Sống dưới camera

VOV.VN - Sự xuất hiện và phổ biến của những chiếc camera giám sát đã và đang thay đổi thói quen hành xử nơi công cộng của chúng ta. Song, không thể chỉ trông chờ những chiếc camera để làm thay vai trò "cảnh sát đạo đức".

Vừa rồi, khi đoạn video clip ghi lại hình ảnh 2 chiến sĩ cảnh sát chặn đuổi rồi đánh 2 thanh niên đi xe máy được tung lên mạng xã hội, trong rất nhiều bình luận liên quan, tôi thấy có một ý đáng quan tâm.

Đó là bây giờ chúng ta sống trong thời đại của camera giám sát, mọi hành xử vô lối đều lập tức phải đổi mặt với sự phán xét của công luận. Liệu điều đó có thể khiến con người ta điều chỉnh những hành xử của mình, theo hướng văn minh hơn?

Về lý thuyết, khi công cụ giám sát tốt hơn, thì hành xử của cộng đồng sẽ có áp lực phải điều chỉnh, theo hướng tích cực hơn. Song, tôi nghĩ, không thể chỉ trông chờ những chiếc camera giám sát đóng vai trò cảnh sát đạo đức.

Bởi, thực tế, sự phổ biến của camera giám sát đã có một quá trình không ngắn. Không chỉ camera giám sát cố định, mà camera hành trình cũng đã phổ biến khá lâu rồi.

Nhưng, khả năng tác động đến hành vi con người vẫn còn rất hạn chế. Những hành vi lệch chuẩn, về đạo đức, hay luật pháp, thay vì ngang nhiên thì trở nên tinh vi hơn.

Khi camera hỗ trợ cảnh sát giao thông phạt nguội trên các tuyến đường cao tốc, sự thay đổi rõ rệt nhất mà chúng ta nhận thấy không phải là ý thức tuân thủ luật pháp, mà sự xuất hiện liên tục các trường hợp dán, sửa biển số xe.

Những hành vi càn quấy, bạo lực trên đường, không những không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, dù hầu hết các vụ việc đó đều được camera ghi lại, và phổ biến trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Các công cụ giám sát, dù sao cũng chỉ là công cụ để phát hiện, trong khi sự trả giá để có khả năng trở thành một kỷ niệm độc lập để tác động thay đổi hành vi thì cần đến chế tài xử lý.

Trở lại câu chuyện 2 người cảnh sát thô bạo trong clip đang phổ biến. Họ đã ra đòn với 2 thanh niên trong một trạng thái mất kiểm soát, bằng những cú đá, cú đánh rất bản năng, không đúng kỹ thuật của những người được đào tạo kỹ năng võ thuật ở mức cơ bản.

Hai chiến sĩ cảnh sát trong clip, nhìn cách họ ra đòn, có thể thấy hoàn toàn không thể hiện được những kỹ năng võ thuật mà họ được đào tạo, điều chỉ có thể xảy ra khi họ mất kiểm soát về tâm lý. Và, trong trạng thái đó, họ sẽ bất chấp sự giám sát, dù là trực tiếp, hay gián tiếp.

Vì thế, câu chuyện này cho thấy vấn đề không phải là có camera hay không, mà là khả năng kiểm soát tâm lý và hành vi của các chiến sĩ cảnh sát.

Sống dưới camera, dĩ nhiên chúng ta cần kiểm soát hành vi nhiều hơn, để không sơ ý, bất cẩn mà tạo ra những hình ảnh phản cảm. Song, những chiếc camera, cũng giống như các tấm biển cảnh báo, chỉ có thể điều chỉnh hành vi của người ngay, không thể ngăn chặn những thôi thúc của kẻ gian.

Nhưng, sống dưới camera, tôi nghĩ là một cơ hội để các lực lượng công vụ có thêm động lực để giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên