Sách cho nhau
VOV.VN - Lớn dần lên, đi theo những con chữ, có đôi khi tựa vào để vững tâm hơn trong một thế giới nhiều màu mè cám dỗ, vẫn nhớ lời Cha: Đọc sách để có thêm cho mình một người thầy...
Hồi nhỏ mỗi lần Tết đến, đợi lúc Giao thừa, mẹ lấy trong chiếc va li da cũ sờn quà mừng tuổi là bộ quần áo thơm mùi vải mới rồi kéo các con vào lòng âu yếm: Học hành chăm ngoan nhé! Cha thì lặng lẽ vén nhẹ cái rèm che chiếc tủ sách được đóng bằng những mảnh gỗ tạp, lấy trên kệ mấy cuốn sách khẽ đặt lên tay các con, những mong từ Tết này, chúng sẽ yêu hơn những cuốn sách.
Lớn dần lên, đi theo những con chữ, có đôi khi tựa vào để vững tâm hơn trong một thế giới nhiều màu mè cám dỗ, vẫn nhớ lời Cha: Đọc sách để có thêm cho mình một người thầy. Ở nhà, thời bao cấp, chả của nả gì, chỉ cái tủ sách là tài sản quý nhất. Như một thủ thư cần mẫn, Cha nâng niu từng cuốn, xếp chúng vào ngăn theo từng loại trong và ngoài nước; tiểu thuyết, truyện, thơ; sách người lớn, sách thiếu nhi... gọn gàng đâu ra đấy. Rồi có ngăn riêng dành cho sách của bạn bè tặng. Lật giở trang bìa, cảm ngay từ trang đầu thế giới tình cảm của người tặng dù chỉ đơn sơ mấy dòng bút tích. Người viết sách tặng bạn bè đã đành, người đọc cũng trân quý dành cho nhau những cuốn sách được gói ghém kỹ trong tờ báo cũ như sợ bụi bẩn bám vào những dòng chữ quý.
Một dạo hay lang thang phố cổ rồi vùi đầu vào đống sách chất chồng trong những hiệu sách cũ, thấy nhiều cuốn người ta tặng nhau bị thất lạc trên những giá bụi, tò mò lật giở mê mẩn đọc những dòng đề tặng lãng mạn. Đọc và mường tượng những mối tình vời vợi và hình dung xem họ giờ ra sao khi cuốn sách kỷ vật đã không còn bên họ... Đọc và đoán tính cách, tuổi tác họ như một thứ tò mò rất con trẻ, một thứ dư vị lạ lẫm với guồng quay thời bây giờ. Rồi thầm trách những chủ nhân cuốn sách cố tình hay sơ ý để lạc mất những cuốn sách quý... Ở đâu đó quanh cái nghèo miếng cơm manh áo, bạn bè, người yêu nhau vẫn mang đến nhau những cuốn sách trong các dịp sinh nhật, tết nhất... , trao gửi mối đồng cảm, những sẻ chia.
Xuân tết tặng, mừng tuổi sách từ lâu đã là một mỹ tục, không chỉ khơi gợi giá trị văn hóa đọc, nâng niu chữ nghĩa mà còn làm cho ngày tết thêm phần ý nghĩa. Nó thoát khỏi những lo toan, bộn bề ngày thường, những nhọc nhằn của một thời nghèo khó, giữ lại một nét chơi sang trọng, ấm tình ngày Xuân. Cùng với câu đối, sách ngày Xuân ngày Tết đem lại một sự trao truyền thế hệ, gửi gắm những mong mỏi, khát khao, những dự cảm tốt lành. Bây giờ khác rồi, bọn trẻ ít thiết tha những trang sách; người lớn cũng vậy, ngại đọc hơn. Thời gian cuồn cuộn trong chiếc Smartphone đẩy những trang sách về góc tủ bụi...
... Từ mấy năm trở lại đây, một số nhà xuất bản cho ra mắt các ấn phẩm sách Tết, nối lại phong trào xuất bản sách Tết từ hơn nửa thế kỷ trước. Có thể kể đến như "Nhâm nhi Tết", “Tết đoàn viên”... với nhiều tản văn hay về Tết. Đó là món quà ý nghĩa gửi tới từng nhà, khơi lại một nét đẹp trong đời sống tinh thần người Việt. Không chỉ dành cho con trẻ, mà người lớn cũng nên nối lại việc tặng nhau những cuốn sách trong ngày sinh, kỷ niệm ngày cưới, Valentine, đặc biệt ngày Tết với những lời đề tặng thật tình. Những dòng chữ đó theo thời gian như những dòng lưu bút vô giá. Vì thế sách Xuân cũng cần nâng niu nội dung, hình thức, đừng làm qua loa, chiếu lệ...
“Mọi thứ sẽ qua đi, còn lại vài cuốn sách thôi đấy”. Ngày cuối cùng của năm, một người bạn nhà thơ dặn dò, ân cần như Cha ngày mình bé. Chợt thấy lòng lại thênh thang mở như ngày nào đón chờ những cuốn sách bạn bè trao gửi từ phía tri âm. Lòng như trang sách mở vào thăm thẳm cuộc đời./.