Tham gia giao thông: Hãy quý lấy những gì đang có

VOV.VN - Kỹ năng tham gia giao thông là một trong các điều kiện cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người ta chỉ có nhu cầu tìm hiểu, trang bị hiểu biết hoặc kỹ năng nào đó khi thấy nó thực sự là cần thiết, để giữ lấy hoặc phát triển những gì họ coi là quý giá.

So với hơn 10 năm trước kể từ thời điểm Việt Nam bắt đầu phát động và tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân TNGT, số người chết và bị thương do TNGT đã giảm mạnh.

Đó là một hành trình không dễ dàng, với rất nhiều quyết tâm, nỗ lực của bao người, từ người lãnh đạo, quản lý đến người thực thi công vụ, và từng người tham gia giao thông.

Giờ đây ra đường, người ta đã biết sợ tai nạn. Nhưng trong nhiều trường hợp, mới chỉ là sợ sự dữ dội, thảm thương của hiện trường, mà chưa xuất phát từ nỗi sợ mất đi những gì quý giá trong tay.

Có những thanh thiếu niên mới lớn, lao ra đường theo cách, phải làm cho tất cả ngoái nhìn. Họ đi như thể không cần biết đến ngày mai. Bởi ngày mai đối với họ là một sự hình dung còn rất mơ hồ. Chưa trải nghiệm cái đau thể chất hoặc tinh thần, họ chưa thấy quý cái gọi là “bình thường” trong hiện tại.

Họ chưa biết quý cái hạnh phúc của bố mẹ, khi nhìn con trở về, bình thường ngồi xuống mâm cơm.

Có những người tâm lý bất ổn, tham gia giao thông với rất nhiều ưu phiền hoặc bực bội. Đến mức, họ quên mất mình đang lái xe - một công việc cần sự tập trung cao độ và phản xạ chuẩn xác từng ly, chứ không phải chỉ ngồi lên nổ máy.

Họ quên mất, nếu chuyến đi không tới nơi, thì những áp lực hay phiền lo kia, đều là vô nghĩa.

Lại có những người, mải lo chuyện làm ăn, chuyện sắp đặt kế hoạch, tính toán tương lai, bận rộn tới mức, toàn tâm toàn ý vào nó khi đang tham gia giao thông. Họ có thể đã quan niệm rằng, sự an toàn là đương nhiên, cho đến khi nó biến mất.

Bạn đang có một việc để làm, có ít nhất một người để mà quan tâm, có một mái nhà để mà trú ngụ. Và quan trọng hơn cả, có một cơ thể sống ,với sức khỏe hơn nhiều người.

Sẽ ra sao, nếu điều quan trọng nhất này bị tổn hại? Tiền bạc không mua lại được. Các tính toán cho tương lai sẽ hoàn toàn trật lất. Những niềm vui trong gia đình trở thành gánh nặng hoặc nỗi đau. Mái nhà có còn ấm áp, nhẹ nhõm được nữa không, sau một cú sốc mang tên tai nạn?

Ra đường bây giờ, nhiều người vội quá. Vội tới mức quên mất, hoặc nhầm lẫn thứ tự của những điều quan trọng, cốt yếu này.

Và khi không coi là quan trọng, người ta thường sẽ lơ đãng, thờ ơ.

Một đứa trẻ có món đồ quý, tự có bản năng giữ gìn, dù chưa hề được dạy. An toàn giao thông cũng vậy. Yếu tố đầu tiên để hình thành một bản năng an toàn, có lẽ, là thái độ biết quý, biết nâng niu sự sống như một món quà.

Bởi khi biết quý, người ta sẽ muốn giữ, sẽ tìm cách và cố gắng để giữ lấy nó.

Đó là khi, các quy tắc, quy định ATGT được chấp hành, dựa trên nhận thức về tầm quan trọng, chứ không phải đối phó.

Đó là khi, các kỹ năng ATGT được học hỏi và áp dụng xuất phát từ nhu cầu, chứ không phải là sự nhồi nhét thụ động. ATGT, vì thế chỉ được giữ gìn bền vững, khi cái có cái gốc vững chắc là thái độ của mỗi người, “biết quý những gì đang có”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên