Đi chợ hộ

VOV.VN - Đi chợ hộ - có lẽ, là nhiệm vụ thật “đặc biệt” đối với những người lính lần Nam tiến này. Giờ thì người dân TP. HCM đã yên tâm “ở yên” trong nhà khi có lực lượng áo xanh lo chu đáo, trao thực phẩm đến tận tay.

Tính đến hết ngày 22/8, con số tử vong do Covid-19 đã là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% tổng số ca mắc. Một mốc mới trong cuộc chiến chống dịch tại nước ta được đánh dấu ngày 19/8 khi con số mắc lên tới 10.000, 11.000 ca, đó là Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động lực lượng quân đội, công an tới TP. Hồ Chí Minh tham gia chống dịch. Đây là phương án cao nhất trong 5 cấp độ chống dịch đã được lên kế hoạch trước đó.

Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, lực lượng quân đội được tăng cường vào TP. Hồ Chí Minh có nhiều nhiệm vụ quan trọng phải làm, trong đó có một việc được giao rất cụ thể, đó là vận chuyển lương thực, đi chợ hộ bà con.

“Cơm áo” là chuyện rất bình thường nhưng ở vào những thời điểm, hoàn cảnh khó khăn, nếu không lo, không giải quyết được ổn thỏa, lại dễ phát sinh thành việc nghiêm trọng.

Bởi nếu không đủ lương thực, thực phẩm - những thứ thiết yếu nhất đối với mỗi người, mỗi nhà thì việc “ở yên” khó mà thực hiện. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền không chỉ trước đó mà ngay cả vừa mới đây, cứ mỗi khi có chỉ thị giãn cách, người dân lại đổ xô đi lo tích trữ lương thực. Nhiều ổ dịch tại các siêu thị, các chợ dân sinh phát sinh thời gian qua cũng đủ minh chứng.

Nguy cơ lây lan lớn hơn là những cuộc hồi hương với số lượng lớn của người lao động từ thành phố HCM, Bình Dương trở về quê. Những người lao động nghèo, ngoài chuyện thấp thỏm về sự an nguy tới tính mạng, sức khỏe do dịch bệnh thì nỗi lo trực diện nhất là không có việc làm, cơm không đủ ăn. Cực chẳng đã họ mới phải lần hồi về quê nương náu.

Một câu chuyện gây ám ánh những ngày qua, đó là hình ảnh người đàn ông gục chết trên chiếc xe lăn, tay vẫn cầm bịch đồ ăn do những người hảo tâm phân phát. Dịch Covid-19 đã làm lộ rõ hơn phận nghèo mà sự khốn khó, yếu thế đã khiến họ không thể đủ sức chống đỡ với bệnh tật và sự đói khát nếu không được hỗ trợ, giúp đỡ.

“Chi hỗ trợ đầy đủ, đúng quy định, không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào” - Đó là mục tiêu của Chính phủ khi thực hiện các gói hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó có đối tượng lao động nghèo, lao động tự do. Một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi có vị tiến sỹ thuộc một Viện Nghiên cứu đã bày tỏ quan điểm thà phát tiền nhầm còn hơn để dân đói. Ông cho rằng “Mục tiêu quan trọng nhất bây giờ là cứu đói ngay chứ không phải sợ phát tiền nhầm mà rà soát quá lâu”, và rằng, chính quyền nên chấp nhận sai số khi làm việc này.

Nhìn rộng ra các nước, khi dịch bệnh phức tạp, chính phủ Mỹ hay Australia đều có khoản trợ cấp cho những người từ 17 tuổi trở lên bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều đáng nói, khoản trợ cấp này giúp họ đủ sống, thậm chí nó còn khá hơn so với số tiền lương trước đó của những người có công việc thu nhập thấp.

Dĩ nhiên, cũng khó để so sánh với các nước có nền kinh tế phát triển. Điều muốn nói ở đây chính là, cần có sự hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể trong tình huống cấp bách.

