Chăm lo Tết cho người lao động, cần nói thật làm thật
VOV.VN - Việc đảm bảo phúc lợi, chính sách cho người lao động nhất là dịp năm hết Tết cần được nói thật làm thật, tránh qua loa hình thức. Chỉ có vậy thì người lao động mới yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, chung sức với địa phương.
Những ngày này, nếu có dịp ghé thăm những xóm nhà trọ công nhân gần các trung tâm sản xuất lớn ận như khu công nghiệp Tân Tạo, khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung, khu công nghiệp Sóng Thần, Vsip… không khó để nhận ra không khí ảm đạm, vắng vẻ khác thường.
Trái lại, tại các diễn đàn, hội nhóm về nhân sự, lao động, việc làm trên các nền tảng mạng xã hội lại có phần sôi động hơn nhưng cũng không có nhiều tín hiệu tích cực.
Đơn hàng xuất khẩu giảm sút, dây chuyền sản xuất dừng hoạt động, nguyên nhiên liệu tăng giá, thị trường bất động sản đóng băng…là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp trong nước lẫn FDI chật vật để duy trì hoạt động. Chậm trả lương, cắt giảm nhân sự, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội… trở thành chuyện bình thường trong suốt 12 tháng của năm 2023. Trong bối cảnh đó, thương lưởng Tết năm nay lại trở thành điều gì đó mong manh thậm chí là xa vời với không ít người lao động.
Giai đoạn này, không dễ để yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ lương, thưởng hay chế độ cuối năm cho nhân viên. Cũng khó đòi hỏi sự cảm thông của người lao động sau 1 năm quần quật, bởi ai cũng muốn có được chút đỉnh để sắm thêm chiếc áo cho tụi nhỏ hay thêm ít bánh trái cho gia đình.
Đây chính là lúc mà vai trò của chính quyền địa phương và các đoàn thể phát huy tác dụng để có thể dung hoà lợi ích của các bên. Cùng với kế hoạch chăm lo Tết được vạch sẵn thì các cơ quan hữu trách cần vào cuộc tích cực hơn để vận động, kết nối, huy động nhiều hơn nữa nguồn lực trong xã hội để cùng chung sức với doanh nghiệp chăm lo cho công nhân, người lao động thu nhập thấp có 1 cái Tết sung túc.
Việc này không chỉ thể hiện sự quan tâm thực chất đến bộ phận người yếu thế trong xã hội mà về lâu dài giúp giữ chân được đội ngũ lao động – vốn được xem là xương sống chính của toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ của TPHCM nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Theo dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là 1 năm nhiều thách thức với kinh tế thế giới, song với những điểm tích cực trong chính sách điều hành thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội để “ngược dòng” cũng như thu ngắn khoảng cách với các nền kinh tế khác. Để làm được vậy, bên cạnh những chính sách đón đầu làn sóng chuyển dịch, thu hút các nhà đầu tư lớn, hoàn thiện chính sách thì công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Chính vì thế, việc đảm bảo phúc lợi, chính sách cho người lao động nhất là dịp năm hết Tết cần được nói thật làm thật, tránh qua loa hình thức. Chỉ có vậy thì người lao động mới yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, chung sức với địa phương.