Bỗng dưng thích… mộc!

VOV.VN - Tôi nghĩ phải là những người thấu hiểu nhau thì mới có thể mộc mạc chân thành. Số còn lại chắc phải lịch duyệt, từng trải và bao dung thì mới có được ứng xử đạt đến độ… mộc, bất luận người đối diện sang hay hèn, quen hay lạ.

1. Đã có những tranh luận không hồi kết trong giới chơi âm thanh là thích chất âm ngọt ngào hay chất âm mộc. Người theo trường phái của chất âm mộc thì bảo chất âm ngọt ngào, nghe nịnh tai, giống như ăn phở cho mì chính. Thích nước phở ngọt do mì chính hay từ xương hầm tuỳ khẩu vị mỗi người. Kẻ ưa chất âm ngọt thì bảo mộc nghe khô, khó vào. Tuy nhiên âm thanh mộc nghe lâu không chán, gần với sự trung thực của nguồn âm hơn nên phần đông giới chơi audio sau quãng đường dài trăn trở cuối cùng vẫn quay về với… mộc.

2. Trong kiến trúc, đây đó ta thấy những mảng tường không trát, hoặc đã trát nhưng được những người làm nội thất lột bỏ phần vữa, để trơ gạch mộc, nhìn thô ráp, hoài cổ và sinh động.

Gần đây, các toà nhà văn phòng có xu hướng không làm trần phẳng phiu mà để lộ ra toàn bộ hệ thống điện, điều hoà, cứu hoả…, sau đó phun sơn tối màu. Cái không gian phía trên đầu để mộc như thế tưởng rối rắm, bừa bộn hoá ra lại có chiều sâu, nhìn không chán, không tẻ.

Trong thiết kế nội thất có hẳn một trường phái tôn thờ sự thô mộc. Nhiều chất liệu, trong đó có gỗ, khi chế tác không cần quá dụng công chau chuốt mà cứ để nguyên như nó vốn có, cả mắt gỗ, vỏ gỗ, cả phần lõi bị sâu. Sinh hoạt bên cạnh những vật dụng như vậy ta có cảm giác gần gũi với tự nhiên.

 

3. Trong ẩm thực, càng ngày người ta càng hướng tới nguyên chất, tức là phát huy tối đa “tính mộc”  của nguyên liệu mà không để gia vị can thiệp quá nhiều. Cá lóc nướng trui miền Tây vốn là món ăn dân dã của dân nhậu miệt vườn, dân đồng áng. Thế nhưng nay thành món “độc” của các nhà hàng hạng sang vì càng ngày người ta càng thấy vị ngọt, vị thơm của thịt cá hấp dẫn, thu phục vị giác, không gì thay thế.

Trên đời này có bao nhiêu vị cay nhưng người sành ăn vẫn thích vị cay cà cuống. Và phải vị cay thơm của con cà cuống sống chứ tinh dầu cũng không đạt.

Trước đây người ta truyền tai nhau muốn cà phê lúc rang xay phải cho thứ này thứ kia thì khi pha mới đậm đà. Chả biết thực hư thế nào chứ giờ dân nghiện cứ ra hàng quen, nhìn thấy hạt cà phê, sờ thấy hạt cà phê, nói xay cho tôi loại này, loại rang mộc, không bơ.  Chả phải ngẫu nhiên mà triết lý cà phê mộc của Starbuck lại nổi đình nổi đám trên toàn thế giới.

4. Về màu sắc, nếu biết phối các tông màu trầm - màu mộc, thì sẽ rất sang! Đấy là cái sang của người đài các chứ không phải của kẻ mới nổi luôn thích rực rỡ chốn đông người. Vàng son là màu sắc biểu tượng của vua chúa, của quyền uy. Trong khung cảnh màu sắc chói loà rực rỡ dễ khiến người ta hoang mang, rợn ngợp. Ngược lại, tông màu mộc – màu trầm dễ gần và dễ gây thiện cảm. 