Ngày 22/8, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chi gói hỗ trợ hơn 2.500 tỷ đồng cho các đối tượng là hộ lao động nghèo sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do trên địa bàn thành phố. Vâng, giá như gói hỗ trợ này được triển khai sớm hơn thì có lẽ, không có cảnh hỗn loạn trở về quê. Việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm giá như cũng được làm sớm hơn, có kế hoạch, bài bản hơn thì chắc cũng bớt cảnh nhao nhác lo tích trữ. Nhưng dù muộn, có vẫn tốt hơn nhiều.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, bên cạnh các biện pháp mạnh, ngày 23/8, lực lượng quân đội bắt đầu công việc đến từng nhà lấy phiếu đăng ký "đơn hàng", đi chợ thay, chọn hàng hóa, thực phẩm... và mang đến tận tay bà con. Cần nhấn mạnh là, bất kể người dân nào trên địa bàn thành phố, đều được cấp phát lương thực và được đi chợ hộ.

Một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, mấy hôm trước còn than thở trên trang facebook cá nhân về nỗi gia đình thuộc vùng đỏ, phải “án binh bất động”, không được ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì thì hôm nay, nhận món đồ và khoe bức ảnh chụp “chú bộ đội” đã phấn khởi mà rằng: Dân luôn lo xa muôn nỗi sinh tồn. Thế là ngay lập tức các chú bộ đội xuất hiện, thương thế chứ. Bộ đội tận tình như vậy, cứ bảo sao đi dân nhớ, ở dân thương…

Đi chợ hộ - có lẽ, là nhiệm vụ thật “đặc biệt” đối với những người lính lần Nam tiến này. Giờ thì người dân thành phố Hồ Chí Minh đã yên tâm “ở yên” trong nhà khi có lực lượng áo xanh lo chu đáo, trao thực phẩm đến tận tay. “Rồi sẽ ổn thôi” -  chả nhẽ lực lượng quân đội đã vất vả lo từ việc nhỏ đến việc lớn cho dân như vậy mà người dân lại không thể thực hiện nghiêm việc giãn cách trong 2 tuần quyết định, để thành phố sớm bình yên?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lợi dụng dịch Covid-19 bùng phát, hãng thuốc âm mưu “đục nước béo cò”
Lợi dụng dịch Covid-19 bùng phát, hãng thuốc âm mưu “đục nước béo cò”

VOV.VN - Trong cuộc sống, trò lừa bịp càng khốn nạn càng phải khoác lên mình tấm áo giả nhân giả nghĩa, sắm bộ mặt đàng hoàng thật tử tế cho xứng tầm. Thời đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ nhất trò bịp này ở lĩnh vực thuốc men.

Lợi dụng dịch Covid-19 bùng phát, hãng thuốc âm mưu “đục nước béo cò”

Lợi dụng dịch Covid-19 bùng phát, hãng thuốc âm mưu “đục nước béo cò”

VOV.VN - Trong cuộc sống, trò lừa bịp càng khốn nạn càng phải khoác lên mình tấm áo giả nhân giả nghĩa, sắm bộ mặt đàng hoàng thật tử tế cho xứng tầm. Thời đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ nhất trò bịp này ở lĩnh vực thuốc men.

Từ thiện mùa dịch: Đừng để lòng tốt bị “trục lợi”
Từ thiện mùa dịch: Đừng để lòng tốt bị “trục lợi”

VOV.VN - Giúp đỡ người nghèo, người khó khăn là việc nên làm. Nhưng cũng nên là người tốt "thông thái" để giúp đúng người cần giúp, san sẻ yêu thương đúng nơi, đúng chỗ. Có như vậy, lòng tốt mới được lan tỏa và có ý nghĩa.

Từ thiện mùa dịch: Đừng để lòng tốt bị “trục lợi”

Từ thiện mùa dịch: Đừng để lòng tốt bị “trục lợi”

VOV.VN - Giúp đỡ người nghèo, người khó khăn là việc nên làm. Nhưng cũng nên là người tốt "thông thái" để giúp đúng người cần giúp, san sẻ yêu thương đúng nơi, đúng chỗ. Có như vậy, lòng tốt mới được lan tỏa và có ý nghĩa.

Đề kháng với fake news
Đề kháng với fake news

VOV.VN - Tin giả ngày càng tinh vi nhưng chúng ta vẫn có thể nhận biết để không bị cuốn vào trào lưu chia sẻ, lan truyền những điều, những câu chuyện thất thiệt trên mạng xã hội.

Đề kháng với fake news

Đề kháng với fake news

VOV.VN - Tin giả ngày càng tinh vi nhưng chúng ta vẫn có thể nhận biết để không bị cuốn vào trào lưu chia sẻ, lan truyền những điều, những câu chuyện thất thiệt trên mạng xã hội.