Góc… rưng rưng về người thầy
VOV.VN - Ai cũng có những kỷ niệm lung linh về người thầy. Tôi cũng ăm ắp những góc lấp lánh như thế nhưng lại cũng có cả những góc… rưng rưng.
Tôi học cấp III quãng 1985-1988. Giai đoạn này đất nước vô cùng khó khăn! Tôi trọ nhà ông bác ngay ngõ chợ Gia Lâm để tới Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho gần, khỏi phải đi bộ từ nhà (Đức Giang) tới trường tầm 3 cây số.
Hôm đó đang lúi húi gập quần áo thì nghe tiếng quen quen ngoài cửa, hỏi bác có lấy rượu không. Ngó ra đúng cô giáo dạy văn. Chắc cuộc sống giáo viên lúc đó khó khăn quá, cô phải nấu rượu nuôi lợn và đích thân đi bỏ mối. Nhìn lom lom vào căn phòng tối, cô lờ mờ nhận ra học sinh của mình. Một thoáng bối rối, còn tôi lí nhí chào cô, trong hoàn cảnh bất ngờ, trớ trêu. Đã thế bà bác (đang ngồi xổm ở bậu cửa với cô) cứ nhấc lên đặt xuống, ngửi, nếm, rồi chê ỏng chê eo. Thời gian vài phút mà như cả năm. Căn phòng tập thể vỏn vẹn 10m vuông nên tôi không biết trốn ở đâu để “giải thoát” cho hai cô trò.
Dạy văn cũng đồng thời chủ nhiệm lớp tôi là thầy V. Thầy có vợ làm Công ty hóa chất Đức Giang. Giai đoạn này mấy công ty nhà nước như hóa chất Đức Giang đang ngoi ngóp, sống dở chết dở. Lương giáo viên của thầy cũng còm cõi. Vợ thầy nhạy bén với thị trường nên nhao ngay ra khỏi công ty, mở cửa hàng buôn bán hóa chất.
Thời đó hai tiếng “con phe”, “con buôn” vẫn nặng nề! Tôi nhớ trong giờ giảng khi kể những mẩu chuyện ngoài lề liên quan đến “chân ngoài dài hơn chân trong”… là thầy lúng túng, ngắc ngứ. Bởi thời đó người ta vẫn chưa quen, chưa chấp nhận cái gì ngoài Nhà nước. Nông dân phải trong hợp tác xã, trí thức phải trên giảng đường và phòng thí nghiệm, binh lính ở tuyến đầu, “lực lượng cầm búa” còn lại thì buộc phải trong công ty, nhà máy, xí nghiệp. “Con người mới XHCN” mà thầy vẫn giảng mặc định phải như thế. Điều đó cũng quy định con mắt khắt khe của xã hội khi đánh giá sự mực thước của nhà giáo không chỉ bó gọn ở phạm vi người thầy mà còn liên hệ với cả gia đình.
Học trò vốn nghịch! Bữa đang giảng thì thầy T., dạy toán đi ra ngoài. Lát sau vào, thấy chỗ cài khuy quần của thầy có vết phấn, lập tức mấy đứa thì thầm huých tay hội con gái để bọn chúng bấm bụng cười. Xưa quần cài khuy, lấy đâu ra khóa kéo. Thầy biết “lộ hàng” nên đỏ mặt đi ra ngoài cửa lớp… nhưng lúc vào vẫn… “bung lụa” như thường vì quần thiếu cúc. Dưới lớp mấy đứa con gái không kìm được rúc nách nhau bụm miệng cười.
Chả biết tối đó có việc gì phải đến nhà thầy T., thấy thầy đang chổng mông lùa chổi vào gầm giường quơ quơ cái gì đó, tôi chào và bảo thầy lấy gì em lấy cho. Thầy lồm cồm bò dậy phủi hai đầu gối, nói không, để tí thầy tìm, cái này em không biết đâu.
Đúng lúc vợ thầy dưới bếp lên nhìn tôi cười hỉ hả thật thà, nói thầy đang tìm cái cúc quần. Rồi vợ thầy chuyển ánh mắt trìu mến sang thầy, nói nửa thương nửa trách: - Có mỗi cái quần diện nhất để đi dạy thì đứt cúc. Nghe đến đấy tôi ứa nước mắt hối hận vì trò đùa tinh quái của mình!
Năm 1988 tốt nghiệp, tôi đỗ vào Khoa tiếng nước ngoài, Trường Đại học tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội. Hôm ấy cũng là một chiều đầu Đông, tôi có việc phải đến khu tập thể giáo viên của trường ở Lò Đúc. Đấy là những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp tối tăm, có lẽ được xây vào những năm 50 thế kỷ trước. Tôi đoán vậy!
Đợi mãi thầy mới đi chợ về, chống xe, thầy gật đầu bảo “Phong vào nhà đi”. Tiến lại phía cái bàn gỗ cũ kỹ nứt nẻ, mắt thầy nhìn chăm chăm vào bộ ấm chén cọc cạch sứt vòi nhưng tay thì lần lần mở khuy ngực túi áo đại cán moi ra miếng thịt bằng 3 ngón tay gói trong giấy báo rồi vứt toẹt xuống mặt bàn, nói “thực phẩm cả tuần của tớ đấy”!
Một thầy giáo trí lực phi thường, đọc thiên kinh vạn quyển, sách viết hàng chồng, lên giảng đường sang sảng những kiến thức uyên thâm, ra khỏi lớp kéo theo bao ánh nhìn ngưỡng mộ của sinh viên… sống như thế đấy!
Các thầy, các cô của chúng tôi từng trải qua một thời kỳ bươn chải, nghèo khó, thanh đạm đến không thể thanh đạm hơn như thế!./.