện chất thơ của bộ trang phục dân tộc.
Về họa tiết, Lê Long Dũng tiếp tục tiết lộ rằng hoa văn vốn cổ lại tiếp tục xuất hiện trong bộ trang phục này cùng với kỹ thuật chạm lộng, điêu khắc tinh xảo. Đặc biệt, điểm nhấn có thể kể đến chính là phần phụ kiện mấn. Lấy ý tưởng từ nón cánh chuồn tượng trưng cho quan đỗ trạng nhưng Lê Long Dũng đã cách điệu vô cùng tinh tế nhằm mang lại sự nữ tính vốn có cho người mặc nhưng vẫn luôn đề cao sự tự tin, trí tuệ, bản lĩnh của một “Nữ trạng nguyên".
Với 2 bộ trang phục dân tộc đầy tinh xảo, NTK Lê Long Dũng - Thân Nguyễn An Kha đã thổi vào hơi thở truyền thống hiếu học vốn đã có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam, từ đó tôn vinh vẻ đẹp và học thức đáng nể của Á hậu Phương Anh trong hành trình “mang chuông đi đánh xứ người” tại Miss International 2022./.