Giải pháp nào cho "nước nhỏ" sống yên ổn cạnh "nước lớn"?
VOV.VN - "Nước nhỏ" muốn sống "yên ổn", "hòa bình" bên cạnh quốc gia láng giềng lớn đầy tham vọng thường thực thi chính sách an ninh, đối ngoại nào?
Khi các chế tài quốc tế chưa đủ mạnh để "cưỡng chế" hòa bình, cũng như tiến trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế chưa đủ sức nặng để ngăn chặn chiến tranh, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thì các "nước nhỏ" luôn trong tâm thế phải chuẩn bị một ngày nào đó có khả năng sẽ xảy ra "chiến tranh", dù họ có muốn hay không.
Trường hợp Ukraine là bài học nhãn tiền. Nếu như người dân và lãnh đạo Ukraine biết được kết cục ngày hôm nay, chắc chắn họ sẽ không bao giờ "ngây thơ" tin vào sự đảm bảo an ninh của các nước lớn, đặt bút ký Hiệp ước Moscow và Hiệp ước Budapest năm 1994 để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, mà sẽ cố gắng giữ lại dù chỉ một phần mặc dù chi phí cho việc duy trì số vũ khí hạt nhân này không hề nhỏ.
Vậy ngoài chuyện chiến tranh, một điều mà không có bất kỳ "quốc gia nhỏ" nào mong muốn, vì họ luôn là bên bị thua thiệt, thì "quốc gia nhỏ" thường làm gì để có được hòa bình?
Khẩu hiệu hòa hình, ước mong hòa bình là điều ai cũng nói được vì nó quá dễ, nhưng hiện thực hóa nó như thế nào thì lại là bài toán không dễ chút nào của bất kỳ quốc gia, lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới, từ cổ chí kim, từ xa tới gần và không có ngoại lệ.
Trong một số trường hợp, khi chiến tranh xảy ra giữa "nước lớn" và "nước nhỏ", thì nước nhỏ ở thế bất lợi về truyền thông, thường bị "gán" cho "tội" "cư xử không khéo léo", "thiếu tế nhị", thực thi chính sách đối ngoại "thiếu cân bằng".
Câu hỏi tiếp theo là, giả sử "nước nhỏ" thực thì tất cả các chính sách trên thì họ có giữ được nền hòa bình lâu dài hay không. Câu trả lời vẫn là "chưa chắc" vì điều đáng buồn là vận mệnh "nước nhỏ" cũng phần nhiều tùy thuộc vào lợi ích của các "nước lớn" bên cạnh, và cách nhìn nhận về lợi ích của các "nước lớn" này ở từng thời điểm và từng bối cảnh cụ thể.
Vậy để có "hòa bình", không có chiến tranh thì các "nước nhỏ" thường áp dụng các chính sách nào? Sơ bộ tổng hợp một số cách tiếp cận sau:
- Một, thực thi "Chiến lược con tôm độc" như cách ông Lý Quang Diệu đã làm cho Singapore. Đây là chiến lược ngoại giao thực dụng tăng cường toàn diện nội lực của mình, biến Singapore là một phần không thể thiếu được trong cấu trúc an ninh (cả an ninh kinh tế, tài chính) của khu vực và thế giới. Điều này khiến các lân bang hùng mạnh: (i) không muốn, (ii) không thể, và (iii) không dám đánh;
- Hai, "Chiến lược thần phục" ngả hẳn vào một nước lớn bên cạnh để được che chở về an ninh, phát triển và an toàn về thể chế. Đây là điều một số nước Trung Á đang làm là dựa hẳn vào Nga.
- Ba, dựa vào "ô an ninh" (security umbrella), của một cường quốc hay một tổ chức an ninh tập thể hùng mạnh bên ngoài để đảm bảo an ninh. Cái này có rất nhiều ví dụ, như trường hợp các nước Baltic và Đông Âu XHCN cũ dựa vào NATO; Hàn Quốc; Nhật Bản, Philippines... dựa vào Mỹ bằng các hiệp ước an ninh song phương.
- Bốn là, xây dựng sức mạnh răn đe, tức có khả năng "mang chiến tranh" sang thủ đô đối phương là các nước lớn, hoặc các "quốc gia nhỏ" có đủ sức phá hủy, làm tê liệt các cơ sở hạ tầng kinh tế, quân sự quan trọng của đối phương.
Các cuộc chiến hiện đại gần đây như Mỹ tấn công Iraq hay Nga tấn công Ukraine là những cuộc chiến một chiều. Iraq và Ukraine "chịu trận" đơn phương vì không đủ khả năng "mang chiến tranh" sang đất đối phương.
- Năm là, tạo sự hủy diệt lẫn nhau (mutually assured destruction), tức cả hai bên cùng bị "xóa xổ" nếu như chiến tranh nổ ra.
Đây là điều ta thấy rất rõ trong cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và NATO hiện nay. Nga tuy sức mạnh vũ khí thông thường yếu hơn và GDP chỉ băng 1/25 tổng GDP của Mỹ và EU cộng lại, nhưng lại có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, đủ sức san phẳng nhiều lần thế giới. Do đó, Mỹ và phương Tây chỉ đối đầu với Nga trong các lĩnh vực "phi hạt nhân" mà thôi.
Trường hợp Triều Tiên cũng vậy. Nhờ có vũ khí hạt nhân, và khả năng "mang chiến tranh" đến 2 "thủ đô kinh tế" của thế giới là Tokyo và Seoul nên hiện giờ không nước nào dám đụng độ với Triều Tiên (khi không bị khiêu khích quá mức) và chế độ Triều Tiên vẫn "vững như bàn thạch" mặc dù kinh tế hết sức khó khăn.
Cách tiếp cận chung là như vậy, nhưng cách làm thực tế của từng nước có thể khác nhau vì trên thế giới không có quốc gia nào giống hệt quốc gia nào. Và có những nước, để có được nền hòa bình lâu dài, họ không chỉ áp dụng một cách tiếp cận duy nhất, mà có thể áp dụng pha trộn từng phần hoặc nhiều phần các cách tiếp cận trên.
Nhưng có trường hợp đối với nhiều dân tộc nhỏ, ngay cả khi được trao cho "cơ hội" "hòa bình" thì họ cũng vẫn khước từ vì đó không phải là "hòa bình trong phẩm giá" (peace with dignity).
Suy cho cùng, chiến tranh là câu chuyện tính toán mất, được. Và chả có "nước lớn" nào sẽ nghĩ đến chuyện gây chiến nếu họ biết rằng tổng cái giá phải trả lớn hơn nhiều những gì họ thu được./.