5. Tôi không rành nhưng hình như trong các cuộc thi sắc đẹp đều có nội dung buộc thí sinh phải để mặt mộc để giám khảo nhận xét. Mà suy cho cùng, trong cuộc sống, chúng ta có trang điểm được mãi đâu, rồi cũng có lúc phấn son tuột mất, chỉ còn khuôn mặt mộc. Mộc là sự thật. Mộc mà vẫn đẹp mới đáng trân quý.

6. Ngay cả với kỷ nguyên của @ thì tôi vẫn thấy sự hiện diện của “mộc”. Qua rồi cái thời giao diện màu mè loè loẹt nhấp nháy đỏ xanh tím vàng. Giờ là lúc các giao diện đem tới sự thân thiện, các phần mềm mang tới sự tối giản, thuận tiện cho người dùng.

7. Còn trong giao tiếp, ứng xử, mộc thường đồng nghĩa với sự chân thành. Mộc mạc thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau vượt ra khỏi lời nói và lễ nghi xã giao. Lẽ dĩ nhiên, mộc không phải bỗ bã, dễ dãi hay xuê xoa.

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc giao tiếp ồn ào mà một bên (hoặc cả hai bên) tranh nhau kể những câu chuyện sáo rỗng, liến thoắng nói những điều chả ăn nhập. Hình như tất cả cố sức nói để tránh những khoảng lặng. Họ sợ những khoảng trống không thanh âm? Hoặc cũng có thể họ nghĩ không nói gì là tẻ nhạt? Một số khác cố chứng tỏ bề trên hoặc năng lực tư duy vượt trội nên thận trọng, cân nhắc, ý tứ để câu nào thốt ra cũng phải là tuyên ngôn, chau chuốt, súc tích và có tính khái quát. Giao tiếp bỗng chốc trở thành cuộc thi nghe - hiểu và cuộc chiến thu phục nhân tâm khiến không khí nặng nề, ai cũng mệt mỏi, gượng gạo.   

Tôi nghĩ phải là những người thấu hiểu nhau thì mới có thể mộc mạc chân thành. Số còn lại chắc phải lịch duyệt, từng trải và bao dung thì mới có được ứng xử đạt đến độ… mộc, bất luận người đối diện sang hay hèn, quen hay lạ.  Khi đó cuộc gặp gỡ sẽ không cần trang điểm bằng cách cố nặn ra những nụ cười, câu nói; hay cố lên gân tuyên ngôn kiểu sấm truyền để chứng tỏ ta đây. Chả cần, chỉ nhìn nhau là hiểu, nếu không, chỉ cần đôi câu rất mộc, chân thành./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thịnh Suy và nét mộc mạc đặc trưng với "Tình yêu xanh lá"
Thịnh Suy và nét mộc mạc đặc trưng với "Tình yêu xanh lá"

VOV.VN - Vẫn là một Thịnh Suy vô cùng mộc mạc nhưng có sự thay đổi lớn trong tư duy và góc nhìn về cuộc sống.

Thịnh Suy và nét mộc mạc đặc trưng với "Tình yêu xanh lá"

Thịnh Suy và nét mộc mạc đặc trưng với "Tình yêu xanh lá"

VOV.VN - Vẫn là một Thịnh Suy vô cùng mộc mạc nhưng có sự thay đổi lớn trong tư duy và góc nhìn về cuộc sống.

Ngắm vẻ đẹp mộc mạc của phụ nữ vùng cao Tây Bắc
Ngắm vẻ đẹp mộc mạc của phụ nữ vùng cao Tây Bắc

VOV.VN - Dù già hay trẻ và là dân tộc nào, phụ nữ các dân tộc vùng cao Tây Bắc luôn toát lên vẻ đẹp cần mẫn, chịu thương chịu khó.

Ngắm vẻ đẹp mộc mạc của phụ nữ vùng cao Tây Bắc

Ngắm vẻ đẹp mộc mạc của phụ nữ vùng cao Tây Bắc

VOV.VN - Dù già hay trẻ và là dân tộc nào, phụ nữ các dân tộc vùng cao Tây Bắc luôn toát lên vẻ đẹp cần mẫn, chịu thương chịu khó.