Thu phí ô tô vào nội đô: Cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác
VOV.VN - Xe ở ngoài vành đai vào nội đô chỉ là một phần gây ùn tắc, còn có rất nhiều nguyên nhân khác. Vì thế, khi chưa giải quyết được những nguyên nhân căn bản thì việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ đạt hiệu quả không cao.
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” đang được dư luận quan tâm, nhất là những cư dân Hà Nội.
Phải khẳng định, đây là nỗ lực của TP Hà Nội trong việc tìm kiếm các giải pháp chống ùn tắc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nhưng với những nguyên nhân gây ùn tắc như hiện nay, nếu không tính toán, xem xét thấu đáo thì việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội sẽ không đạt hiệu quả cao.
Trước hết, chúng ta phải nhìn vào thực tế hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội hiện nay. Đó là việc chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi giao thông công cộng còn quá thiếu lại yếu. Đi lại bằng phương tiện công cộng ở Hà Nội hiện nay chưa thuận tiện, mất khá nhiều thời gian của người dân, nhất là khu vực ngoại thành. Theo mục tiêu TP Hà Nội đặt ra là đến năm 2025, đạt chỉ tiêu tỉ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%. Nhưng hiện vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt mới chỉ đáp ứng chưa đầy 15 - 16%, điều này ảnh hưởng khá lớn đến việc hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Hiện tại, mỗi chủ xe đang phải chịu rất nhiều loại thuế phí khi sở hữu, sử dụng một chiếc xe ô tô, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ô tô và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, thuế bảo vệ môi trường… Việc cõng thêm phí nội đô, về lâu dài cũng là gánh nặng đối với họ. Vậy nên, mức thu loại phí này dựa trên cơ sở nào cũng là điều nhiều người quan tâm.
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện nay Hà Nội đang có khoảng 7.654.081 phương tiện, trong đó có 1.029.347 ô tô, 6.446.531 mô tô, 178.203 xe máy điện. Như vậy, số xe ô tô chỉ chiếm hơn 15% trong tổng số phương tiện, trong khi gần 85% là xe máy và các loại xe khác. Vậy thì, ô tô có phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trong nội đô?
Với tình trạng tắc đường hiện nay không còn chỉ trong nội đô mà cả ở đường vành đai, thì giải pháp thu phí liệu có hiệu quả giảm ùn tắc như mong muốn. Hơn nữa, khi đưa ra giải pháp thu phí để giảm ùn tắc trong nội đô, chúng ta đã có khảo sát, đánh giá cụ thể, khoa học về tỷ lệ giữa ô tô ở ngoài vành đai vào nội đô so và ô tô lưu thông trong nội đô? Khi có đánh giá cụ thể, khoa học thì mới trả lời chính xác được việc tắc đường và mới có giải pháp hữu hiệu.
Và một thực tế là trong nội thành Hà Nội quy hoạch chưa đồng bộ và gây xung đột cho các vấn đề khác, nhất là giao thông. Nhiều tuyến đường dày đặc khu chung cư, nhà cao tầng khiến giao thông quá tải nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi và khu đô thị Linh Đàm… ngày nào tắc đường cũng diễn ra.
Ùn tắc phần nữa là do việc bố trí "điện, đường, trường, trạm"… còn nhiều bất cập. Có những con đường chưa đầy 400m mà có tới 4-5 trường trung học, cao đẳng, đại học, tiểu học… khiến giao thông tấp nập, hỗn loạn. Việc di dời nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm thực hiện chưa đủ quyết liệt nên chưa di dời được bao nhiêu.
Cùng với đó, đường sá Hà Nội liên tục trong tình trạng sửa chữa, vá víu. Vỉa hè, đường phố liên tục bị đào xới để thay đá lát, thay sửa điện nước… Tình trạng cấm đường, quây tôn không khó bắt gặp trên các con phố. Người tham gia giao thông luôn trong tình cảnh bị dồn vào “cổ chai” khiến ùn tắc xảy ra khắp nơi.
Một nguyên nhân nữa “góp phần” không nhỏ trong việc ùn tắc là ý thức của người tham gia giao thông. Trên các tuyến đường, tình trạng leo vỉa hè, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ diễn ra phổ biến, mạnh ai nấy chen. Ô tô dàn hàng ngang chiếm hết phần đường xe máy, xe máy chen ngang trước mũi ô tô trên nhiều tuyến phố. Ở nhiều đường chính vào nội đô, xe khách, xe dù ngang nhiên dừng đỗ bắt khách gây nguy cơ tan nạn, cản trở giao thông đã diễn ra nhiều năm nhưng cứ dẹp hôm trước, hôm sau lại tái diễn…
Một phần nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là việc “nhờn” luật của người tham gia giao thông. Một bộ phận những người thực thi nhiệm vụ xử lý chưa nghiêm, chưa ráo riết, liên tục các trường hợp vi phạm giao thông. Xử lý vi phạm giao thông còn làm theo kiểu chiến dịch, phong trào, ra quân… nên ít hiệu quả. Chưa kể có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng cả nể, dễ dàng bỏ qua việc xử lý khi người vi phạm xin xỏ, “gọi điện cho người thân”…
Vậy nên, thu phí ô tô vào nội đô nếu thực hiện thì cần song hành giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên một cách kịp thời thì mới mong đạt hiệu quả./.