Nước Nga ơi, chỉ có thể yêu Người!
VOV.VN - Nước Nga đã nuôi ta khôn lớn, cho ta dáng vóc, tri thức để làm người. Nước Nga đã gieo vào lòng ta cảm giác biết rung động, lòng biết ơn, nỗi niềm biết day dứt, thương nhớ những gì tốt đẹp đã qua đi
“Cháu không thể hiểu được sao các bác lại yêu nước Nga đến thế? Bác không thấy kinh tế Nga kém thế nào à? Nước Nga có gì khoe với Mỹ đâu! Dân thì khổ! Sao các bác cứ nhiệt thành với nước Nga đến thế? Quả thật cháu không thể hiểu nổi!”
Mình làm sao trả lời câu hỏi này của một bạn trẻ trên Facebook đây! Bạn ấy có cách nhìn của bạn ấy. Và không thể nói là vô lý. Bạn ấy biết cân đong, đo đếm chính xác. Bạn ấy giỏi so sánh vật lý. Bạn ấy nhanh chóng rút ra kết luận. Bạn ấy rất giỏi tiếng Anh... Mình đành im lặng!
Phải. Làm sao có thể giải thích cho bạn ấy hiểu bao thế hệ nghèo đói ở mảnh đất hình chữ S này đã một thời “ngồi mơ nước Nga” như ông lão trong thơ Tố Hữu. Ở một nơi ăn chỉ là khoai sắn, bo bo, ở trong những mái nhà gianh, giấy dầu thủng lỗ chỗ, đi chân đất quanh năm, lại còn chiến tranh chết chóc… thì Liên Xô và sau này là nước Nga đúng là Thiên đường, là Mơ ước, là Hạnh phúc.
Phải. Làm sao tả được cảm giác choáng ngợp đó khi ta đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng: Liên Xô. Se se lạnh và mênh mang rừng mùa thu, hùng vĩ sân bay, choáng ngợp tháp nhà cao tầng. Rồi xe cộ đầy đường, rồi Metro sâu trong lòng đất. Cứ ngỡ là trong giấc mơ chứ không phải là sự thật!
Phải. Làm sao ta ghi lại được xúc cảm khi được đi giữa những ngày đầy màu sắc vàng, đỏ, xanh bất tận của mùa thu Nga. Mênh mang đến mức ta không ý thức được mình đang tồn tại. Những làng xóm, thảo nguyên, sông hồ bạt ngàn sắc thu đến mức ta chỉ muốn hoá thành một làn gió để có thể tan cùng với mùa thu thăm thẳm ở xứ sở này.
Phải. Làm sao có thể cho bạn ấy thấy nỗi niềm yêu thương của các bà mẹ Nga khi gọi ta là “Con trai nhỏ- Xưn nốc” rồi trút cả xô táo, lê cho ta mặc dù chẳng hề quen biết. Không phải một hai lần mà suốt cả 5 năm ở đó, mỗi lần thấy ta xếp hàng mua thực phẩm, vẫn có những bà mẹ Nga nhân hậu nhìn ta và hỏi “Việt Nam?” rồi nhường chỗ cho ta mua trước.
Phải. Làm sao có thể nói cho bạn ấy hiểu tấm lòng của các thầy giáo, cô giáo Nga đối với ta. Họ thương ta thật lòng, chăm chút ta từ cái ăn, cái mặc, từng buổi lên lớp, uốn phát âm từng từ tiếng Nga để cho ta thành người. Ta làm sao quên được những lần được mời đi chơi “đa-tra” của bà giáo tiếng Nga, được thoả thích trèo cây hái táo, hái mận, hái mơ, được thử món “Bosh” nổi tiếng của Nga và món bánh mì đen tự nướng. Đã thế, lúc về, vợ chồng bà còn cho cả một túi xách đầy bánh trái, bơ sữa để làm quà cho các bạn ta.
Phải. Ta đã sống cả một thời đẹp nhất ở đó, thời thanh xuân, và tâm hồn ta đã ướp hương hoa thiên nhiên đủ 4 mùa đậm sắc nét đến nỗi chỉ cần nhắm mắt lại cũng đủ nhận ra. Mùa tuyết trắng rơi trên má hồng ngượng ngùng của người bạn gái. Mùa xuân tím mắt người yêu sắc hoa tử đinh hương. Mùa hè rực rỡ nắng vàng mênh mông xanh thẳm cây cỏ thảo nguyên và mùa thu thơ ca nao lòng sắc cây lá vàng xanh đỏ. Cả thiên nhiên và con người ở đó đều êm đềm, đầy nhân hậu và đầy thương nhớ.
Phải. Nước Nga đã nuôi ta khôn lớn, cho ta dáng vóc, tri thức để làm người. Nước Nga lại cho ta một tâm hồn biết yêu cỏ cây, hoa lá. Nước Nga đã gieo vào lòng ta cảm giác biết rung động, lòng biết ơn, nỗi niềm biết day dứt, thương nhớ những gì tốt đẹp đã qua đi. Và nước Nga đã dạy ta biết xao lòng trước ánh nhìn của người con gái và rồi chính nước Nga đã ban tặng nàng-người bạn đời cho ta để ta tiếp tục sống và tiếp tục yêu…
Phải. Sau này ta lại có dịp được trở lại nước Nga và mặc dù gặp không ít phiền toái ở sân bay và đâu đó nữa nhưng rồi ta vẫn không nguôi ngoai được tình yêu đối với xứ sở này, đến mức khi trở về đêm đêm ta vẫn khoắc khoải mong ước được quay lại miền quê yêu dấu đấy. Một miền quê hùng vĩ mà chân tình, giản dị, giàu lòng nhân ái và chứa đựng bao niềm cuốn hút bất ngờ!
Phải. Ta không thể nào kể hết những gì ta có được nhờ nước Nga. Ta bất lực không làm sao làm cho cháu hiểu nổi tại sao ta lại yêu nước Nga đến thế! Ta đành phải mượn câu thơ của nhà thơ Nga cổ điển Fyodor Tyutchev để giãi bày tình yêu của ta vậy, cháu nhé: “Nước Nga ơi, chỉ có thể yêu Người!”. Nguyên bản: “Умом Россию не понять” (Федор Тютчев) “Умом Россию не понять, Аршином общим не измерить: У ней особенная стать - В Россию можно только верить”. (28/11/1866).
Bản dịch của Đặng Đình Cung:
Bằng trí tuệ sao hiểu được nước Nga
Tác giả: Fyodor Tyutchev
Bằng trí tuệ sao hiểu được nước Nga
Dùng thước chung không tài nào đo nổi
Cái vóc dáng khác thường kia hỡi
Nước Nga ơi, chỉ có thể tin Người!./.